Trung Quốc: Đại dịch Covid-19 làm tăng tỷ lệ thất nghiệp

(VOH) - Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc tháng trước đã tăng mạnh lên gần mức cao kỷ lục trong lịch sử, trong khi doanh số bán lẻ lại giảm mạnh nhất trong hai năm gần đây.

Trước tình trạng sức tiêu thụ cán mốc thấp kỷ lục và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, ngày 16/5 Trung Quốc đã công bố tình hình kinh tế tồi tệ nhất trong hai năm gần đây, khi nước này đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 mạnh nhất từ khi virus corona xuất hiện. Việc tăng cường các biện pháp truy vết và kiểm tra sức khỏe đã ảnh hưởng nặng nề đến việc đi lại và làm suy giảm mức tiêu dùng trong nước, cùng với việc đóng cửa vội vàng ở Thượng Hải vào tháng 4 đã làm tê liệt chuỗi cung ứng.

Mặc dù đã có nhiều bước tiến triển tích cực, song 25 triệu dân của thủ đô kinh tế Trung Quốc vẫn phải chịu những hạn chế hà khắc, vào thời điểm thành phố Bắc Kinh đang tăng cường các biện pháp chống Covid-19, sau khi có sự gia tăng các ca dương tính. Nỗi lo về sự hạn chế và việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu cũng như các địa điểm công cộng đang làm suy yếu nghiêm trọng các hoạt động. Ở Bắc Kinh, ngoài một số khu dân cư bị phong tỏa thì đại đa số trong 22 triệu dân vẫn có thể rời khỏi nhà.

Trung Quốc : Đại dịch làm suy yếu sức tiêu dùng trong nước và tăng tỷ lệ thất nghiệp
Ảnh minh họa. Nguồn: Trends Tendances

Theo công bố của Cục Thống kê Quốc gia (BNS), chỉ số chính về chi tiêu hộ gia đình, doanh số bán lẻ đã giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ hai giảm liên tiếp của chỉ số này (giảm 3,5% trong tháng 3). Theo quan sát đặc biệt của các nhà chức trách, tỷ lệ thất nghiệp là ở mức 6,1% trong tháng 4. Con số này gần với mức cao nhất trong lịch sử là 6,2% vào tháng 2/2020, khi Trung Quốc đang ở đỉnh của đợt dịch đầu tiên.

Tuy nhiên, chỉ số này vẫn chưa vẽ ra một bức tranh cụ thể về tình hình ở Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp chỉ đang được tính cho cư dân thành thị và trên thực tế vẫn còn hàng triệu lao động nhập cư, những người đặc biệt dễ bị tổn thương ở đất nước này. Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tạo ra khoảng 11 triệu việc làm trong năm nay, giảm so với mục tiêu năm 2021 (12,69 triệu việc làm). Nhưng tiêu chí này không cung cấp bất kỳ thông tin nào về số lượng công việc bị mất đi vì khủng hoảng sức khỏe.

Hoạt động sản xuất công nghiệp cũng cho thấy giảm 2,9% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái cũng như so với mức tăng 5% của tháng 3. Các nhà phân tích dự kiến chỉ có một sự suy giảm mạnh (giảm thêm 0,5%) do việc đóng cửa tại Thượng Hải làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Thành phố cảng này là một điểm xuất nhập hàng hóa chính ở Trung Quốc. Nhà kinh tế Raymond Yeung, thuộc ngân hàng ANZ, cảnh báo rằng lệnh hạn chế này có "tác động đáng kể", "đe dọa" thương mại thế giới.

Ngoài ra, nhà kinh tế Tommy Wu, thuộc công ty Oxford Economics cũng đưa ra nhận xét, việc tăng cường các biên pháp kiểm tra sức khỏe là một yếu tố trầm trọng dẫn đến "sự chậm trễ về logistic". Ông chỉ ra rằng, hoạt động tiêu dùng của các hộ gia đình sẽ còn "bị ảnh hưởng nặng nề hơn" bởi các biện pháp y tế, khi mà Bắc Kinh từ lâu đã dựa vào nhu cầu trong nước để kích thích nền kinh tế của mình.

Đối với hoạt động đầu tư vốn cố định, mức tăng trưởng đã chậm lại trong 4 tháng đầu năm, xuống còn 6,8% so với 9,3% vào cuối tháng 3, theo BNS. Mặc dù vậy, người phát ngôn của BNS, Fu Linghui trấn an rằng, tác động của Covid đối với hoạt động này là "ngắn hạn", đồng thời nhận định sự phục hồi vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, các biện pháp chống Covid sẽ gây nhiều rủi ro cho mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà Bắc Kinh đặt ra, trong một năm nhạy cảm về chính trị khi chứng kiến Chủ tịch Tập Cận Bình được tái bổ nhiệm ở vị trí người đứng đầu nền kinh tế thứ hai trên thế giới.

Trước các chỉ số được công bố, nhiều nhà kinh tế nghi ngờ việc đạt được mục tiêu đề ra của gã khổng lồ châu Á, là mục tiêu đánh dấu mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 1990, ngoại trừ năm đầu tiên của đại dịch 2020. Ngoài ra, văn phòng nghiên cứu Gavekal Dragonomics cảnh báo, chính quyền có nguy cơ sẽ phải "đẩy nhanh các biện pháp phục hồi".