Chính thức khai mạc Novaland Expo 12/2019
Ngày 4/12, Tập đoàn Novaland chính thức khai mạc sự kiện Novaland Expo tại khu nhà mẫu Novaland, tọa lạc tại số 26 Mai Chí Thọ, quận 2, TP.HCM.
Đây là Triển lãm bất động sản quy mô lớn nhằm giới thiệu sản phẩm bất động sản nhà ở, bất động sản đô thị vệ tinh và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ấn tượng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Đặc biệt, triển lãm lần này có sự tham gia đồng hành của các đối tác chiến lược của Tập đoàn Novaland trong nhiều lĩnh vực như Lưu trú – phong cách sống, Vật liệu Xây dựng nội ngoại thất, Tài chính Ngân hàng, Giải trí – Thể thao.
Chương trình sẽ được tổ chức trong 05 ngày (từ ngày 4 - 8/12/2019), dự kiến thu hút trên 20.000 lượt khách tham quan.
Trong không gian trưng bày của Triển lãm, Novaland sẽ giới thiệu các dự án như The Grand Manhattan (tại Q.1,TP.HCM), Aqua City (tại Đồng Nai), NovaWorld Phan Thiet (tại Bình Thuận), NovaWorld Ho Tram (tại Bà Rịa-Vũng Tàu), NovaBeach Cam Ranh (tại Khánh Hòa)…
Bên cạnh các thông tin về dự án, Novaland Expo 2019 cũng sẽ mang đến khách hàng những thông tin hữu ích về thị trường thông qua các buổi hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực.
Bất động sản TP. HCM thiếu nguồn cung văn phòng hạng A trong 4 năm tới?
Báo cáo thị trường quý III của công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield (NYSE: CWK) cho rằng, trong 4 năm tới, TP. HCM sẽ không có nguồn cung văn phòng cho thuê hạng A mới nào cho tới khi dự án tiếp theo xuất hiện trên thị trường.
Theo ông, Alex Crane - Giám đốc điều hành C&W Việt Nam đã đưa ra dự báo, thị trường sẽ không có nguồn cung Hạng A mới nào cho đến khi dự án The Spirit of Saigon đi vào hoạt động.
Cũng trong báo cáo này, C&W cho thấy giá thuê văn phòng hạng A đã tăng 6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 33% so với quý III năm 2014, trong khi giá thuê văn phòng hạng B tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18% so với cùng quý 5 năm trước.
Dự báo thị trường TP. HCM dự kiến sẽ đón nhận khoảng 282,000 m2 diện tích văn phòng cho thuê vào năm 2020, phân khúc hạng B sẽ đóng góp khoảng 93%, góp phần làm giảm áp lực do việc thiếu hụt nguồn cung hạng A trên thị trường.
Với tỷ lệ diện tích trống thấp như hiện tại, vị chuyên gia này hy vọng người thuê sẽ phát triển và mở rộng văn phòng khi những dự án mới này sẽ hoàn thành trong 1 hoặc 2 tháng tới. Đó là những văn phòng phân khúc hạng B cao cấp của tòa nhà Sonatus Building và LIM Tower 3 với diện tích sàn khoảng 1,580 m2 và 1,200 m2.
UBND TP.HCM xử lý "thẳng tay" công trình xây dựng vi phạm
Trước tình trạng "nở rộ" công trình vi phạm trật tự xây dựng, UBND TP.HCM đã ban hành ngay Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định 30 về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 12-12-2019, thay thế cho Quyết định 58/2013.
Theo quy chế, tất cả công trình xây dựng trên địa bàn TP phải được kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng (trừ công trình bí mật Nhà nước; công trình an ninh, quốc phòng).
Việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động xây dựng là trách nhiệm của UBND huyện-quận, UBND xã-phường-thị trấn. Thanh tra Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng lớn, đặc thù, phức tạp và thanh tra công tác quản lý trật tự xây dựng tại các huyện-quận.
Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu tiếp tay, bao che cho các hành vi vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật; trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bôi thường theo quy định.
Quy chế "phân vai" trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, gồm: Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, UBND quận- huyện, chủ tịch UBND quận – huyện, UBND phường – xã – thị trấn, chủ tịch UBND phường – xã – thị trấn, Đội Thanh tra quản lý địa bàn quận – huyện, cơ quan công an, cán bộ, công chức, thanh tra viên được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, các sở - ngành liên quan…
Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, thống nhất trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được pháp luật quy định và nhiệm vụ được phân công tại quy chế này. Trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết, Sở Xây dựng có trách nhiệm báo cáo, đề xuất UBND TP xem xét, quyết định.
Thống kê cho thấy, mỗi năm tại TP.HCM có hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép, được phát hiện và xử lý. 6 tháng đầu năm 2019 có 1.550 công trình, bình quân 8,5 vụ vi phạm/ngày, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018.
Hà Nội đề xuất giảm 15% khung giá đất so với ban đầu
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký tờ trình gửi HĐND TP xem xét ban hành Nghị quyết về giá các loại đất trên địa bàn, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.
Theo đó, để xác định bảng giá đất mới, cơ quan khảo sát đã xác định 584 điểm điều tra tại 584 phường, xã, thị trấn (386 xã, 177 phường và 21 thị trấn) thuộc địa bàn 30 quận/huyện/thị xã.
Với giá đất ở đô thị, giá chuyển nhượng đất ở thực tế trên thị trường tại các quận nội thành phổ biến từ 10 triệu đến 500 triệu đồng/m2. Giá chuyển nhượng đất ở thực tế trên thị trường tại các huyện phổ biến dao động từ 1,2 triệu đến 70 triệu đồng/m2.
Theo UBND TP. Hà Nội, giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường cao hơn giá cùng vị trí quy định tại bảng giá đất của UBND thành phố. Tuy nhiên, bảng giá mới phải từng bước đảm bảo sự cân đối về giá đất, góp phần bình ổn giá nói chung, đồng thời đảm bảo nguyên tắc tiếp cận dần với giá thị trường, cân đối giá giữa các vùng.
Vì vậy, UBND thành phố thống nhất đề xuất HĐND xem xét mức tăng bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 bình quân 15% so với giai đoạn 2014 - 2019.
Khu đô thị Nam Phú Quốc - điểm đến đầu tư dịp cuối năm
Với ưu thế về thiết kế, vị trí cùng bài toán kinh doanh thuận lợi, nhà phố thương mại trên trục đường chính của Nam Phú Quốc đang được săn đón dịp cuối năm.
Báo cáo của CBRE về thị trường bất động sản cho hay, kết thúc quý 3, Phú Quốc là thị trường có nguồn cung biệt thự, nhà phố gần biển lớn nhất cả nước với tỷ lệ thanh khoản lên tới 90%. Theo giới chuyên gia, con số này là minh chứng cho tiềm năng và sức hấp dẫn của thị trường BĐS Phú Quốc.
Trong đó, loại hình nhà phố thương mại nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Ngoài hình thức cho thuê bán lẻ, nhà phố thương mại còn có thể được sử dụng để làm khách sạn quy mô nhỏ (mini-hotel). Số lượng cơ sở lưu trú tại Phú Quốc mới dừng ở mức 18.000 phòng, chỉ đáp ứng 70% nhu cầu của hơn 4 triệu lượt khách tới đảo Ngọc mỗi năm. Do đó, dòng sản phẩm này ở Phú Quốc luôn thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân đã có kinh nghiệm kinh doanh khách sạn/nhà hàng.
Sẽ mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây lên 6-8 làn xe
Với 4 làn xe, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện đã trở nên quá tải, vì thế Bộ Giao thông vận tải đã giao Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long nghiên cứu mở rộng lên 6-8 làn xe.
Bộ Giao thông vận tải vừa giao Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM, Đồng Nai).
Theo Bộ GTVT, với qui mô 4 làn xe, hiện tuyến cao tốc này đang có hiện tượng quá tải, thường xuyên bị ùn tắc do lưu lượng xe trên tuyến ngày càng tăng. Vì vậy, cần nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn giao thông.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cũng xác định tiến trình đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được thực hiện từ năm 2020 với qui mô 6 - 8 làn xe.
Ông Trần Văn Thi - tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - cho biết hiện đơn vị đã bắt đầu triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mở rộng tuyến cao tốc.
Trong đó đảm bảo thực hiện theo qui định của Luật đầu tư công về công tác lập, thẩm định, trình, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Nâng tổng mức đầu tư sân bay Sa Pa lên hơn 7.000 tỷ đồng
Cục Hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải cùng UBND tỉnh Lào Cai vừa chính thức công bố điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Sa Pa đến năm 2030. Điều chỉnh quy hoạch được công bố tại quyết định số 2108/QĐ-BGTVT ngày 7/11/2019.
Theo quy hoạch điều chỉnh, Cảng Hàng không Sa Pa là cảng hàng không nội địa với tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự được đầu tư xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Cảng Hàng không Sa Pa là sân bay 4C với công suất 3 triệu hành khách/năm; khai thác loại máy bay code C hoặc tương đương với 9 vị trí đỗ máy bay.
Tổng mức đầu tư toàn bộ các công trình của cảng hàng không Sa Pa cũng được điều chỉnh từ 5.903 tỷ đồng lên 7.110 tỷ đồng.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của Cảng Hàng không Sa Pa đến năm 2030 và có dự trữ phát triển sau năm 2030 là 371 ha; trong đó diện tích sử dụng chung là 160,1 ha, diện tích đất khu hàng không dân dụng là 141,15 ha, diện tích khu quân sự là 68,75 ha...
Như vậy, so với quy hoạch chi tiết trước đây, nhiều hạng mục đã được điều chỉnh tăng như: công suất được điều chỉnh từ 1,5 triệu hành khách/năm lên 3 triệu hành khách/năm; diện tích đất sử dụng điều chỉnh từ 261 ha lên 371 ha.