Chờ...

Bản tin BĐS ngày 5/12/2019: Vốn đầu tư của các DN BĐS có xu hướng dịch chuyển ra các vùng lân cận

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 5/12 có những nội dung nổi bật sau: Bất động sản vùng ven, cơ hội dành cho ai? 257 quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh…

Thông tin một số huyện của TPHCM có khả năng lên quận sớm, nhà đất vùng giáp ranh lại thấp thỏm

Thông tin một số huyện của TPHCM có khả năng lên quận sớm, nhà đất vùng giáp ranh lại thấp thỏm

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thông tin, huyện Nhà Bè trong những năm tới sẽ không còn ai làm nông nghiệp. Bí thư TPHCM cho rằng đây là bài toán đặt ra với quy hoạch của thành phố. "Nếu lên quận thì huyện Nhà Bè là số 1", ông Nhân nói.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, thực trạng hiện nay, huyện Củ Chi có diện tích 43.000 ha, trong đó đất nông nghiệp 14.000 ha (chiếm 32%), dự báo đến năm 2025 chỉ còn 4% hộ dân làm nông nghiệp.

Huyện Hóc Môn diện tích đất gần 11.000 ha, trong đó đất nông nghiệp 2.200 ha (chiếm 21%), dự báo đến năm 2030 còn hơn 600 hộ dân làm nông nghiệp. Tương tự, huyện Bình Chánh có diện tích đất 25.000 ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 7.900 ha (chiếm 31%), dự báo đến năm 2025 còn 0,4% hộ dân làm nông nghiệp.

Huyện Nhà Bè có diện tích hơn 10.000 ha, trong đó đất nông nghiệp còn 350 ha (chiếm 3%), đến năm 2025 chỉ có 109 hộ làm nông nghiệp (chiếm tỉ lệ 0,1%). Còn huyện Cần Giờ có diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp chiếm 60% diện tích toàn huyện nên giữ lại.

"Như vậy lúc đó sao gọi là huyện được? Vì huyện là nông thôn, nông thôn thì phải có nông nghiệp. Nếu có huyện nào cần lên quận chắc là huyện Nhà Bè lên đầu tiên vì hầu như không còn người làm nông nghiệp", Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

Cho dù việc từ huyện lên thành quận vẫn còn đang được chính quyền địa phương tính toán, nhưng thị trường bất động sản Bình Chánh và Nhà Bè, nhất là khu vực giáp ranh quận 7 đã bùng nổ mạnh mẽ suốt mấy năm qua. Các dự án nhà ở mới, các công trình thương mại dịch vụ mọc lên san sát, hút theo một lượng lớn dân cư đổ về mua nhà và sinh sống. "Chiếc áo" xã, huyện đã tỏ ra chật chội, không còn phù hợp với một khu vực có tốc độ đô thị hoá vũ bão như Bình Chánh và Nhà Bè.

Một doanh nghiệp BĐS lớn tại TPHCM cho biết, cuối năm 2019 sẽ là thời điểm vô cùng thích hợp để bất động sản tạo một cú hích bùng nổ, làm thay đổi cục diện thị trường bất động sản các tỉnh phía Nam. Dự kiến giá đất sẽ tiếp tục tăng thêm ít nhất 15 - 18% trong 1-2 tháng cận tết Âm lịch. Đây là thời điểm mà dòng tiền dư của người dân nhiều nhất và bất động sản trở thành mục tiêu đầu tư sinh lợi tốt thay vì gửi tiền ngân hàng hay đầu tư tài chính.

Theo nhiều tập đoàn bất động sản lớn tại Long An, dịp cuối năm 2019 thị trường sẽ đón nhận nhiều dự án sẽ được tung ra để đón dòng tiền, nhất là các khách hàng đang có nhu cầu về nhà ở trước tết. Cụ thể, các doanh nghiệp như Nam Long, Cát Tường, Trần Anh, Hiển Vinh, Nam Phong… đều cho biết sẽ bung hàng trong giai đoạn cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, với xu hướng khai thông khu Nam Sài Gòn, phá thế cô lập của Nhà Bè, bất động sản một số vùng giáp ranh với TPHCM như Cần Giuộc, Đức Hoà sẽ giữ nhịp tăng trưởng cao, là khu vực trọng điểm dẫn dắt thị trường Long An.

Nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp bất động sản có xu hướng dịch chuyển ra các vùng lân cận

“Cơ hội đầu tư bất động sản vùng lân cận TPHCM năm 2020” là hội thảo thường niên của CafeLand diễn ra sáng 5/12.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản cả nước, đặc biệt là TPHCM sụt giảm rõ nét cả về nguồn cung lẫn số lượng giao dịch. Theo số liệu Sở Xây dựng TPHCM, trong 9 tháng năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, 12 dự án được chấp thuận đầu tư và không công nhận chủ đầu tư mới dự án nào.

Tương ứng với con số trên chỉ có gần 12.000 căn hộ chung cư được chấp thuận đầu tư và hơn 10.000 căn hộ hoàn thành. Con số này chỉ bằng 1/3 so với năm trước.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung Ương, dù có tiềm năng lớn, song thị trường bất động sản 2019 đã có những “nốt trầm” hơn so với cùng kỳ năm 2018. Điều này không chỉ diễn ra ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà ở nhiều tỉnh tình hình thị trường cũng không thật khả quan.

Giá căn hộ chung cư không biến động lớn, trong khi condotel, officetel không còn sôi động. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp bất động sản có xu hướng dịch chuyển ra các vùng lân cận để tìm cơ hội như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ hay xa hơn là các thành phố biển như Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết…

Liên danh Tập đoàn Xây dựng Miền Trung báo cáo ý tưởng dự án 4.193 tỷ tại TP. Thanh Hóa

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm vừa chủ trì hội nghị nghe liên doanh Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - CTCP Xây dựng và Lắp ráp Trung Nam - CTCP Xây dựng phát triển Hòa Bình nêu ý tưởng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam sông Mã tại phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa.

Theo đó, Dự án Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam sông Mã có tổng diện tích là 48 ha gồm 3 phân khu chính: Khu phức hợp, khu thương mại và khu dân cư. Mục tiêu dự án là xây dựng thành một khu đô thị mới gắn kết với không gian truyền thống, tạo lập môi trường sống đáp ứng các yêu cầu vật chất, tinh thần của nhân dân.

Với nội dung trên, Phó Chủ tịch tỉnh Mai Xuân Liêm đề nghị chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn tất thủ tục xin đề nghị gia hạn việc quy hoạch. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh lại bản quy hoạch theo ý kiến các ngành tại hội nghị, báo cáo UBND tỉnh xem xét trong thời gian tới.

Về chi tiết, ông Liêm lưu ý đơn vị tư vấn cần nghiên cứu tính kết nối các tuyến đường giao thông của khu đô thị với các khu đô thị khác trong khu vực; có phương án xử lý môi trường nước trong khu đô thị, bảo đảm cảnh quan môi trường sống tốt nhất cho người dân và việc thoát nước của thành phố.

Hà Nội duyệt chủ trương đầu tư công 10 dự án

HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua chủ trương đầu tư 10 dự án sử dụng vốn đầu tư công với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.123 tỷ đồng...

Trong ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 11, Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội khóa XV đã thông qua 6 nghị quyết quan trọng trong đó có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố.

Cụ thể, HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua chủ trương đầu tư 10 dự án sử dụng vốn đầu tư công với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.123 tỷ đồng.

Đáng chú ý trong số dự án trên, có 5 dự án giao thông gồm:

- Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ (QL) 32 trên địa bàn huyện Ba Vì giai đoạn 1 (qua thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì);

- Dự án Nâng cấp, mở rộng QL 21B đoạn từ thị trấn Kim Bài tới nút giao ngã tư Vác, huyện Thanh Oai;

- Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 413 đoạn từ Km0+00 đến Km5+900, thị xã Sơn Tây;

- Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 414 (đoạn từ ngã ba Vị Thủy đi Xuân Khanh), thị xã Sơn Tây;

- Dự án Xây dựng, khớp nối đường giao thông khu chức năng đô thị Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm.

3 dự án thủy lợi gồm: Trạm bơm tiêu Đầm Buộm, huyện Chương Mỹ; trạm bơm tiêu Nhân Lý, huyện Chương Mỹ và Dự án Trạm bơm tưới Đức Môn, huyện Mỹ Đức.

Các dự án còn lại gồm: Dự án Xây dựng Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận Bắc Từ Liêm; Dự án Giải phóng mặt bằng và xây dựng hàng rào bảo vệ khu đất 3A1, 3A2 phường Mỹ Đình 1, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm để bàn giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

257 quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh

Chính phủ ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch.

Theo Danh mục, có 257 quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành các quyết định phê duyệt một số quy hoạch như: Quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các Quy hoạch thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và khu vực Miền Trung giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030...

Giá thuê văn phòng cao cấp tăng 33% sau 5 năm

Từ quý III/2014 đến quý III/2019, giá thuê văn phòng hạng A tăng bình quân trên 6% mỗi năm

Cushman & Wakefield (C&W) vừa công bố báo cáo diễn biến thị trường văn phòng cho thuê tại TP HCM với đà tăng giá mạnh mẽ trong 5 năm gần đây. Thống kê của đơn vị này, giá thuê văn phòng hạng A đã tăng 6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 33% so với quý III/2014. Còn giá thuê văn phòng hạng B tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18% so với cùng kỳ 5 năm trước.

Thị trường văn phòng cho thuê tại TP HCM dự kiến đón nhận khoảng 282.000 m2 diện tích sàn vào năm 2020, phân khúc hạng B sẽ đóng góp khoảng 93%, góp phần làm giảm áp lực do việc thiếu hụt nguồn cung hạng A trên thị trường. Đơn vị này dự báo trong 4 năm tới, TP HCM sẽ không có nguồn cung văn phòng cho thuê hạng A mới nào cho tới khi dự án tiếp theo xuất hiện trên thị trường.

Phát biểu tại hội nghị chuyên đề Bất động sản Việt Nam 2019, Giám đốc điều hành C&W Việt Nam, Alex Crane nhận xét, sự thiếu hụt và nhu cầu về không gian văn phòng chất lượng sẽ khiến giá thuê đã và đang tăng sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới.

Theo bộ phận cho thuê thương mại của C&W Việt Nam, giá thuê văn phòng hạng A tại TP HCM sẽ tiếp tục quỹ đạo tăng vì những dự án mới đang nhanh chóng được thuê bởi các công ty đứng đầu về sự tăng trưởng với các lĩnh vực về công nghệ, truyền thông và thương mại điện tử. Với tỷ lệ diện tích trống thấp như hiện tại, người thuê sẽ phát triển và mở rộng văn phòng sang phân khúc hạng B khi những dự án mới thuộc phân khúc này sẽ hoàn thành trong một vài tháng tới (nhanh hơn nguồn cung văn phòng hạng A).

Với việc dịch chuyển sang các tòa nhà hạng B nhưng vẫn có vị trí gần lõi trung tâm Sài Gòn, các doanh nghiệp đi thuê không bị ngốn nhiều ngân sách, giúp tiết kiệm khoảng 15-40% so với giá văn phòng hạng A. Trong bối cảnh khan hiếm văn phòng cao cấp hiện nay, khả năng các tòa tháp hạng A vẫn neo giá thuê ở mức rất cao, thậm chí tiếp tục tăng giá. Do đó, văn phòng hạng B có thể hưởng lợi từ sự cạnh tranh về giá với chất lượng và vị trí khá gần trung tâm.

C&W cho biết thêm, nguồn cung văn phòng cho thuê hạng B mới dự kiến sẽ "nhỏ giọt" trong suốt năm 2020 và được dự báo tỷ lệ cho thuê sẽ tăng, dựa trên hiệu suất chốt hợp đồng cho thuê trước khá tốt do thiếu hụt nguồn cung hạng A.

TP.HCM yêu cầu kiểm tra, giám sát tất cả các công trình từ khi khởi công đến hoàn thành, đưa vào sử dụng

UBND Thành phố vừa ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Quy chế này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2019.

Theo đó, tất cả công trình xây dựng trên địa bàn TP phải được kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng (trừ công trình bí mật nhà nước; công trình an ninh, quốc phòng); mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý kiên quyết ngay từ khi mới phát sinh; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục.

Việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân cùng tham gia giám sát.

Thông tin phản ánh về công trình vi phạm trật tự xây dựng đều phải được kiểm tra, xử lý, đảm bảo bí mật về thông tin cá nhân và các thông tin có liên quan đến người cung cấp thông tin về công trình vi phạm.

Việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động xây dựng là trách nhiệm của UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Thanh tra Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng lớn, đặc thù, phức tạp và thanh tra công tác quản lý trật tự xây dựng tại các quận-huyện.

Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu tiếp tay, bao che cho các hành vi vi phạm trật tự xây dựng thì bị xử lý kỷ luật về cán bộ, công chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ sai phạm; trường hợp gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường.

Khai mạc triển lãm bất động sản Novaland Expo tháng 12/2019: Ấn tượng và hoành tráng- Ngày 4/12,  Novaland Expo tháng 12/2019 chính thức khai mạc tại Khu nhà mẫu Novaland 26 Mai Chí Thọ, Q.2 từ 4/12 - 8/12/2019.
Nhiều tập đoàn “khủng” quy tụ tại Novaland Expo tháng 12/2019 - Cũng trong khuôn khổ Novaland Expo tháng 12, nhằm mang đến những thông tin rõ nét hơn về những giải pháp thi công xây dựng tiên tiến hiện nay