Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên ở người liên quan chủng cúm gia cầm loại A/H5N2. Bệnh nhân (59 tuổi) này nhập viện ở thành phố Mexico và qua đời vào ngày 24/4 sau khi bị sốt, khó thở, tiêu chảy, buồn nôn và mệt mỏi.
WHO cho biết, đây là trường hợp nhiễm virus cúm A/H5N2 đầu tiên ở người và chưa rõ nguồn phơi nhiễm với virus. Những người khác tiếp xúc với bệnh nhân trên đều âm tính với cúm gia cầm.
WHO nhận định nguy cơ lây nhiễm virus này đối với con người hiện ở mức thấp.
Theo WHO, bệnh nhân trên chưa từng tiếp xúc với gia cầm hoặc động vật khác, nhưng có nhiều bệnh lý tiềm ẩn và phải nằm liệt giường trong 3 tuần vì những lý do khác trước khi xuất hiện các triệu chứng cấp tính.
Bộ Y tế Mexico xác nhận, bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính và tiểu đường tuýp 2. Cơ quan này cũng khẳng định, không có bằng chứng lây truyền từ người sang người trong vụ việc và các trang trại gần nhà nạn nhân đều được giám sát.
Virus cúm gia cầm loại A/H5N2 thường lây lan cho gà, vịt, gà tây, chim ưng hay đà điểu. Do có tính lây truyền cao nên dẫn đến việc các trang trại thỉnh thoảng phải tiêu hủy hàng nghìn con gia cầm để ngăn chặn dịch bệnh.
Cúm gia cầm cũng đã lây nhiễm sang các loài động vật có vú như hải cẩu, gấu trúc, gấu và gia súc, chủ yếu là do tiếp xúc với các loài chim bị nhiễm bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cho đến nay, các phân nhóm H5N1, H7N9 và H5N6 là nguyên nhân gây ra hầu hết các bệnh ở người. Tình trạng nhiễm ở mức độ từ không có triệu chứng đến bệnh nhẹ, sau đó tăng nặng gây tử vong.
Gia cầm thải virus qua phân, chất nhầy và nước bọt - và trường hợp lây sang người có thể xảy ra khi virus xâm nhập vào mắt, miệng hoặc mũi.
Theo CDC, việc lây truyền từ người sang người là cực kỳ hiếm, và các trường hợp mắc bệnh này chỉ lây sang một số ít người. Tuy nhiên, việc theo dõi cúm gia cầm là rất quan trọng trong trường hợp nó biến đổi và có khả năng lây lan dễ dàng hơn giữa con người với nhau.