Dự báo giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng chiều 1/11

(VOH) - Giá xăng dầu ngày 1/11, giá xăng dầu thế giới đồng loạt giảm do nguồn cung tăng. Giá xăng dầu trong nước dự báo sẽ tăng lần thứ 3 liên tiếp.

Giá xăng trong nước dự báo tăng trong chiều nay

Theo lịch của cơ quan điều hành, chiều nay 1/11, Liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước.

Dữ liệu của Bộ Công thương cho biết, giá xăng dầu nhập khẩu tham chiếu từ thị trường Singapore tăng nhẹ so với kỳ điều chỉnh giá 21/10. Xăng E5 RON92 giá 93,01 USD/thùng (cao hơn 310 đồng/lít), xăng RON95-III là 97,59 USD/thùng (cao hơn 560 đồng/lít), dầu diesel 136,92 USD/thùng (cao hơn 220 đồng/lít).

Mức tăng này chưa bao gồm chi hay trích sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Giá xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh hôm nay có thể sẽ tăng nhẹ. Nếu cơ quan quản lý chi sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng nhẹ, dầu không tăng.

Một doanh nghiệp xăng dầu dự báo giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 1/11 giá xăng E5 RON 92 có thể tăng 310 đồng/lít, xăng RON 95 có thể tăng 570 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu hỏa được dự báo tăng thêm 70 đồng/lít, dầu diesel tăng 220 đồng/lít, dầu mazut tăng 370 đồng/kg.

Nếu nhận định trên chính xác, giá xăng dầu trong nước sẽ có 3 kỳ tăng giá liên tiếp tính từ sau ngày 3/10.

Dự báo giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng chiều 1/11
Dự báo giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng chiều 1/11.

Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh

Giá xăng dầu ngày 1/11, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,43% xuống 86,17 USD/thùng vào lúc 7h00 (giờ Việt Nam). Giá dầu thô Brent giao tháng 1 cũng giảm 0,96% xuống 92,87 USD/thùng.

Giá dầu giảm vì triển vọng sản lượng tại Mỹ có thể tăng và dữ liệu kinh tế yếu tại Trung Quốc. Ngoài ra việc Trung Quốc mở rộng các biện pháp hạn chế COVID-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng nhu cầu nhiên liệu. 

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 0,98% xuống 94,83 USD, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,6% xuống 86,53 USD.

Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng lên gần 12 triệu thùng/ngày trong tháng 8, mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, dữ liệu hàng tháng của chính phủ cho thấy.

Các nguồn tin từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhận định mặc dù vai trò của các loại năng lượng tái tạo và xe ô tô điện ngày một tăng, song OPEC vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn so với các dự báo mà giới chuyên ra đưa ra.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các công ty dầu khí đầu tư một số khoản lợi nhuận kỷ lục của họ để giảm chi phí cho các hộ gia đình.

Chính quyền Washington cũng dựa vào việc giải phóng nguồn cung từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) để giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Trong khi đó, hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã bất ngờ giảm trong tháng 10 bởi nhu cầu toàn cầu giảm và các hạn chế COVID-19 nghiêm ngặt ảnh hưởng đến sản xuất.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định căng thẳng Nga - Ukriane sẽ đẩy nhu cầu nhiên liệu hoá thạch bao gồm khí đốt, dầu mỏ, than tăng vọt.