UEA hợp tác với Nhật Bản đưa thiết bị thám hiểm lên Mặt Trăng

(VOH) - Ngày 14/4, công ty thám hiểm vũ trụ tư nhân mang tên iSpace (Nhật Bản) cho biết sẽ đảm nhận đưa thiết bị thám hiểm của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) lên Mặt Trăng vào năm 2022.

Kế hoạch mở rộng các lĩnh vực hàng không vũ trụ là một trong những hoạt động trọng tâm mà Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) sẽ tập trung tiến hành trong tương lại để đa dạng hóa cơ cấu và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo đó, các chương trình phát triển hàng không vũ trụ sẽ được vận dụng để mở rộng và nâng cao khả năng về khoa học kỹ thuật của UAE, tiến tới giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ đối với nền kinh tế của vùng lãnh thổ này.

Vào tháng 2 năm nay, tàu thăm dò liên hành tinh đầu tiên của quốc gia vùng Vịnh này nói riêng và của cả thế giới Ả Rập nói chung đã thành công đi vào quỹ đạo Sao Hỏa. Hiện tại tàu thăm dò đang tiến hành gửi các dữ liệu về khí quyển và khí hậu Sao Hỏa về Trái Đất.

Trở lại dự án hàng không vũ trụ mới nhất của UAE, tàu tự hành thám hiểm bề mặt Mặt Trăng mang tên Rashid nặng khoảng 10kg sẽ được thiết kế và phát triển hoàn toàn bởi UAE. Trước đây quốc gia này dự định đến năm 2024 mới chính thức đưa tàu Rashid vào không gian.

Tuy nhiên sau đó, công ty tư nhân về hàng không vũ trụ của Nhật Bản là iSpace chuyên cung cấp các dịch vụ vận chuyển thương mại đến Mặt Trăng, tiến tới mục tiêu rộng hơn là kéo gần và đưa Mặt Trăng vào chung “quỹ đạo phát triển kinh tế” với Trái Đất - đã ký kết hợp tác với UAE cho việc đưa tàu Rashid lên Mặt Trăng vào năm sau.

Chương trình hợp tác với UAE về Rashid vào năm 2022 là nhiệm vụ Mặt Trăng đầu tiên của iSpace. Theo đó, công ty này sẽ sử dụng tên lửa đẩy Falcon 9 của tập đoàn hàng không vũ trụ SpaceX và địa điểm phóng tàu dự kiến sẽ từ Florida, Mỹ.

Người sáng lập kiêm CEO của iSpace - Takeshi Hakamada - cho biết, tên lửa của SpaceX sẽ đưa tàu đổ bộ của iSpace lên quỹ đạo Mặt Trăng. Sau đó tàu đổ bộ sẽ tiến vào bề mặt Mặt Trăng, thiết bị thám hiểm Rashid sẽ được tách ra khỏi tàu và bắt đầu hành trình khám phá của mình.

UEA hợp tác với Nhật Bản đưa thiết bị thám hiểm lên Mặt trăng
iSpace cho biết tàu đổ bộ mang theo thiết bị thám hiểm Rashid được phóng vào quỹ đạo Mặt Trăng bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX, sau đó sẽ tự đáp xuống bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: iSpace
UEA hợp tác với Nhật Bản đưa thiết bị thám hiểm lên Mặt trăng
Thiết bị tự hành mang tên Rashid sẽ tách khỏi tàu đổ bộ và bắt đầu hành trình khám phá Mặt Trăng. Ảnh: Trung tâm Không gian Mohammed Bin Rashid (MBRSC)

Trung tâm Không gian Mohammed Bin Rashid của Dubai (MBRSC) sẽ phụ trách phần xây dựng hoàn chỉnh thiết bị thám hiểm Rashid. Hamad Al Marzooqi, giám đốc dự án của sứ mệnh Mặt Trăng tại MBRSC cho biết sau khi dữ liệu được thu thập đầy đủ thì tàu Rashid vẫn sẽ ở lại Mặt Trăng.

Sứ mệnh Mặt Trăng là một phần trong tham vọng chinh phục không gian của UAE từ đây đến năm 2117. Thiết bị thám hiểm tự hành Rashid cũng sẽ là một phần không thể thiếu trong nỗ lực xây dựng khu định cư đầu tiên trên sao Hỏa vào năm 2117 - một trong những kế hoạch tham vọng nhất của UAE.

Mặc dù là "tân binh" trong lĩnh vực hàng không vũ trụ nhưng UAE đã nhanh chóng tạo được dấu ấn riêng cho mình. Tháng 7 vừa qua, tàu vũ trụ Hope Probe của nước này đã cất cánh từ trung tâm vũ trụ Tanegashima của Nhật Bản, bắt đầu hành trình kéo dài 7 tháng tới "Hành tinh Đỏ", đánh dấu sứ mệnh khám phá sao Hỏa đầu tiên của quốc gia giàu dầu mỏ này.