Giá thép xây dựng hôm nay 12/8: Giá thép thanh đi lên

(VOH) Giá thép ngày 12/8 tăng trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Giá quặng sắt Đại Liên cũng tăng gần 4%, sau 5 phiên giảm liên tiếp do việc hạn chế sản lượng gây lo lắng về nguồn cung.

Giá thép thế giới tiếp tục đi lên

Giá thép ngày 12/8, giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 21 nhân dân tệ lên mức 5.577 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h30 (giờ Việt Nam).

Giá thép xây dựng hôm nay 12/8/2021
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Giá thép xây dựng hôm nay 12/8: Giá thép thanh tiếp đà đi lên trên Sàn Thượng Hải 2

Vào hôm thứ Tư (11/8), giá quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) tăng gần 4% sau 5 phiên giảm liên tiếp, lấy tín hiệu từ giá thép kỳ hạn khi sản lượng của Trung Quốc hạn chế làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt DCIOcv1 giao tháng 1/2022, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn DCE, kết thúc giao dịch ban ngày tăng 3,7% lên mức 871,50 nhân dân tệ/tấn (tương đương 134,33 USD/tấn).

Trước đó, hợp đồng này đã chạm mức giao dịch thấp nhất theo ghi nhận kể từ ngày 26/3.

Tương tự, hợp đồng quặng sắt SZZFU1 giao tháng 9/2021, được giao dịch sôi động nhất trên Sàn giao dịch Singapore (SGX), tăng 2,4% lên 163,80 USD/tấn sau một phiên giao dịch buổi sáng chao đảo.

Trong cùng ngày, giá thép kỳ hạn trên Sàn giao dịch Thượng Hải (SHFE) tăng ngày thứ hai lên mức cao nhất trong gần hai tuần qua do lo ngại về nguồn cung.

Kể từ đầu tháng 7, các nhà máy sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc đã được yêu cầu giảm sản lượng để tổng sản lượng cả năm không quá con số ghi nhận vào năm 2020.

Mục đích của động thái này là nhằm cắt giảm mức phát thải ra môi trường theo đúng chủ trương của chính phủ Trung Quốc. Do đó, ngành thép đang đối mặt với khả năng hạn chế sản lượng kéo dài.

Dữ liệu tư vấn của Công ty SteelHome cho thấy, việc hạn chế đang diễn ra đã làm giảm nhu cầu quặng sắt, đưa giá giao ngay của quặng sắt SH-CCN-IRNOR62 xuống mức thấp nhất trong hơn 4 tháng qua.

Các hạn chế có thể được gia hạn cho đến đầu năm sau, và thậm chí có thể được tăng cường trước Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2/2022, Reuters đưa tin.

Sau sốt giá, thị trường thép sẽ ổn định vào nửa cuối năm

Thị trường thép hiện tại đã đi vào ổn định, sản phẩm thép hình thành mặt bằng giá mới, dự kiến ổn định vào cuối năm.

Sau khoảng thời gian sốt giá bất thường từ cuối năm 2020, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, thị trường thép 6 tháng đầu năm đã có tín hiệu phục hồi tích cực, tăng trưởng sản xuất thép thô toàn cầu 5 tháng 2021 tăng 14,5% so với cùng kỳ 2020.

Giá cả nguyên liệu sản xuất thép và thép thành phẩm diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng kể từ cuối năm 2020. Đến giữa tháng 3, mức giá có xu hướng giảm nhưng sau đó tăng trở lại đến cuối tháng 5.

Thị trường thép Việt Nam nửa đầu năm nay, sản xuất thép đạt hơn 15,9 triệu tấn các loại, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó phôi thép đạt hơn 11 triệu tấn, tăng 29%. Tiêu thụ sản phẩm thép đạt hơn 14 triệu tấn, tăng 35% so với nửa đầu 2020.

Bộ Công thương đánh giá tình hình sản xuất, cung – cầu của sản phẩm thép trong năm 2021 sẽ tiếp tục phát triển ổn định. Cụ thể, mặt hàng thép xây dựng thông thường đáp ứng đủ nhu cầu thép cho thị trường trong nước và có xu hướng tăng trưởng chậm hơn so với 6 tháng đầu năm. Mặt hàng thép cuộn cán nóng vẫn sẽ nhập khẩu do nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được khoảng hơn 50% nhu cầu sử dụng trong nước.

Theo dự báo của Tradingeconomics, đến cuối năm nay, giá thép thành phẩm giao dịch tại thị trường Trung Quốc sẽ giảm về ngưỡng gần 697 USD/tấn, giá quặng sắt 62% giao tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc sẽ giảm về mức 200 USD/tấn.

Về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết tình hình sản xuất thép năm 2020 và dự kiến năm 2021 của các đơn vị sản xuất thép sẽ có mức tăng trưởng cao tại các doanh nghiệp có dự án mới đầu tư đi vào sản xuất như Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Cổ phần Thép Nghi Sơn.

Trong đó, đối với sản phẩm phôi thép, Tập đoàn Hòa Phát và Công ty Cổ phần Thép Nghi Sơn dự kiến có mức tăng trưởng lớn trong năm nay so với năm 2020 với mức tăng lần lượt là khoảng 38% và 44%.

Theo ước tính, sản lượng sản xuất thép xây dựng năm 2021 của Tập đoàn Hòa Phát tăng khoảng 42% so với năm 2020, Công ty Cổ phần Thép Nghi Sơn tăng khoảng 3 lần so với năm 2020.

Đối với thép cuộn cán nóng, năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát dự kiến sản xuất 2.880.000 tấn, tăng trên 4 lần so với năm 2020 nhờ dây chuyền sản xuất tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đã đi vào hoạt động.

Đối với sản phẩm thép xuất khẩu, Tập đoàn Hòa Phát dự kiến giảm sản lượng phôi thép xuất khẩu để phục vụ cho các nhà máy chế biến trong nước với mức giảm dự kiến là 44% so với năm ngoái.

Ngày 11/8/2021, một số thương hiệu thép lớn như Hòa Phát, Việt Ý thông báo giảm giá thép xây dựng, xuống còn 16,090 đồng/kg - 16,120 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, và từ 16,290 đồng/kg – 16,320 đồng/kg đối với thép cây D10 CB300…

Như vậy, sau khi các doanh nghiệp đồng loạt giảm giá thép xây dựng vào thời điểm cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2021, đến ngày 11/8/2021, một số thương hiệu thép lớn tiếp tục giảm thêm từ 70 đồng/kg - 300 đồng/kg đối với thép cuộn, và từ 20 đồng/kg – 210 đồng/kg đối với thép cây (tùy theo thương hiệu).

Giá thép hôm nay ngày 12/8/2021 tại 3 miền: miền Bắc, miền Trung, miền Nam

Giá thép xây dựng hôm nay 12/8: Giá thép thanh tiếp đà đi lên trên Sàn Thượng Hải 3