Giá cà phê hôm nay tại hầu hết các vùng trọng điểm giảm, riêng giá cà phê tại Đắk Lắk tăng từ 100 –200 đồng/kg, giá cà phê cao nhất tại Gia Lai là 35.100 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 34.400 đồng/kg.
Cụ thể, tại Lâm Đồng giá cà phê ở huyện Bảo Lộc vẫn giữ giá là 34.500 đồng/kg, huyện Lâm Hà giá cà phê giảm 100 đồng/kg về mức 34.400 đồng/kg, giá cà phê tại huyện Di Linh vẫn ổn định ở mức 34.400 đồng/kg.
Riêng giá cà phê tại Đắk Lắk ở huyện Cư M'gar tăng 100đồng/kg lên 35.000đồng/kg, huyện Buôn Hồ giá cà phê tăng 200 đồng/kg lên 34.900 đồng/kg.
Tại Đắk Nông, huyện Gia Nghĩa giá cà phê giảm 100 đồng/kg về mức 34.800 đồng/kg.
Tương tự, giá cà phê tại Ia Grai của tỉnh Gia Lai giảm 100 đồng/kg về mức 35.100 đồng/kg
Tại Kon Tum, huyện Đắk Hà giá cà phê giảm nhiều nhất là 300 đồng/kg về mức 35.000 đ/kg.
Giá cà phê giao tại cảng TPHCM hôm nay giảm 100 đồng/kg về mức 36.200 đồng/kg.
Ảnh minh họa: internet
Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, từ nay đến năm 2030, tỉnh không những không tăng diện tích càphê ngoài vùng quy hoạch mà còn tiếp tục giảm diện tích xuống chỉ còn 180.000ha.
Đồng thời, tỉnh tuyên truyền, vận động các nông hộ tập trung phá bỏ diện tích càphê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, sâu bệnh, cho năng suất kém để trồng tái canh. Theo kế hoạch, từ năm 2011-2020, tỉnh Đắk Lắk trồng tái canh 41.587ha, tập trung ở các huyện vùng trọng điểm càphê của tỉnh như Cư M’gar, Krông Pắk, Cư Kuin, Krông Năng, Krông Búk, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ...
Tuy giảm diện tích nhưng sản lượng càphê nhân trong mỗi niên vụ từ nay đến năm 2020 vẫn đạt từ 450.000 tấn trở lên và đến năm 2030, phấn đấu đạt từ 550.000 tấn càphê nhân trở lên trong mỗi niên vụ. Riêng niên vụ càphê 2018-2019, tuy giảm diện tích gần 4.204ha nhưng tỉnh vẫn ước đạt trên 464.175 tấn càphê nhân, tăng gần 4.400 tấn so với niên vụ năm ngoái.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 204.808ha càphê; trong đó, có 187.279 ha cho thu hoạch, với năng suất ước đạt bình quân 24,46 tạ/ha. Đây cũng là địa phương có diện tích, năng suất, sản lượng càphê nhân nhiều nhất nước.
Hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đang trong vụ mùa hái cà phê. Tuy nhiên, năm nay mưa sớm lại kéo dài từ tháng 5-8 âm lịch, đến tháng 10 lại không có mưa mà nắng kéo dài nên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây cà phê. Trong giai đoạn tháng 10, khi quả bắt đầu kết nhân nhưng thời gian này khô hạn nên không đủ nước tưới cho cây khiến ảnh hưởng đến năng suất.
Mặc dù giá cà phê trên thế giới hiện xuống thấp nhất trong vòng 5 năm qua thế nhưng kim ngạch xuất khẩu càphê Việt Nam không giảm là nhờ xuất khẩu cà phê rang xay (chế biến).
Chính phủ đã đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nước mở được thị trường càphê rang xay. Dự kiến năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 1,7 triệu tấn càphê, kim ngạch khoảng 3,5 tỉ USD. Xuất khẩu càphê hiện chiếm từ 8-9% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Giá cà phê thế giới đồng loạt giảm
Trên thị trường thế giới, 9h00 ngày 30/11 giá cà phê robusta giao tháng 1/2019 trên sàn Robusta (ICE Futures Europe) giảm nhẹ 6 USD/tấn, tương đương 0,37% về mức 1.609 USD/tấn, giá cà phê giao tháng 3/2019 giảm 5 USD/tấn, tương đương 0,31% về mức 1.625USD/tấn.
Giá cà phê arabica giao tháng 12 trên sàn (ICE Futures US) 9h00 sáng nay 30/11 giảm 1,45% về mức 1.085 USD/tấn, giá giao tháng 3/2019 giảm 1,4% lên mức 1.123USD/tấn.
Louis Dreyfus Company (LDC) đang giành lại quyền sở hữu lượng lớn cà phê Robusta trên sàn giao dịch châu Âu ICE Futures Europe, theo Reuters, động thái này mang lại lợi thế cho công ty trên thị trường tương lai ở London.
Theo dữ liệu của Intercontinental Exchange (ICE), khoảng 38.400 tấn cà phê Robusta đã được thầu cho các hợp đồng cà phê tương lai giao tháng 11/2011 kể từ khi bắt đầu thời hạn giao hàng. Một số nguồn tin cho biết, Dreyfus, từng là một “ông lớn” trên thị trường cà phê, là nhà thầu chính thu mua cà phê Robusta cho tới nay.
Dreyfus cũng được cho là đã phân phối một lượng lớn trong tống số 33.360 tấn cà phê conillon Brazil tới các kho của sàn giao dịch gần đây, tiếp tục củng cố vị thế nắm giữ dự trữ cà phê của công ty này.