Chờ...

Ukraine phải cải tổ nền kinh tế nếu xung đột kéo dài?

VOH - Theo 1 số chuyên gia, nếu hòa bình không sớm đến với Ukraine, nước này sẽ đối diện nhiều thách thức và buộc phải cải tổ nền kinh tế, để thích ứng trong điều kiện mới.

Những ngày giữa tháng 9/2023, thủ đô Kiev của Ukraine trông thật rực rỡ giữa ánh nắng mùa thu. Các con phố rợp bóng cây tràn đầy sức sống. Quán café, quán bar, cùng những cửa hàng thời trang không ngớt khách ra vào. Nhìn hoạt động kinh tế, không ai nghĩ Ukraine đang trong tháng thứ 18 của xung đột.

Thủ đô Kiev của Ukraine bình yên giữa chiến sự - Ảnh: BucketListly
Thủ đô Kiev của Ukraine bình yên giữa chiến sự - Ảnh: BucketListly

1. Ưu tiên lớn nhất cho kinh tế quốc phòng

Nhìn bề ngoài thủ đô Kiev thật thơ mộng, nhưng khi tiếp xúc gần, phần lớn người dân Ukraine đều lo lắng cho tương lai. Họ biết rằng, Nga vẫn có nhiều máy bay không người lái và tên lửa. Mùa đông lạnh giá cũng đang đến gần. Một năm về trước, khoảng 50% người dân được hỏi tin rằng, xung đột sẽ kết thúc trong vòng 1 năm. Hiện con số giảm xuống còn 34%. Theo các chuyên gia, nếu xung đột không sớm kết thúc, Ukraine sẽ chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế và xã hội.

Tổng thống Zelenskiy mới đây đã bổ nhiệm ông Rustem Umerov làm bộ trưởng quốc phòng. Là người Tatar có nguồn gốc từ bán đảo Crưm, việc bổ nhiệm ông Umerov rõ ràng mang chủ ý của chính phủ Ukraine. Tuy nhiên tổng thống Zelenskiy giải thích: “Việc bổ nhiệm không thể dựa vào cảm xúc. Chúng ta cần nâng cấp các hệ thống máy móc, hậu cần và ngành công nghiệp.”

Ông Umerov, 1 cựu doanh nhân và nhà đầu tư 41 tuổi, cho biết sứ mệnh sắp tới là xây dựng lại nền kinh tế quốc phòng, để phương Tây thấy rằng, Ukraine không chỉ là 1 bên nhận viện trợ, mà còn là 1 đối tác. Ông khẳng định, nhằm đơn giản hóa việc quản lý, những gì có thể số hóa được, thì phải số hóa ngay. Với hy vọng mọi thứ được thúc đẩy, ông đã thay 6 trên 7 thứ trưởng quốc phòng.

Khi còn nằm trong Liên Xô, Ukraine có ngành công nghiệp quốc phòng vững mạnh. Khoảng 1,5 triệu người làm việc trong 700 doanh nghiệp quân sự. Ông Leonid Kuchma, tổng thống thứ 2 của Ukraine, từng quản lý nhà máy tên lửa lớn nhất thế giới ở tỉnh Dnipro. Sau năm 1991, tình trạng tham nhũng đã kéo tụt ngành công nghiệp này.

Giờ đây Ukraine đang xây dựng lại gần như từ đầu. Ông Umerov khẳng định: “Bất cứ thứ gì có thể  tự sản xuất được, đều phải tự sản xuất.”

Ông Oleksandr Kamyshin, cựu chủ tịch ngân hàng đầu tư và cựu chủ tịch 1 công ty đường sắt nhà nước, giờ được giao nhiệm vụ cải cách khối doanh nghiệp nhà nước nói: “100 ngày đầu tiên của cuộc chiến phản ánh lòng dũng cảm. Một ngàn ngày tiếp theo, chúng ta phải toát lên sự mạnh mẽ, kiên trì và bền bỉ.”

Tháng 6/2023, 3 tháng sau khi ông Kamyshin được bổ nhiệm, Ukraine sản xuất lượng đạn pháo nhiều tương đương 1 năm trước đó. Đến tháng 7, con số tăng gấp đôi.

Hiện nay, khối tư nhân sản xuất khoảng 20-30% vũ khí. Ông Umerov khuyến khích tăng tỷ lệ này. Thậm chí chính phủ sẵn sàng trả trước cho các doanh nghiệp địa phương, nếu họ chứng minh được năng lực. Ông Kamyshin dự đoán, trong vòng 5 năm tới, khối tư nhân sẽ sản xuất khoảng 80% nhu cầu vũ khí của đất nước.

Một trong những ví dụ về sự chuyển đổi này, là máy bay không người lái. Trước chiến tranh, lĩnh vực này chỉ là 1 cơ sở nhỏ. Hiện số lượng xuất xưởng đã lên đến hàng trăm chiếc mỗi tháng.

Ông Mykhailo Fedorov, bộ trưởng phụ trách chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine nói: “Năm nay, chúng tôi có thể sản xuất lượng máy bay không người lái nhiều gấp 120 lần năm ngoái. Tháng 12/2022, chúng tôi chỉ có 7 công ty tư nhân. Giờ con số là 70.”

Để hỗ trợ lĩnh vực trên, chính phủ đã miễn thuế với linh kiện nhập khẩu. Ông Fedorov nói tiếp: “Chúng tôi đang tập trung hết sức vào công nghệ. Chúng tôi nhận được sự trợ giúp của những nền kinh tế lớn và hiện đại. Tuy nhiên vẫn còn nhiều rủi ro. Một số nhà máy của chúng tôi đã bị tên lửa đối phương phá hủy.”

Một tham vọng khác được ông Kamyshin chia sẻ, là muốn các doanh nghiệp quốc phòng phương Tây chuyển nhà máy đến Ukraine.

BAE Systems – tập đoàn quốc phòng lớn của Anh, đã thành lập 1 công ty con tại Ukraine và có kế hoạch sản xuất đạn pháo loại L119 và M777.

Rheinmetall – nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức, đang có 1 cơ sở sửa chữa xe tăng Leopard ở Ukraine, đã lên kế hoạch mở nhà máy sản xuất xe bọc thép. Ông Armin Papperger, giám đốc điều hành Rheinmetall nói: “Người Ukraine phải tự giúp mình. Chúng tôi, những đối tác Âu – Mỹ chỉ có thể giúp giai đoạn đầu. Trong những năm tới, họ phải tự giúp mình. Nếu không, thất bại là viễn cảnh có thể được nhìn thấy.”

Thời gian qua, nhiều nhà máy đã bị tên lửa và UAV của Nga phá hủy. Về điều này, ông Kamyshin giải thích: “Chúng tôi không thể xây dựng những cơ sở siêu khổng lồ như thời Liên Xô. Thay vào đó, chúng tôi có các nhà máy nhỏ, rải rác khắp đất nước. Khi 1 cái bị phá hủy, những nơi khác tiếp tục hoạt động.

2. Các vấn đề khác của kinh tế - xã hội Ukraine khi xung đột kéo dài

Ngoài kinh tế quốc phòng, thì vận tải biển và xuất nhập khẩu hàng hóa, Ukraine cũng đang nỗ lực phá vỡ bế tắc. Tháng trước, Ukraine đã thiết lập 1 tuyến đường biển mới, chạy sát bờ phía Tây biển Đen, gần lãnh hải Rumani và Bulgari.

Nếu Ukraine có thể bảo vệ được tuyến đường này, lượng hàng xuất khẩu về lâu dài có thể đạt 70% so với trước xung đột. Ngày 17/9, hai tàu đã cập cảng Chornomorsk gần Odessa để bốc dỡ gần 20.000 tấn lúa mì. Việc tăng cường bảo vệ tuyến đường biển, phản ánh quan điểm của chính phủ Ukraine rằng, nền kinh tế đang cần 1 sự thay đổi mạnh mẽ. Năm 2022, Ukraine nhận được 31 tỷ USD viện trợ tài chính. Năm nay, con số có thể nhiều hơn. Tuy vậy, ông Serhiy Marchenko, bộ trưởng tài chính nói rằng, sự hào phóng sẽ không kéo dài. Ukraine cũng không nên đi xin mãi.

Trước chiến tranh, chi tiêu quân sự của Ukraine là 5% GDP. Năm 2023, con số có thể lên tới 26%. Ngay cả khi cuộc chiến dừng lại, chi tiêu này được dự báo cũng không giảm. Tướng Valerii Zaluzhnyi – tư lệnh quân đội Ukraine nói, quốc phòng mạnh là cách tốt nhất để không đối thủ nào dám tấn công. Ông lo ngại, kinh tế Ukraine đang suy giảm, có thể không gánh vác được các chi tiêu cho quân đội. Đó là lý do chính phủ cần cải cách mạnh mẽ hơn, cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển những ngành công nghiệp chủ chốt.

Theo bộ trưởng tài chính Marchenko, mối quan tâm của các nhà đầu tư hiện nay, ngoài vấn đề an toàn, còn là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và không đáng tin cậy của Ukraine. Điều này tồn đọng từ trước chiến tranh. Ngoài ra, tham nhũng gây tàn phá lớn với cơ sở hạ tầng, còn nhiều hơn do chiến tranh. Cái Ukraine cần bây giờ, là 1 hệ thống tư pháp độc lập, hoạt động hiệu quả.

Một vấn đề không nhỏ với kinh tế - xã hội Ukraine khác, là xung đột khiến 7 triệu người phải đi tị nạn, tương đương 20% dân số trước chiến tranh – tức khoảng 37 triệu người. Trong số 7 triệu người này, hơn 2/3 là phụ nữ. Nam giới trong độ tuổi nhập ngũ bị cấm ra khỏi biên giới. Dân số trong độ tuổi lao động đã giảm từ 16,7 triệu năm 2021 xuống còn 12,4 triệu vào năm 2023.

Để kêu gọi người tị nạn quay về, chính phủ Ukraine đang cung cấp nhiều khoản trợ cấp cho công ty khởi nghiệp, cũng như cho các hoạt động xây dựng lại nhà cửa. Tuy vậy, phần lớn người tị nạn định cư ở những nước châu Âu giàu có và ổn định. Họ đã tìm được việc làm và trường học cho con cái. Đó là lý do chỉ một số ít người già muốn trở về.

Một vấn đề khác trong xã hội. Theo bà Olena Zelenska, vợ của tổng thống Zelenskiy, người đang đứng đầu 1 dự án về sức khỏe tinh thần, số vụ ly hôn ở nước này đang tăng nhanh, vì sự chia rẽ giữa những gia đình. Nam giới thì ở lại, trong khi phụ nữ và trẻ em tị nạn ở nước ngoài. Nếu lượng người tị nạn ngày càng tăng, có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế - xã hội của Ukraine.

Một bất ổn tiềm ẩn khác trong xã hội, là sự chia rẽ về quan điểm. Anh Roman Hasko, trung úy thuộc lữ đoàn dù tấn công số 80, người tình nguyện nhập ngũ từ những ngày đầu cuộc chiến nói rằng, anh thất vọng khi chứng kiến cảnh nhộn nhịp của Kiev về đêm. Các bạn trẻ đi chơi rất nhiều, trong khi đơn vị của anh luôn trong cảnh thiếu binh sỹ. Theo anh, sự mất cân đối trên cần phải được chỉnh sửa lại.

Từ khi xung đột nổ ra, những người như trung úy Hasko xếp hàng tình nguyện ra chiến trường. Tuy nhiên không ít thanh niên đã tìm mọi cách để né tránh, như làm giả hồ sơ y tế, trốn ra nước ngoài hoặc hối lộ quan chức địa phương. Tháng trước, tổng thống Zelenskiy đã cách chức người đứng đầu văn phòng tuyển quân ở hàng loạt địa phương. Họ bị thay thế bởi những quân nhân có kinh nghiệm chiến trường và được cơ quan tình báo quân đội xác nhận.

Từ khi chiến tranh xảy ra, niềm tin của người dân vào sự điều hành của các chính trị gia cũng giảm. Theo 1 số cuộc điều tra, khi bắt đầu xung đột, khoảng 60% người dân Ukraine tin vào các chính trị gia nói chung. Tháng 6/2023, con số chỉ còn 44%. Tỷ lệ người dân cho rằng, đất nước đang đi đúng hướng cũng giảm. Vấn đề đáng lo ngại nhất là tham nhũng.

Dẫu không hài lòng với giới chính trị, nhưng có tới 76% người dân Ukraine trong 1 số cuộc thăm dò cho rằng, không nên tiến hành bầu cử lúc này. Hãy để khi xung đột kết thúc. Nhiều ý kiến khẳng định, họ chấp nhận các hạn chế đi lại, quyền tự do bị giới hạn và sống trong cảnh bấp bênh về kinh tế như hiện nay.