World Cup 2022: Việt Nam gặp khó trong việc mua bản quyền truyền hình

(VOH) - Đàm phán mua bản quyền truyền hình World Cup 2022 bị 'đóng băng'; LĐBĐ Nam Mỹ muốn giữ nguyên thể thức vòng loại World Cup 2026.

Đàm phán mua bản quyền truyền hình World Cup 2022 bị 'đóng băng'

Một thành viên ban đàm phán mua bản quyền truyền hình World Cup 2022 thừa nhận, phía Việt Nam và đối tác chưa tìm được tiếng nói chung về việc đưa ra mức giá cuối cùng. Do vậy, thời điểm này vấn đề mua bản quyền truyền hình World Cup 2022 tạm thời "đóng băng".

"Hai bên chưa có bất cứ động thái mới nào để tiến tới việc chốt lại mức giá bản quyền truyền hình World Cup 2022", đại diện ban đàm phán mua bản quyền truyền hình World Cup 2022 cho biết.

Việt Nam gặp khó trong việc mua bản quyền truyền hình - Nam Mỹ muốn giữ nguyên thể thức vòng loại World Cup 2026
Các đơn vị truyền hình Việt Nam gặp khó trong việc mua bản quyền truyền hình World Cup 2022.

Cũng theo vị này, số tiền 15 triệu USD mà đối tác "chào hàng" là quá lớn, vượt ngoài khả năng chi trả ngay cả khi các đơn vị truyền hình Việt Nam có sự liên kết với nhau. Đơn giản bởi nếu như đặt lên bàn cân, với số tiền lên tới hơn 350 tỷ đồng, các nhà đài Việt Nam rất khó thu lại từ việc bán quảng cáo.

Ban đàm phán được thành lập với sự góp mặt của 5 đại diện các đơn vị truyền hình lớn, doanh nghiệp "cỡ bự" tại Việt Nam. Được biết, ban đàm phán đã đưa ra lộ trình đàm phán với đối tác, nhưng mấu chốt ở đây là mức giá chưa có dấu hiệu được giảm.

"Chúng tôi có thể chấp nhận lỗ một chút để phục vụ người xem, nhưng nếu lỗ quá nhiều sẽ là gánh nặng. Vì thế, nếu đối tác vẫn giữ nguyên mức giá 15 triệu USD cho gói bản quyền truyền hình World Cup 2022 tại lãnh thổ Việt Nam, rất khó có đơn vị nào có thể mua được. Phương án lúc này ngoài sự liên kết của các đơn vị truyền hình, còn cần sự hỗ trợ từ những doanh nghiệp lớn", một lãnh đạo đài truyền hình tại Việt Nam cho hay.

Công ty Infront Sports & Media có trụ sở tại Thụy Sĩ đang sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 ở Indonesia và 25 quốc gia khác tại khu vực châu Á. Hiện tại, ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Indonesia thì Brunei, Campuchia, Malaysia, Philippines và gần nhất là Singapore đã có bản quyền truyền hình World Cup 2022.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bản quyền World Cup, đối tác nghiên cứu rất kỹ từng thị trường, và luôn đưa mức giá như trên trời bởi người dân Việt Nam cuồng nhiệt với bóng đá.

LĐBĐ Nam Mỹ muốn giữ nguyên thể thức vòng loại World Cup 2026

Theo thể thức hiện tại, 10 đội tuyển bóng đá quốc gia tại khu vực Nam Mỹ lần lượt đối đầu nhau trong các loạt trận lượt đi và lượt về. 4 đội đứng đầu giành suất trực tiếp tham dự vòng chung kết World Cup. Đội tuyển đứng thứ 5 giành suất thi đấu ở vòng play-off liên lục địa.

Theo lộ trình chính thức hướng tới World Cup 2026, FIFA đề xuất Conmebol tạo ra 2 bảng gồm 5 đội, các đội từ mỗi bảng sẽ chơi các trận đấu sân nhà và sân khách với năm đội từ bảng còn lại. 2 đội đứng đầu mỗi bảng sẽ giành vé trực tiếp tham dự World Cup. Các đội đứng thứ 3 và thứ 4 mỗi bảng sẽ thi đấu với nhau nhằm giành suất trực tiếp dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Việt Nam gặp khó trong việc mua bản quyền truyền hình - Nam Mỹ muốn giữ nguyên thể thức vòng loại World Cup 2026
World Cup 2026 sẽ được tổ chức tại Mỹ, Mexico và Canada.

Tuy nhiên mới đây, LĐBĐ Nam Mỹ Conmebol đã nhóm họp và cho biết sẽ yêu cầu FIFA duy trì thể thức thi đấu vòng loại World Cup 2026 tương tự như thể thức hiện nay mà liên đoàn khu vực Nam Mỹ đang áp dụng. Tức là các đội tuyển bóng đá quốc gia khu vực Nam Mỹ vẫn sẽ lần lượt đối đầu nhau trong các loạt trận lượt đi và về, thay vì chia thành 2 bảng đấu như FIFA đề xuất.

Với việc World Cup 2026 mở rộng từ 32 lên 48 đội, Nam Mỹ sẽ có 6 suất trực tiếp cùng 2 suất dự vòng play-off liên lục địa, thay vì 4 suất trực tiếp và 1 suất play-off như hiện nay. Mỹ, Mexico và Canada đã giành được quyền đồng đăng cai World Cup 2026. Đây là lần đầu tiên một vòng chung kết bóng đá thế giới được tổ chức tại 3 quốc gia.

World Cup 2022: Vấn đề ‘nhức nhối’ với các tuyển thủ quốc gia

Các cầu thủ đội tuyển quốc gia tham dự World Cup năm nay tại Qatar đang được cho là phải đối mặt với hóa đơn ‘cắt cổ’ lên tới 300.000 bảng Anh (hơn 8 tỷ tiền VNĐ) để có thể đảm bảo chỗ ở cho gia đình họ lưu trú để xem World Cup.

Được dự đoán sẽ có khoảng 1,5 triệu người sẽ đổ về Qatar xem World Cup vào cuối năm nay, diện tích đất nước nước chỉ bằng vùng Yorkshire của Vương quốc Anh. Báo cáo đầu năm cho thấy, tại Qatar chỉ có 175.000 phòng khách sạn và căn hộ có sẵn cho khách, con số được cho sẽ không đáp ứng đủ được số lượng khách đổ về để xem World Cup năm nay.

Việt Nam gặp khó trong việc mua bản quyền truyền hình - Nam Mỹ muốn giữ nguyên thể thức vòng loại World Cup 2026
Vấn đề cư trú tại Qatar cho World Cup sắp tới đang khiến các tuyển thủ quốc gia đau đầu.

Trong một danh mục bất động sản được Sportsmail xem và chuyển cho gia đình của một cầu thủ quốc tế nổi tiếng hàng đầu, du khách được cung cấp một biệt thự sáu phòng ngủ trên The Pearl - một trong những khu vực độc nhất của Qatar.

Chỗ ở sang trọng cung cấp cho khách lối đi thẳng ra biển và có thể cho thuê để xem World Cup. Nơi nghỉ này có hồ bơi riêng, được trang bị đầy đủ tiện nghi và cách các nhà hàng, cửa hàng và các cơ sở giải trí một đoạn đường ngắn.

Tuy nhiên, giá thuê không được niêm yết ở đó, mà phải liên hệ trực tiếp để biết thêm thông tin, đây được cho là bước đi để các chủ sở hữu có thể ép giá kiếm thêm tiền. Và mức giá được báo sau đó, khiến một số cầu thủ choáng váng với mức giá được báo, nhưng cũng ngoại trừ vẫn sẽ phải chi ra mức tiền đó để đảm bảo chỗ lưu trú cho gia đình trong giải đấu sắp diễn ra như thế này.

Với một số cầu thủ nổi tiếng có thể sẽ lo được mức giá này so với mức lương của họ, nhưng một số cầu thủ có mức lương thấp để đáp ứng điều kiện này và muốn gia đình tới xem thi đấu, thì đây là một điều vô cùng khó.

Chính phủ Qatar cũng đã đưa ra một số cách như mở các khu cắm trại sang trọng tạm thời tại sa mạc hay thỏa thuận với công ty du lịch thuê những chiếc du thuyền làm khách sạn làm thời cho du khách.