Đây là nhận định của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva trong buổi họp báo về tình hình kinh tế thế giới ngày 12/1.
Nhận định về chính sách thắt chặt tài chính của các ngân hàng trung ương, bà Georgieva cho rằng chưa thể đánh giá đầy đủ tác động, nhưng xu hướng này sẽ tiếp tục để chống lạm phát.
Lạm phát vẫn còn kéo dài đồng nghĩa với việc các ngân hàng trung ương chưa hoàn thành công việc, các ngân hàng trung ương có thể cần tiếp tục tăng lãi suất, cân bằng giữa việc giảm nhu cầu và tránh đẩy các nền kinh tế vào suy thoái.
Kế hoạch này tiềm ẩn rủi ro nên lãnh đạo IMF đề nghị các ngân hàng trung ương theo dõi tác động của việc thắt chặt các điều kiện tài chính tới thị trường lao động và khả năng dẫn tới căng thẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Theo Tổng giám đốc IMF mặc dù việc thắt chặt hơn các điều kiện tài chính sẽ tác động mạnh tới các nước có mức nợ cao nhưng IMF không thấy nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ mang tính hệ thống.
Dự kiến tháng 2 tới sẽ diễn ra một hội nghị bàn tròn toàn cầu mới về nợ quốc gia, có sự tham gia của các chủ nợ chính và các nhà tài chính tư nhân.
Động thái tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát của các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2023 tiếp tục đi xuống. Tuy nhiên, bà Georgieva cũng bày tỏ lạc quan về sự hồi phục kinh tế Mỹ, với dự báo kinh tế nước này sẽ tránh được suy thoái trong năm nay và “hạ cánh mềm”.