Thông báo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra vào ngày 10/5 - kêu gọi các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế không sử dụng các bức tường bên ngoài trụ sở để tuyên truyền và “tránh gây xung đột giữa các quốc gia”.
Thông báo cũng cho biết, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế "có nghĩa vụ tuân theo luật pháp và quy định của Trung Quốc", mặc dù Bắc Kinh tôn trọng quyền miễn trừ ngoại giao theo Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao.
Bức thư được cho là đã được gửi đến tất cả các phái bộ ngoại giao ở Trung Quốc.
Xem thêm: Tổng Thư ký LHQ nói gì về khả năng thúc đẩy hòa đàm giữa Nga và Ukraine?
Động thái trên đã gây ra phản ứng dữ dội từ các nhà ngoại giao của châu Âu và các khu vực khác. Cho tới nay, dường như không đại sứ quán nào dỡ bỏ các áp phích tuyên truyền cả.
Nhiều đại sứ quán nước ngoài ở Bắc Kinh đã treo biển hiệu có cờ Ukraine và thông điệp bằng tiếng Trung và tiếng Anh, chẳng hạn như #StandWithUkraine, để thể hiện tình đoàn kết với quốc gia Đông Âu trong cuộc xung đột với Nga kể từ tháng 2 năm ngoái. Các đại sứ quán tại Bắc Kinh bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine bao gồm Canada, Đức và Ba Lan.
Trong khi đó, một số đại sứ quán lại treo cờ cầu vồng, một biểu tượng về niềm tự hào và sự đa dạng của cộng đồng những người đồng tính LGBT.
Một nhà ngoại giao châu Âu đã chỉ trích lập trường của Trung Quốc và nói rằng không có lý do chính đáng nào để cản trở một quốc gia thể hiện ý định của mình và rằng họ sẽ không tuân thủ thông báo.
Trung Quốc đã cử một đặc phái viên tới Ukraine, Nga, Ba Lan, Pháp và Đức từ ngày 15/5 để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình về cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng các nhà phê bình nghi ngờ liệu Bắc Kinh có thể đóng vai trò trung gian hòa giải hay không do mối quan hệ chặt chẽ của nước này với Moscow.