Giá sắt thép xây dựng hôm nay 10/8: Giá thép trong nước giảm 300.000 đồng/tấn

(VOH) Giá thép ngày 10/8 giảm 31 nhân dân tệ/tấn trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Nhiều doanh nghiệp trong nước hạ giá sản phẩm lần thứ 13 liên tiếp trong 3 tháng qua.

Giá thép xây dựng trong nước giảm 300.000 đồng/tấn

Ngày 9/8, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đồng loạt hạ khoảng 300.000 đồng/tấn các sản phẩm, hiện giá thép xây dựng đang ở mức 14,7 - 16 triệu đồng/tấn. Cá biệt có một số thương hiệu như Pomina, TQIS có mức giảm sâu hơn, từ 600.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/tấn.

Giá thép xây dựng hôm nay 10/8/2022
Ảnh minh họa: internet

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, đây là đợt giảm thứ 13 liên tiếp, tổng mức giảm lên tới 4-4,3 triệu đồng/tấn, theo số liệu của Steel Online.

Trong lần điều chỉnh này, thép Pomina tại khu vực miền Trung có mức giảm mạnh nhất. Theo đó, Pomina điều chỉnh giảm giá thép cuộn CB240 tới 1,3 triệu đồng/tấn còn gần 15 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 hạ 310.000 đồng/tấn xuống gần 16,5 triệu đồng/tấn.

Tiếp đó, thép TQIS khu vực miền Bắc cũng giảm 810.000 đồng/tấn với thép CB240 xuống 14,6 triệu đồng/tấn và hạ 600.000 đồng/tấn với thép D10 CB300 còn 15 triệu đồng/tấn. 

Ở mặt bằng chung, thương hiệu Hòa Phát điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 ở ba miền.

Sau điều chỉnh, giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 ở miền Bắc lần lượt ở mức gần 14,8 triệu đồng/tấn và 15,7 triệu đồng/tấn.

Còn tại miền Nam, giá hai loại thép này đang gần 15 triệu đồng/tấn và 15,6 triệu đồng/tấn. Tại miền Trung, giá thép cuộn CB240 và thép D10 CB300 của Hòa Phát đứng ở mức 15,1 triệu đồng/tấn và 15,7 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thương hiệu thép Việt Đức cũng giảm 300.000 đồng/tấn và 260.000 đồng/tấn với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Mức giá của hai sản phẩm này hiện còn 14,7 triệu đồng/tấn và 15 triệu đồng/tấn.

Hiện, mùa cao điểm xây dựng đã qua, mùa mưa đến khiến việc tiêu thụ thép của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, giá thép cũng vì thế mà liên tục sụt giảm.

Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát, trong tháng tháng 7, thị trường thép trong nước tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu yếu, thời tiết bắt đầu bước vào mùa mưa.

Tuy nhiên, lượng xuất khẩu thép xây dựng của Tập đoàn ghi nhận 147.000 tấn, tăng 81% so với cùng kỳ 2021. Đây là yếu tố chính giúp thép Hòa Phát duy trì đà tăng sản lượng bán hàng so với năm trước.

Lũy kế 7 tháng,  lượng bán hàng thép xây dựng đạt 2,7 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá sắt thép xây dựng hôm nay trên Sàn giao dịch Thượng Hải

Giá thép ngày 10/8, giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 31 nhân dân tệ xuống mức 4.082 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h15 (giờ Việt Nam).

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn).

Giá sắt thép xây dựng hôm nay 10/8: Giá thép trong nước giảm 300.000 đồng/tấn, giá thép tại Thượng Hải quay đầu giảm 2

Vào hôm thứ Ba (9/8), giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch Đại Liên (DCE) và Sàn giao dịch Singapore (SGX) đồng loạt giảm, Reuters đưa tin.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các nhà giao dịch đang xem xét mức độ bùng phát COVID-19 tại Trung Quốc và nhu cầu tiêu thụ thép, đặc biệt là từ lĩnh vực bất động sản yếu kém của nước này.

Theo đó, giá quặng sắt DCIOcv1 giao tháng 1/2022, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn DCE, đã giảm 1% xuống 726 nhân dân tệ/tấn (tương đương 107,53 USD/tấn).

Trước đó trong phiên, hợp đồng này đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 1/8 là 755 nhân dân tệ/tấn.

Trên Sàn SGX, hợp đồng quặng sắt SZZFU2 giao tháng 9/2022 cũng giảm 1,1% xuống 110,40 USD/tấn, sau khi tăng trong hai phiên vừa qua nhờ biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép ở Trung Quốc được cải thiện.

Các nhà phân tích cho biết, bất kỳ khoản lợi nhuận nào đối với quặng sắt cũng sẽ bị hạn chế trước lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính - hiện đang nhấn chìm các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.

Song song đó, các đợt phong tỏa do COVID-19 và chủ trương hạn chế sản lượng của nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới này cũng là hai yếu tố tác động mạnh mẽ đến thị trường quặng sắt.

Các khu vực của Tây Tạng, bao gồm cả hai thành phố lớn nhất của khu tự trị Trung Quốc, đang triển khai xét nghiệm COVID-19 hàng loạt để ngăn chặn sự bùng phát.

Trong khi đó, Hải Nam và Tân Cương ở phía Tây Trung Quốc đang phải chịu nhiều tác động từ các đợt bùng phát dịch bệnh gần đây.