Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 10/3/2021, lúc 13h00, kỳ hạn tháng 8/2021, mở cửa giảm 2,3 JPY tương đương 0,8%, xuống mức 270,6 JPY/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 100 CNY chốt tại 15.055 CNY (2.314 USD)/tấn.
Tuy nhiên, tâm lý thị trường vẫn được hỗ trợ bởi OECD nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 từ 4,2% lên 5,6% khi việc triển khai vắc xin Covid-19 đang nhanh chóng triển khai ở một số quốc gia.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tăng trưởng trong tháng 2/2021, mang lại nhiều kỳ vọng hồi phục thị trường hàng hóa sau đại dịch COVID-19, trong đó có cao su.
Sản xuất cao su tại Trung Quốc đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh, khi dự báo ngành công nghiệp ô tô hồi phục từ quý II/2021. Tình hình COVID-19 tại Trung Quốc cũng đã "hạ nhiệt".
Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn SICOM Singapore tăng 0,2% lên 174,5 US cent/kg.
Cao su Thống Nhất (TNC) lên kế hoạch giảm lãi 54% trong năm 2021
CTCP Cao su Thống Nhất (mã: TNC) đã đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 với chỉ tiêu lãi sau thuế giảm hơn 50% so với mức thực hiện 2020.
Cụ thể, năm 2021, TNC đặt mục tiêu đạt 88 tỷ đồng doanh thu tăng 63% so với thực hiện năm 2020 song chỉ tiêu lãi sau thuế chỉ 25 tỷ đồng, tức giảm 54% so với kết quả năm ngoái.
Đáng chú ý, kế hoạch này được đưa ra sau khi TNC ghi nhận mức lãi cao nhất đạt được trong năm 2020, sau 8 năm qua, đồng thời có 5 năm liên tiếp ghi nhận tăng trưởng. Được biết, năm 2020, TNC báo lãi ròng luỹ kế hơn 54 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước đó và vượt kế hoạch năm hơn 2.2%.
Liên quan đến tình hình ngành cao su, trong báo cáo nhận định phát hành đầu năm 2021, Chứng khoán FPT cho biết năm qua, trong bối cảnh mảng kinh doanh chính là mủ cao su kém khả quan với giá cao su duy trì ở mức thấp đã khiến các doanh nghiệp cao su phải chủ động thanh lý gỗ cao su và chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành khu công nghiệp.
Trong đó, chuyển đổi đất cao su sang kinh doanh khu công nghiệp là một trong những mảng hấp dẫn của các doanh nghiệp cao su.
Trong năm 2021, ngành cao su tự nhiên Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong mảng kinh doanh chính là kinh doanh mủ cao su. Các doanh nghiệp trong ngành sẽ có sự phân hóa, hồi phục theo mô hình chữ K. Một số doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất.
Giá cao su tiếp tục tăng trên các thị trường chủ chốt
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 10 ngày giữa tháng 2/2021, giá cao su trên các thị trường chủ chốt tiếp tục tăng.
Đặc biêt, giá tại Osaka Exchange (OSE), giao kỳ hạn tháng 3/2021 giao dịch ở mức 252 Yên/kg, tương đương 2,38 USD/kg, tăng hơn 1% so với 10 ngày trước đó và tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2020. Giá cao su tại Nhật Bản tăng khi kinh tế đang dần hồi phục và nhu cầu nước ngoài cải thiện.
Tại sàn SHFE Thượng Hải, ngày 18/2/2021, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 3/2021 giao dịch ở mức 15.100 NDT/tấn, tương đương 2,34 USD/ tấn, tăng 1,7% so với 10 ngày trước đó và tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Thái Lan, ngày 18/2/2021 giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 65,64 Baht/kg, tương đương 2,19 USD/kg, tăng 7,7% so với 10 ngày trước đó và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Công ty Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG) cho biết sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu năm 2020 giảm gần 6% do thời tiết bất thường, bệnh rụng lá ở cây cao su và dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nước khu vực Đông Nam Á, mặc dù sản lượng của Mexico và Bờ Biển Ngà tăng.
IRSG dự báo nhu cầu cao su tự nhiên thế giới năm 2021 sẽ hồi phục nhờ tăng trưởng của phân khúc xe thương mại, chủ yếu nhờ thị trường của những nước mới nổi.
Nhu cầu cao su tổng hợp năm 2021 dự báo sẽ tăng 10,2% so với năm 2020 nhờ nhu cầu găng tay và các sản phẩm khác tăng mạnh trong mùa dịch. Thị trường cao su cũng sẽ được hỗ trợ khi giá dầu tăng nhanh và đồng USD yếu.