WHO đưa ra cảnh báo đi lại với châu Âu trong mùa cao điểm du lịch hè

(VOH) - Ngày 10/6, WHO đã kêu gọi các nước châu Âu thực hiện đi lại và du lịch hợp lý, “có trách nhiệm” trong mùa du lịch hè, đồng thời cảnh báo châu lục này “chưa thoát khỏi nguy hiểm” vì đại dịch.

Theo đó, dù số ca nhiễm Covid-19 đã giảm đáng kể trong nhiều tuần gần đây, song người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu - ông Hans Kluge vẫn đưa ra cảnh báo, đặc biệt khi chuẩn bị vào mùa cao điểm du lịch hè: “Với việc tập trung đông người tại các nơi công cộng đang gia tăng, người dân ngày càng đi lại nhiều hơn, và các lễ hội cũng như giải đấu thể thao sẽ được tổ chức liên tiếp trong thời gian tới, WHO kêu gọi chúng ta hãy cẩn trọng.”

“Nếu bạn chọn đi du lịch, hãy du lịch có trách nhiệm. Hãy ý thức về những rủi ro có thể xảy ra. Hãy áp dụng những khuyến cáo chung và đừng phá vỡ những thành quả mà ta đã đạt được trong công tác phòng chống dịch”, ông Kluge nói.

Trong 2 tháng qua, những số liệu liên quan đến Covid-19 về số ca nhiễm mới, số ca tử vong và số người nhập viện điều trị Covid-19 đều giảm mạnh ở châu Âu. Trước kết quả này, 36 trong tổng số 53 quốc gia tại châu lục này đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng trước đây để phòng chống dịch.

Cụ thể, số ca nhiễm Covid-19 trong tuần trước là 368.000 ca - bằng 1/5 so với tháng 4 - thời kỳ cao đỉnh điểm về số ca nhiễm trong một tuần.

“Tất cả chúng ta nên ghi nhận kết quả khả quan đạt được ở hầu hết các nước trong khu vực, nhưng đồng thời phải ý thức rằng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm vì dịch bệnh”, ông Kluge cảnh báo.  

WHO đưa ra cảnh báo đi lại đối với châu Âu trong mùa du lịch hè
Giám đốc WHO tại châu Âu - ông Hans Kluge. Ảnh: Reuters

Ông Kluge cho biết, chủng biến thể SARS-CoV-2 mang tên Delta - vốn được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ - thật sự là vấn đề đáng lo ngại. Theo ông, biến chủng này khó ngăn chặn và kiểm soát vì khả năng lây nhiễm cao hơn tới 40% so với biến thể lần đầu được phát hiện ở Anh - hay còn gọi là biến thể Alpha theo hệ thống tên gọi mới công bố gần đây của WHO.

Bên cạnh đó, theo WHO, các quốc gia cũng nên rút kinh nghiệm từ những bài học trong mùa dịch vào hè năm ngoái, ngay cả khi tiến trình tiêm vắc-xin đã được triển khai tại hầu hết các nước trong khu vực.

Hiện tại, với tỷ lệ chỉ mới 30% dân số châu Âu được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 liều đầu tiên thì thật sự vẫn chưa đủ để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới - ông Kluge nhận định.

WHO đưa ra cảnh báo đi lại đối với châu Âu trong mùa du lịch hè
Theo WHO, các nước châu Âu cần thận trọng khi nới lỏng giãn cách và tái mở cửa biên giới, đặc biệt trong mùa cao điểm du lịch hè đang đến. Ảnh: Reuters

Liên quan đến vấn đề tiêm vắc-xin, ông Lawrence Young - giáo sư về ung thư học phân tử tại Đại học Warwick (Anh) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng trong việc làm chậm quá trình lây nhiễm virus trong cộng đồng khi các hạn chế xã hội được dỡ bỏ.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, giáo sư Young cho biết, việc tiêm phòng thực sự quan trọng vì nó sẽ ngăn chặn virus tạo nên chuỗi lây nhiễm. Đối với những người được tiêm phòng, ngay cả khi bị nhiễm virus, virus trong cơ thể họ cũng không sản sinh số lượng lớn, như vậy có thể giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác nếu tiếp xúc gần. 

Bình luận