Chờ...

Trung Quốc chi 240 tỷ đô la cho vay cứu trợ, 22 quốc gia gần như là con nợ “độc quyền”

(VOH) - Trung Quốc đã cho các chính phủ trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu vay những khoản tiền lớn thông qua các siêu dự án cơ sở hạ tầng và trở thành một trong những chủ nợ lớn nhất thế giới.

Một nghiên cứu mới của các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), Trường Harvard Kennedy (Mỹ), trang AidData và Viện Kinh tế thế giới Kiel (Đức) cho thấy, Bắc Kinh giờ đây cũng đã trở thành nước cho vay cứu trợ khẩn cấp lớn và nhiều quốc gia đang phải vật lộn để trả nợ.

Từ năm 2008 đến năm 2021, Trung Quốc đã chi 240 tỷ đô la cho vay cứu trợ - cho 22 quốc gia vốn là con nợ “gần như độc quyền” - trong sáng kiến Vành đai và Con đường, bao gồm cả Argentina, Pakistan, Kenya và Thổ Nhĩ Kỳ, theo nghiên cứu được công bố hôm 28/3 trên tờ The World.

Đọc thêm: IMF: Thế giới vẫn có cơ hội tránh khỏi suy thoái

ngân hàng nhân dân trung quốc
Tòa nhà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh - Ảnh: Getty

Mặc dù các gói cho vay cứu trợ của Trung Quốc vẫn nhỏ hơn so với các gói của Hoa Kỳ hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng khoản tiền này của Trung Quốc đã trở thành nhân tố chủ chốt đối với nhiều nước đang phát triển.

Các gói cứu trợ của Trung Quốc không hề rẻ. Nghiên cứu cho biết, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) yêu cầu mức lãi suất là 5%, so với 2% đối với các khoản vay cứu trợ của IMF.

Đọc thêm: IMF thông qua khoản vay 1,77 tỷ USD hỗ trợ Ai Cập vực dậy kinh tế do dịch COVID-19

Theo báo cáo, năm 2010, chưa đến 5% danh mục cho vay nước ngoài của Trung Quốc hỗ trợ các quốc gia gặp khó khăn về nợ nần. Nhưng đến năm 2022, con số đó đã tăng lên 60% – phản ánh việc Bắc Kinh tăng cường các hoạt động cứu trợ và tránh xa các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng vốn là đặc trưng của sáng kiến “Vành đai và Con đường” vào đầu những năm 2010, báo cáo cho biết.

Hầu hết các khoản vay được thực hiện trong 5 năm cuối của nghiên cứu, từ 2016 đến 2021.

Trong tổng số 240 tỷ đô la cho vay cứu trợ, 170 tỷ đô la đến từ mạng lưới hoán đổi của PBOC – nghĩa là các thỏa thuận giữa các ngân hàng trung ương để trao đổi tiền tệ. 70 tỷ đô la còn lại được cho vay bởi các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, bao gồm cả các công ty dầu khí.

Báo cáo trên cho biết, các khoản vay của Trung Quốc bí mật với hầu hết các hoạt động và giao dịch được che giấu. Điều này phản ánh hệ thống tài chính của thế giới đang trở nên “ít thể chế hóa hơn, kém minh bạch hơn và mang tính chất từng phần hơn” – báo cáo trên đánh giá.

Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc cũng không tiết lộ dữ liệu về các khoản vay hoặc thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương nước ngoài khác; Các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc không công bố thông tin chi tiết về các khoản cho vay của họ đối với các quốc gia khác.

Do đó, nhóm nghiên cứu dựa vào các báo cáo hàng năm và báo cáo tài chính của các quốc gia khác có thỏa thuận với ngân hàng Trung Quốc, các bản tin, thông cáo báo chí và các tài liệu khác để tổng hợp bộ dữ liệu của họ.

Trong một thập kỷ, sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Bắc Kinh đã rót hàng tỷ đô la vào các dự án cơ sở hạ tầng mỗi năm: mở đường cao tốc từ Papua New Guinea đến Kenya, xây dựng cảng từ Sri Lanka đến Tây Phi; cung cấp cơ sở hạ tầng điện và viễn thông cho người dân từ Mỹ Latinh đến Đông Nam Á.

Được công bố lần đầu tiên vào năm 2013, sáng kiến ​​này được coi là một phần mở rộng của quá trình vươn lên mạnh mẽ của đất nước thành cường quốc toàn cầu.

Tính đến tháng 3/2021, 139 quốc gia đã đăng ký tham gia sáng kiến, chiếm 40% GDP toàn cầu, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ.