Chờ...

Vụ phá hoại đường ống Nord Stream: LHQ từ chối yêu cầu họp bàn của Nga

(VOH) – Nga yêu cầu tổ chức một cuộc họp với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHP) để bàn về vụ phá hoại các đường ống dẫn khí Nord Stream.

Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy cho biết, Moscow yêu cầu tổ chức một cuộc họp với Hội đồng Bảo an LHQ vào lúc 3 giờ chiều, ngày 22/2, tại TP New York (Mỹ).

Tuy nhiên, theo phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Stephane Dujarric, họ không được phép mở bất kỳ cuộc điều tra nào về hành động phá hoại hệ thống Nord Stream bởi đó không phải là nhiệm vụ của tổ chức này. “Để mở cuộc điều tra, cần có sự ủy quyền từ cơ quan lập pháp của tổ chức”

Ông Dujarric cho hay, ông "không có thông tin gì" về nguyên nhân đường ống Nord Stream phát nổ và sẽ không đưa ra bình luận gì thêm.

Các vị trí rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Đồ họa: Guardian.
Các vị trí rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Đồ họa: Guardian.

Trước tuyên bố trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ sự thất vọng và cho biết ông không đồng ý với lập trường trên của LHQ.

Động thái trên của Nga được đưa ra sau khi bài viết của nhà báo Mỹ Seymour Hersh được đăng tải trên blog cá nhân vào ngày 8/2, cho rằng các vụ nổ tại đường ống Nord Stream 1 và 2 xảy ra do bị đánh bom bằng các thiết bị nổ của thợ lặn Hải quân Mỹ cài vào hồi tháng 6/2022, dưới bình phong cuộc tập trận trên biển BALTOPS với các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngay sau đó, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng Adrienne Watson cho biết các thông tin mà ông Hersh công bố là “hoàn toàn sai”,“hoàn toàn hư cấu”.

Xem thêm: Trực thăng quân sự lao xuống cao tốc, toàn bộ binh sĩ thiệt mạng

4 vị trí rò rỉ trên hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 được phát hiện cuối tháng 9/2022, sau những vụ nổ lớn. Hai vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và hai nằm trong EEZ của Đan Mạch.

Cơ quan An ninh Thụy Điển (SAPO) phát hiện dấu vết thuốc nổ còn sót lại ở khu vực đường ống Nord Stream bị rò rỉ. Cuộc điều tra chung Thụy Điển - Đan Mạch kết luận sơ bộ rằng các vụ nổ liên quan hành vi "phá hoại có chủ đích", nhưng chưa công bố bên chịu trách nhiệm trong vụ nổ.