WHO sẽ đàm phán thỏa thuận toàn cầu về đại dịch vào tháng 2/2023

(VOH) – 194 quốc gia thành viên của WHO đã đồng ý xây dựng bản dự thảo đầu tiên của một thỏa thuận có tính ràng buộc về mặt pháp lý để bảo vệ thế giới khỏi các đại dịch trong tương lai.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Tư thông báo rằng các cuộc thảo luận về bản dự thảo của thỏa thuận toàn cầu nhằm đối phó tốt hơn với các đại dịch trong tương lai sẽ bắt đầu vào cuối tháng 2/2023.

Sau 3 ngày họp tại Geneva, 194 quốc gia thành viên của WHO đã đồng ý "xây dựng bản dự thảo đầu tiên của một thỏa thuận có tính ràng buộc về mặt pháp lý để bảo vệ thế giới chống lại các đại dịch trong tương lai", một thông cáo báo chí nhấn mạnh.

WHO sẽ đàm phán thỏa thuận toàn cầu về đại dịch vào tháng 2/2023 1
WHO sẽ đàm phán thỏa thuận toàn cầu về đại dịch vào tháng 2/2023

Thông báo trên được đưa ra vài ngày trước ngày đánh dấu tròn 3 năm dịch Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc, trước khi lây lan ra toàn cầu rồi trở thành đại dịch nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ.

Đại dịch này đã gây ra hàng triệu cái chết, làm thiệt hại hàng nghìn tỷ USD và đặt nhiều người vào sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc và thuốc men.

Văn phòng của Cơ quan đàm phán liên chính phủ, bao gồm một đại biểu từ mỗi khu vực trong số 6 khu vực của WHO, sẽ chịu trách nhiệm xây dựng văn bản hoặc "bản thảo sơ bộ" để làm cơ sở cho các cuộc đàm phán của các quốc gia thành viên.

Tiến trình tìm kiếm một thỏa thuận để đối phó đại dịch đã được khởi động vào cuối năm 2021 bởi sự nhất trí của các thành viên WHO. Kế hoạch là thông qua một văn bản có tính ràng buộc về mặt pháp lý vào mùa Xuân năm 2024.

“Quyết định giao cho chúng tôi nhiệm vụ xây dựng bản dự thảo thỏa thuận về đại dịch đã thể hiện một bước tiến quan trọng trên đường hướng tới một thế giới an toàn hơn", Roland Driece, một trong những thành viên của cơ quan đàm phán quốc tế cho biết.

Một thành viên khác của cơ quan đàm phán, bà Precious Matsoso đã chỉ ra "các quan chức chính phủ nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào về đại dịch trong tương lai đều phải cân nhắc đến sự công bằng, tăng cường sự chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo sự đoàn kết, thúc đẩy cách tiếp cận toàn xã hội và toàn chính phủ, đồng thời tôn trọng chủ quyền của các quốc gia".

"Có rất nhiều thứ cần phải thay đổi trước khi chúng tôi xác nhận bản thảo. Điều này có lẽ cũng tương tự với hầu hết các quốc gia thành viên", trưởng đoàn đàm phán của Mỹ, Pamela Hamamoto trả lời với các phóng viên khi đề cập đến "bản thảo sơ bộ".