Phần lớn các chợ này tập trung ở các huyện ngoại thành như Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ. Ngoài ra, quận Bình Thạnh có hai chợ đang hoạt động, quận Gò Vấp 1 chợ, quận Bình Tân 1 chợ, quận 12 có 3 chợ, quận 11 có hai chợ, quận 10 có 1 chợ đang hoạt động, quận 5 có 1 chợ đang hoạt động.
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện giải pháp cho phép chợ truyền thống hoạt động trở lại, đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu và thực hiện các biện pháp phòng tránh COVID-19. Đây được xem là giải pháp căn cơ để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân.
Những ngày qua việc lưu thông hàng từ đơn vị phân phối cho đến tay người dân được thành phố triển khai quyết liệt hơn.
Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã gấp rút huy động mặt bằng sẵn có của nhiều đơn vị như hệ thống bưu điện, chuỗi nhà thuốc…để tổ chức 1.000 địa điểm bán thực phẩm mới; Ngoài ra còn phối hợp với các chợ trực tuyến để tăng công suất bán các loại thực phẩm như rau củ quả.
Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, hiện tình hình thiếu hụt thực phẩm trên địa bàn đang được cải thiện đáng kể. Các hoạt động bán hàng mới sẽ duy trì cho đến khi hơn 200 chợ truyền thống hoạt động bình thường. Thời điểm này các gia đình đã không còn phải tích trữ thực phẩm như những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội vào tháng 7/2021, giá các loại rau củ cũng đã "hạ nhiệt".
Theo ghi nhận của Tổ công tác Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, nhìn chung, nguồn cung hàng thực phẩm dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hoá từ các địa phương về TP Hồ Chí Minh và từ TP Hồ Chí Minh tới các địa phương vẫn còn gặp khó khăn.