Doanh nghiệp thực phẩm: kìm giá bán hỗ trợ phòng chống Covid-19

(VOH) - Giữa lúc tình hình dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, sự chia sẻ trách nhiệm xã hội từ các doanh nghiệp kinh doanh hàng thực phẩm thiết yếu là vô cùng ý nghĩa.

Hiện nay, các siêu thị lớn như Coop mart, MMMega Market, Satra foods, lượng mua sắm online tăng vọt, người dân khó đặt mua, nếu đặt mua được thì hàng cũng bị giao chậm vài ngày. Vì cần thực phẩm gấp nên buộc người dân phải mua qua nhiều kênh bán lẻ khác.

Trong bối cảnh này, một số doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu đã tăng giá bán ra khiến người dân lo lắng.

Doanh nghiệp thực phẩm: kìm giá bán vì dân 1
Ảnh minh hoạ. 

Thực tế, cơ quan chức năng có thể kiểm tra giá đối với doanh nghiệp kinh doanh có mặt bằng nhưng với những doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thực phẩm online, hầu như họ mặc sức ghi giá.

Cụ thể, trên ứng dụng đặt hàng Now, một số cửa hàng thực phẩm đã tăng giá bán cao hơn so với mặt bằng chung như Bếp nhà S.S, giá hành lá 100g là 10.000 đồng (tương ứng 100.000 đồng/kg hành lá), cà rốt 43.000 đồng/nửa ký (tương ứng 86.000 đồng/kg), dưa keo 39.000 đồng/nửa ký (tương ứng 78.000 đồng/kg), trứng gà vỉ 10 trứng giá 55.000 đồng; Chợ nhà K. kinh doanh thực phẩm hữu cơ giá còn tăng “chóng mặt”, vào thời điểm thành phố thực hiện chỉ thị 16, khoai lang Nhật được bán với giá 120.000 đồng/kg, hiện giảm còn 95.000 đồng/kg.

Những sản phẩm kinh doanh online hầu như đi theo hướng thuận mua vừa bán. Nếu bên cung cấp nâng giá lên, người tiêu dùng có nhu cầu vẫn phải “cắn răng” mua.

Anh Cao Trung Hiếu (CEO Dân Trí soft) bất bình khi thấy giá thực phẩm thiết yếu tăng trong mùa dịch Covid 19 trong khi đó có rất nhiều người dân thu nhập thấp gặp khó khăn: “Câu chuyện kinh doanh tăng giá đổ thừa do hoàn cảnh đối với tôi là hành vi kinh doanh kiểu Thạch Sùng. Tôi ghi nhớ những thương hiệu đó và sẽ “né” họ ra”.

Hiện nay, các vùng chuyên canh rau ở các tỉnh miền Tây hay tỉnh Lâm Đồng có giá rau ăn lá xuống thấp, giá rau củ cũng không cao nhưng khi về đến TPHCM, các mặt hàng này “đội giá” khiến người dân ở vùng tâm dịch đã khổ vì dịch, nay càng thêm chua xót cho cảnh nơi thừa, nơi thiếu. Các doanh nghiệp đưa ra lí do phí vận chuyển tăng, chi phí trả thêm nhân công làm tăng giờ, chi phí test nhanh covid cho nhân viên làm doanh nghiệp phải tăng giá bán hàng để bù lại.

Ông Lâm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA) cho biết, trong đợt dịch này, doanh số bán hàng của công ty tăng lên nhưng chi phí khử khuẩn siêu thị, chi phí test nhanh Covid-19 mà doanh nghiệp tốn cho nhân viên không nhỏ. Dù vậy, để đảm bảo người dân mua hàng hóa giá bình ổn, doanh nghiệp đã chọn giảm lợi nhuận: “Mình giảm lại chiết khấu. Thay vì trước đây mình lời 5 phần thì nay mình không lời nữa. Thí dụ, giá chi phí của nhà vận chuyển hay nhà cung cấp tăng lên nhưng mình không tăng giá bán ra mà tự “gánh” luôn”. 

Tương tự, công ty Cổ phần nông sản Langbiang - chuyên cung cấp nông sản chuẩn VietGap và chuẩn hữu cơ Đà Lạt vẫn giữ nguyên giá bán các mặt hàng rau củ quả như trước dịch, thậm chí còn giảm giá một số mặt hàng từ 5% đến 30%. Cụ thể, hành lá bán 30.000 đồng/kg, chanh bán 25.000 đồng/kg, mướp hương, su su bán 30.000 đồng/kg, khoai lang mật và khoai Nhật bán đồng giá 35.000 đồng/kg.

Trung bình một ngày, công ty này cung cấp khoảng 2-4 tấn rau các loại cho hệ thống Aeon, Big C, Coop. Mặc dù đơn hàng mùa dịch tăng cao, song công ty vẫn giữa nguyên sản lượng cung cấp để đảm bảo nguồn sản xuất hàng hóa chất lượng.

Ông Trần Lâm Thắng - Phó tổng giám đốc công ty Cổ phần nông sản Langbiang cho biết: “Mình kiểm soát được chuỗi cung ứng từ việc trồng cây gì, giống nào, trái gì, mình cũng bao tiêu cho người nông dân 5-7 năm nay rồi nên không có lí do gì trong dịp này phải tăng giá theo thị trường.”

Trong những ngày qua, đã có những văn bản chỉ đạo điều hành từ Thủ tướng, các Bộ, ngành để hàng hóa thiết yếu được lưu thông. Có thể kể đến như công văn 1015 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ban hành ngày 25/7 yêu cầu không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán Giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước; Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch.

Bộ Y tế có công văn 5982 yêu cầu các địa phương thực hiện xét nghiệm test nhanh COVID-19 đối với người vận chuyển hàng hóa. Sở Giao thông vận tải TP.HCM nỗ lực giải quyết các thủ tục cho tài xế để tiếp tục khơi thông luồng xanh hàng hóa, trong đó, cho phép các phương tiện đã được cấp giấy nhận diện (có mã QR) được tự động gia hạn đến hết ngày 1/8, các đơn vị không cần làm thủ tục gia hạn. Thời gian cấp giấy nhận diện được giải quyết  nhanh chóng, toàn bộ quá trình chỉ gói gọn trong 24 giờ.

Khi cả hệ thống chính trị đã cùng nhau tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn để hàng hóa đến tay người dân ở vùng dịch, sự chia sẻ trách nhiệm xã hội từ các doanh nghiệp kinh doanh hàng thực phẩm thiết yếu lúc này vô cùng ý nghĩa.