Ukraine ban bố tình trạng khẩn cấp, Nga nói không loại trừ khả năng đối thoại

(VOH) - Ukraine ngày 23/2 đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại tất cả khu vực do chính phủ kiểm soát.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông vẫn giữ quan điểm cởi mở về một cuộc đối thoại trung thực.

Quốc hội Ukraine hôm 23/2 đã thông qua sắc lệnh của Tổng thống Volodymyr Zelensky về việc áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Trước đó, giới truyền thông cho hay tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài 30 ngày và có khả năng sẽ gia hạn thêm 30 ngày.

Lính biên phòng Ukraine đang kiểm tra giấy tờ của người dân tại thành phố Kharkiv ở miền đông nước này vào ngày 23/2/2022. (Ảnh: Reuters)
Lính biên phòng Ukraine đang kiểm tra giấy tờ của người dân tại thành phố Kharkiv ở miền đông nước này vào ngày 23/2/2022. (Ảnh: Reuters)

Oleksiy Danilov, một quan chức của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine ngày 23/2 cho biết, ngoại trừ hai vùng ly khai ở khu vực miền đông là Donetsk và Lugansk, các khu vực còn lại ở Ukraine đều áp đặt tình trạng khẩn cấp.

Trước đó vào ngày 21/2, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng là Donetsk và Lugansk.

Ông Danilov nói mục đích chính của Nga là gây mất ổn định tại Ukraine ngay từ bên trong. Để ngăn chặn điều này xảy ra, Ukraine đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp.

Trong một phát biểu vào ngày 23/2, Tổng thống Putin cho biết trong bối cảnh căng thẳng với Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây khác, Nga vẫn giữ quan điểm sẵn sàng đối thoại trực tiếp và trung thực để tìm ra giải pháp ngoại giao cho các vấn đề phức tạp nhất. Nhưng với chúng tôi, "lợi ích của Nga và sự an toàn của công dân chúng tôi là không thể thương lượng".

Do đó, Nga sẽ tiếp tục củng cố và phát triển quân đội của mình và cung cấp trang thiết bị hiện đại cho họ.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 23/2 cho biết Nga cởi mở với các biện pháp ngoại giao dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và có tính đến lợi ích của nhau.

Các hành động tiếp theo có thể có của Tổng thống Nga Putin đang là tâm điểm chú ý của các nước. Một mặt, Nga tập kết hơn 150.000 binh lính ở khu vực biên giới với Ukraine; mặt khác, Mỹ và các nước phương Tây đã công bố các biện pháp trừng phạt Nga sau các quyết định.

Nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các thể chế tài chính của Nga, Bộ Tài chính Nga ngày 23/2 đã công bố các biện pháp được cho là sẽ đảm bảo sự ổn định trong việc tiếp cận thị trường vốn của nước này.

Bộ Tài chính Nga cho biết cơ quan này sẽ cùng với ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường tài chính, và nếu cần thiết, sẽ áp dụng các biện pháp bổ sung để tăng cường ổn định tài chính.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 23/2 nói rằng, mặc dù phải trả giá cho các lệnh trừng phạt nhưng Nga vẫn có khả năng giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

"Quan trọng hơn, sức ép của các lệnh trừng phạt không thể ảnh hưởng đến quyết tâm bảo vệ lợi ích của chúng tôi", Bộ Ngoại giao Nga khẳng định.

Bộ Ngoại giao cũng nói rằng Nga sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bình luận