Chờ...

Bản tin bất động sản hôm nay 2/12: Siết vốn tín dụng, bất động sản sẽ ra sao?

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 2/12 có những nội dung: Ngày 4/12 khai mạc Novaland Expo năm 2019; Năm 2020 giá đất nhiều địa phương sẽ thành đất "kim cương"...

Năm 2020: Giá đất nhiều địa phương sẽ thành đất "kim cương"

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định số 104/2014/NĐ-CP quy định về khung giá đất, đảm bảo phù hợp với thực tế để UBND cấp tỉnh kịp thời xây dựng và công bố bảng giá đất vào ngày 1/1/2020 theo quy định của Luật Đất đai.

Với tờ trình đề xuất tăng giá đất tại nhiều địa phương, khung giá đất mới nếu được duyệt ban hành, đất vàng nhiều khu vực dự kiến sẽ được nâng lên mức giá "kim cương".

Tại TP. HCM hiện nay, 3 tuyến đường có giá cao nhất là Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận I) đang áp dụng mức tối đa của khung giá đất được ban hành là 162 triệu đồng/m2. Giá đất thị trường ở khu vực này có nhiều điểm có thể cao ngất gấp 3, 4, thậm chí 5 lần mức này.

Mới đây, tại Hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP. HCM” ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT thành phố cho biết, giá đất ở TP. HCM đang từ vài triệu tới 1 tỷ đồng/m2.

Ở những tuyến đường khác đang có khung giá đất được áp trên 100 triệu đồng/m2 của trung tâm quận 1 như Công trường Lam Sơn (11 triệu/m2); Hàm Nghi (101 triệu/m2); Lý Tự Trọng (101,2 triệu đồng/m2), Tôn Đức Thắng (105 triệu/m2)… giá đất thị trường cũng đều đang ở mức gấp 2 - 3 lần (xét trọn đường không tính những vị trí đắc địa nhất trên tuyến).

Từ trên đỉnh cao của giá đất này được tính bậc thang gấp đôi lên đỉnh cao của khung giá mới, một điều chắc chắn là chưa nói tới giá đất khu vực này sẽ được thị trường tính toán chóng mặt ra sao, riêng toàn thể giá các tài sản trên đất của khu vực này bao gồm rất nhiều tòa cao ốc văn phòng mà các doanh nghiệp đang thuê hoạt động kinh doanh, làm trụ sở, cũng sẽ tăng phi mã.

Với mức tăng giá dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với khung giá đất cũ tại TP. HCM, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết, hiện bảng giá đất tại TP. HCM tăng quá cao, không phù hợp với giá thị trường trong điều kiện bình thường, sẽ tác động đẩy giá thị trường bất động sản lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

Ông Châu cũng cảnh báo với việc tăng giá đất không tính toán trên từng khu vực, tuyến đường, có thể dẫn đến một bộ phận người dân không làm thủ tục cấp sổ đỏ, giao dịch nhà đất bằng giấy tay, làm tăng thị trường ngầm. Với việc này, Nhà nước vừa thất thu thuế, vừa khó quản lý, vừa dễ phát sinh tranh chấp trong xã hội.

Ngày 4/12 khai mạc Novaland Expo năm 2019

Ngay tại thời điểm nhu cầu tiêu dùng, đầu tư BĐS tăng cao, Novaland Expo – triển lãm BĐS ấn tượng sẽ chính thức được bắt đầu vào ngày 4/12/2019.

 “Nhất giá - nhị ưu” luôn được giới đầu tư coi là nhịp mạch chính để “nuôi dưỡng” công việc đầu tư mang lại hiệu quả cao. Trong không gian trưng bày của Triển lãm, Novaland sẽ giới thiệu các dòng sản phẩm nổi bật, độc đáo của BĐS nhà ở, BĐS đô thị vệ tinh và BĐS nghỉ dưỡng như The Grand Manhattan (Q.1, TP.HCM), Aqua City (Đồng Nai), NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), NovaWorld Ho Tram (BR-VT), NovaBeach Cam Ranh (Khánh Hòa)… với nhiều ưu đãi hấp dẫn như chiết khấu 5% cho tất cả sản phẩm, nhận ngay phiếu quà tặng 100 triệu đồng cùng cơ hội rút thăm trúng thưởng với giải nhất là 1 căn hộ du lịch NovaBeach Cam Ranh Resort & Villas…

Novaland Expo 2019 cũng sẽ mang đến khách hàng những thông tin hữu ích về thị trường thông qua các buổi hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như hội thảo “Quản lý, đầu tư second home trên nền tảng công nghệ số”, “Bất động sản sinh thái thông minh: giải pháp sống xanh bền vững”, tọa đàm “sống sành ở xanh”,…

Đặc biệt, tọa đàm chuyên đề “Khỏe đẹp cùng Golf” sẽ có sự tham gia của chuyên gia Phạm Minh Đức – Thành viên Việt Nam duy nhất của Hiệp hội Gôn chuyên nghiệp (PGA), đại diện Công ty Greg Norman Golf Course Design, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng và thẩm mỹ - Thẩm mỹ viện Khơ Thị: Doanh nhân, Hoa hậu Thu Hoài, Thạc sỹ - Bác sỹ, chuyên gia chăm sóc sức khỏe quốc tế -  Alan Woong, Á hoàng Gôn Hải Anh…

Góp phần làm tăng sự đa dạng các hoạt động dành cho khách tham quan Novaland Expo, khu vực giải trí – thể thao sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị với hoạt động bay khinh khí cầu, khu tập chơi Gôn ngoài sân và trải nghiệm công nghệ 3D… Đặc biệt, từ đơn vị đồng hành chiến lược, tàu cao tốc GreenlinesDP - thương hiệu hàng đầu trong việc vận tải hành khách đường thủy - sẽ cung cấp dịch vụ đón khách tham quan từ Ga tàu cao tốc Bạch Đằng (10B Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) đến địa điểm tổ chức Novaland Expo.

Triển lãm Bất động sản - Novaland Expo tháng 12/2019 sẽ được tổ chức trong 5 ngày (từ ngày 04 - 08/12/2019) tại Khu nhà mẫu Novaland 26 Mai Chí Thọ, Q.2.

Chương trình có sự tham gia đồng hành của hơn 40 đối tác chiến lược của Tập đoàn Novaland: Công ty D.P Consulting, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Thiết bị điện AC, Schindler, Daikin, Panasonic, LG, Rocons, Hafele, Minh Thành, Galaxy, Điện Quang, LLD, Rolashades, Lavender, Thyssenkrupp, Austdoor, Yale, Hanvico, Đại Phú Mỹ, James Boat, Jepsen Jessen, …

Thị trường bất động sản năm 2020: Phân khúc nào sẽ 'lên ngôi'?

Dù đối mặt nhiều thách thức, nhưng nhiều phân khúc bất động sản sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong năm 2020.

Tại Diễn đàn Bất động sản năm 2019, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã chỉ ra các cơ hội, thuận lợi của thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2020.

Theo ông Nam, nhu cầu về nhà ở của Việt Nam còn rất lớn, bởi nước ta có dân số đứng thứ 15 thế giới, thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Quá trình đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra với tốc độ cao, dân số đô thị sẽ tăng nhanh, nhất là tại các đô thị lớn; thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng…, dẫn tới hàng năm, Việt Nam phải xây mới khoảng 100 triệu m2 nhà ở, trong đó khoảng 70% nhà ở để đáp ứng nhu cầu của dân cư đô thị. Mặt khác, nhu cầu về văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn và công trình thương mại đang tăng nhanh.

“Từ giữa năm 2018 đến nay, thay vì bổ sung nguồn cung, các sản phẩm mới ra thị trường lại tiếp tục theo xu hướng nhỏ giọt. Nhiều khả năng sẽ tiếp tục thiếu hàng vào cuối năm 2019 và trong các năm 2020 - 2022”, ông Nam nhận định.

Theo nhận định của ông Nguyễn Trần Nam, dư địa phát triển rất lớn cho phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp. Đây là những điểm sáng thị trường trong trung và dài hạn. Có thể nói, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế.

Cùng với đó, ông Nam cho rằng, bất động sản công nghiệp đang có cơ hội lớn. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.

Phân khúc tiếp theo được nhận định sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2020 là nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại các khu vực đô thị trong cả nước.

Siết vốn tín dụng, bất động sản sẽ ra sao?

Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa được ban hành theo hướng tiếp tục siết mạnh với cho vay bất động sản (BĐS) khi giảm dần tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay kinh doanh BĐS từ 150% lên 200%. Các doanh nghiệp (DN) BĐS cho rằng viễn cảnh thị trường sẽ khó khăn hơn, DN phải chủ động xoay xở tìm nguồn vốn khác.

Các NH thương mại, chi nhánh NH nước ngoài phải tuân thủ tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình cụ thể. Từ ngày 1-1-2020 đến hết ngày 30-9-2020 tỉ lệ này ở mức 40%, sau đó giảm theo lộ trình qua từng năm xuống còn 37%; 34% và bắt đầu từ ngày 1-10-2022 chỉ còn 30%. Bên cạnh đó, NHNN cũng tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh BĐS từ 150% lên 200%.

Theo cơ quan soạn thảo, với lộ trình giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ mức 40% hiện nay xuống còn 30% từ tháng 10-2022, sẽ giúp NHNN kiểm soát được rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hệ thống. Riêng với khoản vay mua BĐS của khách hàng cá nhân, tùy dư nợ gốc sẽ áp dụng hệ số rủi ro từ 50%-150% nhằm hướng tín dụng BĐS vào nhu cầu thực của người dân, thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội...

Việc siết tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường BĐS do đặc thù dự án ở lĩnh vực này chủ yếu vay vốn dài hạn. Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho biết chủ đầu tư dự án BĐS và nhà đầu tư thứ cấp ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH, do các NH thương mại đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường BĐS và kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng.

Chuyên gia tài chính - TS Bùi Quang Tín cho rằng DN BĐS có thể sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Thông tư 22 vì đối tượng này vẫn dựa vào dòng vốn hệ thống NH khá nhiều và chủ yếu là nhu cầu vốn trung, dài hạn. Nếu giảm quá nhanh tỉ lệ trên sẽ tác động đến các dự án, thị trường BĐS. Do đó, NHNN đã giảm theo lộ trình qua từng năm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện một số NH thương mại đã đưa tỉ lệ này xuống dưới 40%, chỉ còn 30%-35% nhưng cũng có nơi tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn hơn 40%. Do đó, lộ trình đặt ra sẽ giúp NH thương mại có đủ thời gian để chuẩn bị và đáp ứng đúng quy định. "Các NH phải suy xét, cân nhắc kỹ càng khi cho vay trung dài hạn, bởi theo xu hướng, NH chỉ là kênh cấp vốn ngắn hạn, còn DN muốn vay vốn trung, dài hạn phải ra thị trường vốn, tức thị trường chứng khoán" - TS Bùi Quang Tín nhận định.

Nhà đầu tư vẫn âm thầm tìm về vùng ven TPHCM săn đất nền dịp cuối năm

Những khu vực vùng ven Tp.HCM có tiềm năng phát triển đô thị mạnh mẽ trong tương lai, có mặt bằng giá đất thấp vẫn đang là tầm ngắm của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Thực tế thì, mặc dù thị trường BĐS có dấu hiệu chậm lại nhưng dòng tiền của NĐT vẫn luân chuyển vào phân khúc mà giá có thể tăng trưởng được trong vòng 2-4 năm tới.

Tìm hiểu cho thấy, các khu vực còn ở ngưỡng giá từ 820 - 980 triệu đồng/nền ở các khu vực “xa xôi” của Nhơn Trạch, Long Thành hay Long An… vẫn được nhà đầu tư (NĐT) âm thầm tìm kiếm. Bản thân họ đang chờ cú hích về hạ tầng sắp hoàn thiện để kì vọng mức lợi nhuận cao trong dài hạn.

Được biết, đa số những NĐT tìm kiếm đất nền có giá trên dưới 1 tỉ đồng đều có dòng tiền nhàn rỗi, chờ đợi thị trường trong dài hạn, ít lướt sóng. Quan điểm của họ là, bỏ tiền nhàn rỗi vào đó và chỉ bán khi hạ tầng được xây dựng hoặc hiện hữu.

Cách đầu tư lâu dài trên vốn tự có này của nhiều NĐT đã mang lại hiệu quả khá tốt trên thị trường suốt thời gian qua. Một số khu vực được nhắc tên trong danh mục đầu tư của các NĐT ở giai đoạn này có thể kể đến như Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai); Long An, Bình Phước, một số khu vực tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo ghi nhận, hiện tại các NĐT vẫn âm thầm gom đất tại các xã Phước Khánh, Long Thọ, Phước An (Nhơn Trạch, Đồng Nai) với các nền còn trong khoảng giá từ 10-15 triệu đồng/m2 (đất thổ cư). Trong khi cùng trên địa bàn thì xã Đại Phước, Phú Đông… có giá từ 20-26 triệu đồng/m2.

Theo các NĐT, khi cao Tốc Bến Lức hình thành và đưa vào khai thác từ Phước Khánh (Nhơn Trạch) đi về Phú Mỹ Hưng (Q.7, Tp.HCM) chỉ tầm 15 -20 phút. Nhiều NĐT về đây đón đầu, trong đó có một số mua với mục đích làm nhà vườn sinh thái.

Tương tự, đất nền tại xã Long Thọ, Phước An nếu so với các xã xung quanh thì còn khá rẻ, có giá từ 800-980 triệu đồng/nền diện tích hơn 100m2. Thậm chí nền đất thổ cư diện tích 300m2 có giá 6-7 triệu đồng/m2. Nơi đây được kì vọng gần với các tuyến đường kết nối với sân bay Long Thanh (Đồng Nai) nên được nhiều NĐT có dòng vốn nhàn rỗi vào đón đầu.

Trong khi đó, một số khu vực của Bà Rịa - Vũng Tàu như huyện Long Điền, Xuyên Mộc cũng đang được giới đầu tư âm thầm tìm kiếm ở cả đất thổ cư, đất nông nghiệp với mức giá dao động trên dưới 10 triệu đồng/m2.

Tại Bình Phước, mặc dù thị trường không sôi động như các khu vực khác nhưng dòng tiền NĐT vẫn đổ về đây ở các dự án KĐT quy mô lớn, có vị trí giáp ranh với Tp. Đồng Xoài. Giá BĐS nơi dây hiện đang dao động ở ngưỡng từ 10-18 triệu đồng/m2. Riêng đất trong dân thì giá khoảng 6-9 triệu đồng/m2.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CenGroup từng cho biết, một sản phẩm đang thu hút sự quan tâm lớn là đất nền tại các tỉnh lân cận Tp.HCM. Sự sôi động đất nền vùng ven là hợp lý vì tính “nóng lạnh” của thị trường có hiệu ứng vết dầu loang. Khi mà thị trường BĐS bước vào giai đoạn cuối chu kỳ thì dòng tiền thường đổ về vùng ven và đất nền lên giá.

Duyệt đầu tư Dự án Nhà ở xã hội gần 400 tỷ tại phường Quảng Thắng, TP.Thanh Hóa

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà ở xã hội tại phường Quảng Thắng, TP. Thanh Hóa (Khu dân cư Tân Thành ECO3) do Công ty TNHH Tân Thành 1 làm chủ đầu tư....

Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Công ty TNHH Tân Thành 1 sử dụng khoảng 1,7 ha đất để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 3 khối nhà ở xã hội dạng chung cư CC1, CC2 và CC3 cao 15 tầng; khu nhà ở thương mại thấp tầng và các hạng mục phụ trợ, sân đường nội bộ, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật kèm theo đồng bộ với dự án, tại phường Quảng Thắng.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 386 tỷ đồng. Dự kiến được khởi công xây dựng trong quý IV năm 2020, hoàn thành toàn bộ và đưa vào sử dụng trong quý I/2023.

Còn bao nhiêu môi giới địa ốc trên thị trường cuối năm?

Hàng ngàn môi giới đã chủ động rút khỏi ngành địa ốc, chuyển nghề khác khi đà giảm tốc của thị trường đã bắt đầu gia tăng trong khoảng thời gian qua...

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), cả năm 2019 chỉ có duy nhất một dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%. Thị trường khó khăn dẫn đến việc chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018.

Do khan hiếm nguồn hàng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải cơ cấu lại nguồn nhân lực, cắt giảm nhân sự kinh doanh vì không đủ chi phí nuôi quân. Chia sẻ tại sự kiện báo cáo thị trường quý III mới đây, ông Phạm Lâm - Giám đốc Công ty DKRA Việt Nam cho biết, chưa có năm nào thị trường bất động sản lại khan hiếm nguồn hàng như năm nay. Thời gian qua, công ty ông Lâm cũng gặp khó khăn khi thiếu sản phẩm để bán, trong khi đó hàng tháng phải chi đến 6 tỷ cho hoạt động và nuôi quân.

Theo đó, thị trường địa ốc TP. HCM biến động nguồn cung mạnh mẽ, rổ hàng sụt giảm mạnh đến 60% khiến cho nhân sự ngành này bước vào giai đoạn sàng lọc lớn chưa từng có. Hàng nghìn môi giới đứng trước lựa chọn rút lui khỏi thị trường thay vì "cố thủ".

Theo ông Quang, tại TP. HCM, trong 11 tháng qua, 5 - 7% nhân viên sale đã chuyển sang lĩnh vực khác, tương đương 3.000 - 4.000 người bỏ cuộc. Những môi giới này do thu nhập không đủ bù chi, thậm chí là lương cố định và hoa hồng đều bằng 0 nên buộc lòng phải rời khỏi thị trường.

Sau năm 2030, TP.HCM có 4 huyện lên quận?

Ngày làm việc thứ 2 của hội nghị Thành ủy TP.HCM sáng 30-11, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề tương lai phát triển của 5 huyện thuộc TP.HCM đến năm 2030.

"Tương lai của 5 huyện TP.HCM sẽ đi đến đâu? Nói nôm na là huyện thì phải có nhiều diện tích đất làm nông nghiệp nhưng các huyện còn nhiều đất để làm nông nghiệp không?"- Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu câu hỏi để hội nghị chia sẻ.

Theo Bí thư Nhân, huyện Củ Chi có diện tích 43 nghìn ha, trong đó có 14 nghìn ha đất nông nghiệp (chiếm khoảng 32% tổng diện tích). Theo dự báo đến năm 2025 chỉ còn 4% tổng số hộ dân làm nông nghiệp.

Huyện Hóc Môn, diện tích đất gần 11 nghìn ha, đất nông nghiệp là 2,2 nghìn ha (chiếm hơn 21% tổng diện tích). Đến 2025, dự kiến chỉ có 0,6% số hộ dân Hóc Môn còn làm nông nghiệp, dự kiến có khoảng 1.200 người làm nông nghiệp, đến năm 2030 chỉ còn 619 người làm nông nghiệp.

"Như vậy lúc đó gọi là huyện hay là gì, sao còn gọi là huyện khi huyện phải có nông thôn, nông thôn phải có nông nghiệp" - Bí thư Thiện Nhân nói.

Còn huyện Bình Chánh có diện tích 25 nghìn ha, đất nông nghiệp khoảng 7,9 nghìn ha, chiếm 31% tổng diện tích. Đến năm 2025 số hộ còn làm nông nghiệp chỉ là 0,4% tổng số hộ. Năng suất nông nghiệp thấp nhất so với công nghiệp và dịch vụ.

"Vậy đóng góp của người làm nông nghiệp ở Bình Chánh so với kinh tế của huyện là gì? Không đáng kể. Chúng ta làm gì với tình trạng này? Bình Chánh đang chịu áp lực lớn nhất trong việc giữ tỉ lệ đất nông nghiệp và tỉ lệ người làm nông nghiệp" - Bí thư Nhân nêu vấn đề.

Tương tự, huyện Nhà Bè đến năm 2025 chỉ còn 109 hộ làm nông nghiệp, tỉ lệ là 0,1%. Dự báo đến năm 2030, Nhà Bè không còn hộ nào làm nông nghiệp. Như vậy về cơ cấu đất thì Nhà Bè không còn là huyện nữa. Vậy trong các huyện có thể lên quận thì Nhà Bè có thể lên sớm nhất.

Riêng huyện Cần Giờ, đất nông nghiệp, lâm nghiệp chiếm 60% tổng diện tích, đến năm 2025 còn khoảng 3 nghìn hộ làm nông nghiệp, chiếm tỉ lệ 18% số hộ.

"Đây là bài toán đặt ra với quy hoạch của TP. Từ đây đến hết tháng 12-2019, lãnh đạo các huyện cần ngồi lại với các sở Nông nghiệp, sở Công thương, sở Kế hoạch - đầu tư bàn định hướng trong 10 năm tới chọn kinh tế nào là trọng tâm, khi nào đủ điều kiện lên quận. Như vậy sau năm 2030, có lẽ chỉ còn Cần Giờ chắc chắn vẫn là huyện, còn 4 huyện còn lại sẽ phải tính và nếu thấy cần thiết thì phải có lộ trình 10 năm để huyện thành quận".

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đồng thời lưu ý TP cần có quy hoạch chuyển đổi đất nông nghiệp để bảo đảm thu được ngân sách từ nguồn lực đất đai và ngăn chặn hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất bất hợp pháp.

Các nhà đầu tư trong nước góp vốn làm đường cao tốc Bắc - Nam

Để có đủ năng lực tài chính làm đường cao tốc, các nhà đầu tư trong nước đã hợp tác hình thành liên danh nhà đầu tư, đây là bước chuyển biến mới sau khi Bộ GTVT hủy bỏ đấu thầu quốc tế làm đường cao tốc.

Ngày 2-12, Ban quản lý dự án 7 (chủ đầu tư) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết đã có 3 liên danh các nhà thầu trong nước nộp hồ sơ sơ tuyển đấu thầu làm đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) dài 101 km thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Ông Hoàng Tuấn Khoát - phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 cho biết, dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết dài 101 km. Trong giai đoạn đầu xây dựng mặt đường tuyến cao tốc rộng 17 m cho 4 làn xe lưu thông, đến giai đoạn hoàn chỉnh mở rộng lên mặt đường lên 32,2 m cho 6 làn xe lưu thông vói tốc độ 120 km/h. Tổng mức đầu tư dự án là 11.603 tỉ đồng, trong đó bao gồm chi phí thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng...

Theo Bộ GTVT trong kế hoạch giai đoạn 2017 - 2020 sẽ triển khai 11 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam dài 654 km, với tổng vốn đầu tư 101.700 tỉ đồng. Bao gồm 3 dự án làm cao tốc đầu tư từ vốn ngân sách và 8 dự án làm đường cao tốc theo hình thức BOT, trong đó có vốn góp từ ngân sách nhà nước.

Tập đoàn Novaland “góp yêu thương nối liền sự sống”- Tập đoàn Novaland đồng hành, tài trợ khoản kinh phí hơn 900 triệu đồng đến chương trình gây quỹ mổ tim cho các trẻ em nghèo.
Nhiều tập đoàn “khủng” quy tụ tại Novaland Expo tháng 12/2019 - Cũng trong khuôn khổ Novaland Expo tháng 12, nhằm mang đến những thông tin rõ nét hơn về những giải pháp thi công xây dựng tiên tiến hiện nay