Ông Yoshiro Mori, chủ tịch ủy ban tổ chức, nói trong một họp báo trực tuyến ngắn rằng những đóng góp mới “sẽ vượt” 22 tỷ yên, tương đương 210 triệu USD, để bù đắp lỗ hổng trong ngân sách ngày càng tăng.
Các nhà tài trợ nội địa Nhật Bản đã đóng góp kỷ lục 3,3 tỷ USD cho ngân sách hoạt động địa phương, và số tiền mới đã đẩy tổng số tiền lên tới 3,5 tỷ USD. Con số này lớn ít nhất hai đến ba lần, lớn hơn bất kỳ kỳ Thế vận hội nào trước đây và được thúc đẩy bởi Dentsu Inc, công ty quảng cáo khổng lồ của Nhật Bản cũng là đại lý tiếp thị cho Thế vận hội Tokyo.
Toshiro Muto, Giám đốc điều hành của ban tổ chức, cho biết Dentsu đã tiến hành các cuộc đàm phán. Muto cho biết không ép buộc tất cả công ty phải đầu tư vào thêm.
Mori biết rằng rất nhiều công ty đã phải đối mặt với khoảng thời gian tài chính nặng nề. Cũng rõ ràng rằng Thế vận hội Tokyo đã trở thành ưu tiên của chính phủ Nhật Bản, và điều này sẽ gây khó khăn cho các công ty không gia hạn hợp đồng thêm.
Tờ báo Nikkei của Nhật đã đưa tin hồi đầu tháng 12 rằng mỗi một đối tác trong nhóm 15 thành viên goi là “Đối tác vàng” có thể đóng góp khoảng 10 triệu USD mỗi công ty. Một số Đối tác vàng được biết đến như Canon, Fujitsu và Tập đoàn tài chính Mizuho.
Nikkei cũng là một trong các nhà tài trợ trong nước bên canh các nhật báo khác như Asahi, Mainichi, Yomiuri và một số tờ báo nhỏ.
Các nhà tài trợ như hãng hàng không ANA và Japan Airlines nằm trong số các công ty đang chật vật bởi đại dịch, nhưng họ cũng được cho là đang đóng góp.
Muto nói rằng không phải tất cả các khoản đóng góp đều là tiền mặt, một số sẽ là hàng hóa và dịch vụ.
Nhà tổ chức Olympic Tokyo hồi đầu tuần thông báo rằng ngân sách mới, bị tăng thêm do sự hoãn và chi phí duy trì trong thời gian đại dịch, đã lên đến 2,8 tỷ USD, đẩy tổng chi phí chính thức lên thành 15,4 tỷ USD.
Các cuộc kiểm toán của chính phủ trong vài năm qua đã cho thấy tổng số tiền có thể gần 25 tỷ USD, trong đó 6,7 tỷ USD là tiền công.
Các quan chức Tokyo cho biết Thế vận hội sẽ tiêu tốn khoảng 7,5 tỷ USD khi họ thắng thầu vào năm 2013 từ Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).
Mặc dù các nhà tài trợ đang được yêu cầu bù đắp một phần thiếu hụt tài chính. phần lớn chi phí vượt quá sẽ do các cơ quan chính phủ Nhật Bản đáp ứng.
Thế vận hội bị hoãn sẽ khai mạc vào ngày 23/7/2021, sau đó là Thế vận hội Paralympic vào ngày 24/8.
Nhật đã khống chế dịch COVID-19 tốt hơn hầu hết các quốc gia, và công chúng vẫn còn hoài nghi về việc mời 15.000 vận động viên Olympic và Paralympic vào nước này.
Khoảng 3.000 trường hợp tử vong do COVID-19 đã được báo cáo ở Nhật Bản, quốc gia có dân số khoảng 125 triệu người.
Các loại vắc-xin dự kiến sẽ không được phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản cho đến tháng 3/2021.
Thêm vào đó, hàng chục ngàn quan chức, giám khảo, nhà tài trợ và giới truyền thông, chưa kể người hâm mộ từ nước ngoài sẽ đến Nhật Bản cho kỳ Thế vận hội, nếu họ được phép vào. Các quan chức dự kiến sẽ quyết định về con số và các biện pháp ngăn chặn chính xác vào đầu năm tới.
Một cuộc thăm dò qua điện thoại trong tháng này với 1.200 người tham gia của hãng thông tấn Kyodo cho thấy 63% người được hỏi muốn Thế vận hội bị hoãn hoặc hủy bỏ. IOC và các nhà tổ chức đã cho biết Thế vận hội sẽ bị hủy bỏ nếu lần này không thể tổ chức.