Đây là lần đầu tiên trong một năm qua Triều Tiên thực hiện phóng tên lửa đạn đạo, và cũng là lần đầu tiên kể từ khi Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Phản ứng trước việc Triều Tiên phóng tên lửa, các nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều lên tiếng chỉ trích việc thử nghiệm này. Joe Biden cho biết nước Mỹ sẽ “có động thái đáp trả hợp lý”.
Theo nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua, Triều Tiên bị cấm mọi hoạt động thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Thông cáo ngày hôm nay được Triều Tiên công bố qua kênh thông tấn nhà nước KCNA, trong đó cho biết cả hai quả tên lửa đều đánh trúng mục tiêu nằm cách bờ biển phía đông nước này 600 km. Trước đó, phía Nhật Bản cho rằng khoảng cách này là hơn 400 km.
Bên cạnh đó, tên lửa mới vừa được thử nghiệm còn có khả năng mang theo đầu đạn nặng đến 2,5 tấn - đủ để mang theo đầu đạn hạt nhân.
Ông Ri Pyong Choi - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và phụ trách tổng giám sát quá trình thử nghiệm, khẳng định: “Sự phát triển của hệ thông vũ khí này có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố sức mạnh quân sự của đất nước và ngăn chặn tất cả các mối đe dọa quân sự khác.”
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng vụ thử nghiệm đã vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và Mỹ đang cân nhắc, xem xét sự việc với các nước đối tác và đồng minh.
“Sẽ có sự đáp trả - nếu họ chọn cách leo thang, chúng tôi sẽ đáp trả tương ứng. Mặc dù vậy, tôi cũng đã chuẩn bị một số phương án ngoại giao, nhưng việc này sẽ tùy thuộc vào kết quả cuối cùng của tiến trình phi hạt nhân hóa”, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết.
Hiện tại, vẫn chưa rõ rằng loại tên lửa mà Triều Tiên đã phóng thử vào ngày 25/3 chính xác là loại nào. Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA, tên lửa mới được trang bị “động cơ nhiên liệu thể rắn cải tiến”. Ngoài ra, KCNA mô tả đây là tên lửa dẫn đường có khả năng vận hành theo quỹ đạo bất thường không theo quy luật và theo tầm thấp - đồng nghĩa với việc sẽ khó bị đánh chặn hơn so với thế hệ cũ.
Thử nghiệm lần này cho thấy quá trình nghiên cứu phát triển vũ khí vẫn luôn được Triều Tiên tiến hành, kể từ khi đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rơi vào bế tắc.
Một số nhà phân tích cho rằng những tên lửa vừa được thử nghiệm cùng loại với các mẫu tên lửa từng được tiết lộ tại buổi duyệt binh quân sự ở Bình Nhưỡng vào tháng 10 năm ngoái.
Reuters trích lời của chuyên gia Jeffrey Lewis, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (CNS), cho biết: “Trong trường hợp đây là mẫu tên lửa đã xuất hiện trong lần duyệt binh năm ngoái, thì đây có vẻ là mẫu cải tiến, nâng cấp từ tên lửa KN-23 từng được thử nghiệm trước đây với khả năng mang theo một đầu đạn có kích cỡ thật sự lớn.”
Vipin Narang - giáo sư nghiên cứu an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thì cho rằng tên lửa mới có thể cho phép Triều Tiên đặt vào đó đầu đạn hạt nhân khối lượng lớn.
Thực tế, việc chế tạo đầu đạn hạt nhân kích cỡ nhỏ vẫn là điều khó khăn, dù một số nhà quan sát tin rằng Triều Tiên có thể cũng đã phát triển thành công loại vũ khí này.
Lần cuối cùng Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo là vào một năm trước, trong bối cảnh quan hệ giữa Tổng thống Mỹ lúc ấy là Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang bị đình trệ.
Mặt khác, chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden mới đây cho biết đã không thành công trong việc liên hệ ngoại giao với phía Triều Tiên.
Bình Nhưỡng hiện vẫn chưa chính thức công nhận Joe Biden là Tổng thống Mỹ, và hai quốc gia vẫn còn những bất đồng về chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.