Cụ thể, theo Hãng thông tấn Interfax của Ukraine, chính phủ nước này đã áp dụng quy định về giấy phép xuất khẩu đối với những sản phẩm nông nghiệp quan trọng như bột mì, ngô và dầu ăn hướng dương. Văn bản trên yêu cầu các nhà buôn cũng cần có giấy phép xuất khẩu đối với những mặt hàng trứng và gia cầm.
Cùng ngày, Ukraine đã đình chỉ hoạt động xuất khẩu một số nông sản bao gồm lúa mạch đen, yến mạch, hạt kê, kiều mạch, muối, đường, thịt và vật nuôi.
Theo Bộ Nông nghiệp Ukraine, nước này đã xuất khẩu 43 triệu tấn ngũ cốc trong niên vụ 2021/2022 tính đến ngày 23/2. Sản lượng ngũ cốc của Ukraine đã tăng 32%, qua đó đạt mức 85,7 triệu tấn trong năm 2021.
Nước xuất khẩu dầu ăn hướng dương lớn nhất thế giới này đã từng tuyên bố rằng họ có thể xuất khẩu hơn 60 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có 33 triệu tấn ngô và 23 triệu tấn lúa mì.
Hiện nay, Ukraine chiếm 16% lượng ngô và 12% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu. Năm 2021, Ukraine đã sản xuất kỷ lục 42 triệu tấn ngô, một khối lượng "đáng kinh ngạc" chỉ sau một thập kỷ tập trung trồng ngô. Khi giá ngũ cốc toàn cầu tăng vào đầu thập kỷ trước, tiềm năng lợi nhuận của ngô đối với nông dân Ukraine cũng tăng theo. Kể từ đó, họ đã tăng diện tích ngô khoảng 90%, và 5,3 triệu ha thu hoạch năm ngoái nhiều hơn một chút so với bang Iowa của Mỹ.
Ngoài ra, diện tích hạt có dầu ở Ukraine tăng trưởng 35% trong hơn 10 năm, 3/4 trong số đó là hạt hướng dương. Công suất nghiền dư thừa ở Ukraine đã tăng lên 23 triệu tấn vào năm 2020 từ mức 15 triệu tấn năm 2015 và 10 triệu tấn năm 2011. Từ đó hỗ trợ cho vai trò của nước này là nhà xuất khẩu dầu hướng dương hàng đầu…
Xem thêm: Tin nóng trưa 3/3: Việt Nam tiếp tục triển khai sơ tán công dân tại Ukraine
Xung đột Nga - Ukraine nổ ra khiến hoạt động xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam đều phải tạm dừng. Giá một số nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hiện đã tăng mạnh. Khi xung đột nổ ra, giao dịch xuất khẩu sang Nga đều phải tạm dừng bởi rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao. Các doanh nghiệp hiện nay đều phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác. Ở chiều ngược lại, năm 2021 Việt Nam chi 500 triệu USD nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản từ Nga và Ukraine. Việt Nam nhập nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như: lúa mì khoảng 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mì; ngô làm thức ăn chăn nuôi; phân bón. Việc thiếu hãng tàu và tăng chi phí vận chuyển khiến các doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào của Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga và chuyển sang các tìm nhà cung ứng từ các nước Úc, Nam Mỹ, Nam Phi. Quan trọng hơn là sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên toàn cầu. Cụ thể, giá lúa mì, ngô... đã tăng lên khoảng 10-20%, giá phân bón tăng trên 20% trong thời gian gần đây, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt. |