Giá cà phê ngày 17/8: Tiếp tục tăng thêm 400 đồng/kg tại Tây Nguyên và Miền Đông Nam Bộ

(VOH) - Giá cà phê ngày 17/8 tiếp tục tăng thêm 400 đồng/kg tại hầu hết các địa phương trồng cà phê trọng điểm Tây Nguyên và Miền Đông Nam Bộ do giá cà phê thế giới tăng.

Giá cà phê trong nước hôm nay cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 38.100 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 36.900 đồng/kg.

Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch hôm nay giá cà phê tại Lâm Đồng  tăng 400 đồng/kg, tại Bảo Lộc, Lâm Hà ở mức 37.000 đồng/kg, tại Di Linh ở ngưỡng 36.900 đồng/kg.

Giá cà phê tại Đắk Lắk tăng 400 đồng/kg, cụ thể tại tại Cư M'gar ở mức 38.100 đồng/kg, tại Buôn Hồ giá cà phê ở ngưỡng 37.900 đồng/kg.

Giá cà phê tại Gia Lai tăng 400 đồng/kg, giá tại Pleiku là 37.800 đồng/kg, và Ia Grai giao dịch quanh mức 37.800 đồng/kg.

Giá cà phê tại Đắk Nông tăng 400 đồng/kg, dao động ở ngưỡng 37.800 đồng/kg.

Giá cà phê tại Kon Tum tăng 400 đồng/kg, dao động ở  mức 37.700 đồng/kg

Giá cà phê giao tại cảng TP HCM tăng 400 đồng/kg, dao động ở  ngưỡng  39.300 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.773 USD/tấn, FOB – HCM, với mức trừ lùi 70 – 80 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.

Tỉnh
/huyện (khu vực khảo sát)

Giá thu mua
Đơn vị: VNĐ/kg

Thay đổi

LÂM ĐỒNG

 

 

Bảo Lộc (Robusta)

37,000

+400

Lâm Hà (Robusta)

37,000

+400

 Di Linh (Robusta)

36,900

+400

ĐẮK LẮK

 

 

Cư M'gar (Robusta)

38.100

+400

Buôn Hồ (Robusta)

37.900

+400

GIA LAI

 

 

Pleiku (Robusta)

37,800

+400

Ia Grai (Robusta)

37,800

+400

ĐẮK NÔNG

 

 

Gia Nghĩa (Robusta)

37,800

+400

KON TUM

 

 

Đắk Hà (Robusta)

37.700

+400

TP.HỒ CHÍ MINH

 

 

— R1

39,300

+400

Giá cà phê hôm nay 17/8/2021
Ảnh minh họa: internet

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 7/2021 đạt 110 nghìn tấn, trị giá 207 triệu USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 16,7% về trị giá so với tháng 6/2021, so với tháng 7/2020 ổn định về lượng, nhưng tăng 5,9% về trị giá.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 953 nghìn tấn, trị giá 1,754 tỷ USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 1,7% về trị giá so với 7 tháng đầu năm 2020.

Chuyên gia Nguyễn Quang Bình nhận định: Dù Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã khởi động và tạo dựng một chương trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê ngon – đặc sản, chú trọng đến chất lượng tách cà phê uống trên thị trường nội địa và khuyến khích xuất khẩu cà phê sạch, giá trị cao, nhưng lệnh giãn cách xã hội đang làm chậm quá trình liên kết giữa nông dân và chuỗi quán vốn rất được chú trọng trong sản xuất cà phê bền vững.

Với các hợp đồng giữa nông dân và chuỗi quán đã thiết lập trước thời giãn cách, hiện nay các chuỗi quán vẫn tiếp tục mua cà phê nguyên liệu Robusta với mức cao, từ 50-60 triệu đồng/tấn thì so với thị trường thương mại hiện nay chỉ quanh 37-37,2 triệu đồng/tấn.

Theo vị chuyên gia, thách thức của cà phê thương mại xuất khẩu đại trà ngày càng rõ, theo hướng tiêu cực, thì cách đi của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột càng tỏ ra đúng hướng. Nông dân sản xuất cà phê bền vững đang cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, không chỉ từ chính sách mà còn cần được kích hoạt bằng những gói hỗ trợ tài chính và tín dụng. Cần thấy rằng đại dịch còn kéo dài và không còn cách nào khác là phải sống chung với nhiều lần giãn cách dài ngày hay ngắt quãng. ”Nên chăng các cấp chính quyền xem đây là một cái nền mới, vững chắc hơn cho một ngành cà phê trong thời kỳ “bình thường mới””, ông Nguyễn Quang Bình nêu quan điểm.

Giá cà phê thế giới ổn định

Mở cửa phiên giao dịch ngày 17/8, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 20 USD, lên 1.848 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng 17 USD, lên 1.853 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 0,45 cent, lên 183,20 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng 0,50 cent, lên 186,25 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.

Giá cà phê hai sàn bật tăng khi áp lực quyền chọn tháng 9 tại New York giảm bớt cùng với báo cáo thời tiết khô hạn ở miền nam Brasil. Theo hãng tin thời tiết Somar ghi nhận, tuần qua vành đai cà phê không có cơn mưa nào trong khi độ ẩm đã thấp 10% dưới ngưỡng tối thiểu.

Tuy nhiên, vào giữa phiên đã có thông tin xuất hiện mưa rào rải rác với lượng mưa không quá 0,5mm đã giúp thị trường giảm bớt căng thẳng phần nào. Lưu ý, ở Brasil sẽ xuất hiện những cơn mưa mùa xuân, bắt đầu từ tháng 9, rất cần thiết cho cây cà phê ra hoa vụ mới và lượng mưa chỉ dồi dào khi vào mùa mưa mùa hè.

Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA), quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất châu Phi đã báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng Bảy đạt tổng cộng 700.035 bao, tăng tới 28,77% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu cà phê Robusta tăng 41,27%, lên đạt 660.458 bao nhưng xuất khẩu cà phê Arabica giảm 47,99%, xuống còn 39.577 bao. Theo UCDA, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 10 tháng đầu niên vụ hiện tại 2020/2021 đạt tổng cộng 5.209.085 bao, tăng 874.379 bao, tức tăng 20,17% so với cùng kỳ niên vụ trước đó.

New Zealand là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu cà phê. Xu hướng tiêu dùng của người dân quốc gia này có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ uống trà sang uống cà phê, theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Nhu cầu tiêu thụ cà phê của New Zealand tăng mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là đối với cà phê hữu cơ.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, tốc độ nhập khẩu cà phê của New Zealand trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 3,1%/năm (tính theo lượng) và tăng 4,5%/năm (tính theo trị giá), từ 13,86 nghìn tấn, trị giá 63,3 triệu USD năm 2016 tăng lên 15,56 nghìn tấn, trị giá 75 triệu USD năm 2020.

Tuy nhiên, nhập khẩu cà phê của New Zealand từ Việt Nam giảm bình quân 1,4%/năm về lượng và giảm 2,1%/năm (tính theo trị giá), từ 1,73 nghìn tấn, trị giá 3,31 triệu USD năm 2016 xuống 1,48 nghìn tấn, trị giá 2,6 triệu USD.