Chờ...

WHO: Nguy cơ cao xảy ra thảm họa sinh học tại Sudan

VOH - WHO vừa đưa ra cảnh báo về nguy cơ cao xảy ra thảm họa sinh học tại thủ đô Khartoum (Sudan) sau khi một trong những bên giao tranh chiếm quyền kiểm soát Phòng thí nghiệm y tế quốc gia.

Giao tranh tại Sudan đã hạ nhiệt vào tối 25/4 khi quân đội Suddan và lực lượng bán quân sự đối lập nhất trí ngừng bắn 3 ngày, cho phép người dân Sudan nhanh chóng sơ tán lánh nạn và nhiều nước sơ tán công dân.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về nguy cơ cao xảy ra thảm họa sinh học tại thủ đô Khartoum sau khi một trong những bên tham gia giao tranh tại nước này chiếm quyền kiểm soát Phòng thí nghiệm y tế quốc gia - nơi lưu giữ mầm bệnh sởi và bệnh tả.

sudan
Khói bốc lên từ giao tranh tại thủ đô Khartoum - Ảnh: Tổ chức nhân quyền LHQ

Ông Nima Saeed Abid, quan chức của WHO cho biết, toàn bộ nhân viên kỹ thuật đã bị đuổi khỏi phòng thí nghiệm. Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là việc đảm bảo các vật liệu sinh học và vật chất sẵn có trong phòng thí nghiệm được cất giữ an toàn. Ông từ chối cho biết lực lượng nào chiếm giữ phòng thí nghiệm. 

Giao tranh giữa quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) nổ ra từ ngày 15/4 đến nay đã khiến nhiều khu vực dân cư thành vùng chiến sự, cướp đi sinh mạng của ít nhất 459 người và trên 4.000 người bị thương.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, khoảng 12 triệu trong tổng số 46 triệu dân của Sudan sống ở khu vực thủ đô Khartoum. Gần 16 triệu người, tương đương 1/3 dân số của đất nước, đang cần viện trợ nhân đạo, trong đó có khoảng 11,7 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng.

Cuộc giao tranh ở Sudan đã khiến hầu hết các bệnh viện phải đóng cửa; điện, nước bị cắt. Việc các nhân viên cứu trợ, trong đó có 3 người từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), bị sát hại đã khiến WFP phải tạm dừng hoạt động tại Sudan.

Đọc thêm: Các nước gấp rút sơ tán công dân sau lệnh ngừng bắn ở Sudan

Tướng Abdel Fattah Burhan, người đứng đầu lực lượng vũ trang Sudan và Tướng Mohammed Hamdan Dagalo, thủ lĩnh của nhóm bán quân sự RSF đều đang tìm cách giành quyền kiểm soát quốc gia châu Phi.

Xung đột nổ ra 2 năm sau khi lực lượng của hai vị tướng này cùng nhau thực hiện một cuộc đảo chính quân sự và làm trật bánh quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ của Sudan.

Hai lực lượng này đã thất bại trong các cuộc đàm phán để hợp nhất và thành lập một chính phủ dân sự sau khi cựu Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ.