Giá thép xây dựng tăng mạnh
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 65 nhân dân tệ lên 3.569 nhân dân tệ/tấn vào lúc 8h30, ng2y 14/3, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Chốt phiên thứ Sáu (13/3), giá thép thanh xây dựng tăng 1,9% trong khi giá thép cuộn cán nóng tăng 1,6% nhưng giá thép không gỉ giảm 0,3%, theo Reuters.
Giá quặng sắt giao sau ở Trung Quốc và Singapore tăng trở lại, xóa bỏ mức giảm trong đầu phiên do kì vọng về các chính sách tiếp theo để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch virus corona.
Hợp đồng quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên kết thúc phiên tăng 2,9% lên 676,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 96,77 USD/tấn), phục hồi từ mức giảm 2,3% trước đó.
Tại Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 4 tăng 1,5%, phục hồi từ mức giảm 2,2% đầu phiên.
Giá quặng sắt đã tăng 2,6% trong tuần này, thêm vào mức tăng 6,6% trong tuần trước, do lo ngại về nguồn cung khi hàng tồn kho tại các cảng Trung Quốc giảm và hi vọng nhu cầu phục hồi.
Nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau nhiều tuần ngừng hoạt động nhằm ngăn chặn sự lây lan virus nhưng nhu cầu tổng thể về kim loại vẫn bị che mờ vì đại dịch toàn cầu.
Thị trường đang chờ đợi sự nới lỏng hơn nữa của ngân hàng trung ương và chính sách kích thích tài khóa toàn cầu trong bối cảnh COVID-19 bùng phát, các chiến lược gia hàng hóa của ING cho biết.
Dự kiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất cho vay thêm 10 điểm cơ bản vào tuần tới.
Hiện đã có 135.000 trường hợp lây nhiễm và hơn 4.900 người tử vong do dịch COVID-19 trên toàn thế giới, chủ yếu ở Trung Quốc nhưng nước này đã báo cáo số trường hợp nhiễm mới giảm mạnh trong những ngày gần đây, cho thấy đỉnh điểm của dịch đã qua.
Giá than mỡ tăng vọt 2,3% và giá than cốc tăng 3,1%
Giá quặng sắt hàm lượng 62% giảm xuống 90,5 USD/tấn vào thứ Năm (12/3) sau khi tăng lên 91,5 USD/tấn vào ngày hôm trước, theo dữ liệu của SteelHome.
Xuất khẩu thép Việt Nam giảm 38%
Sản lượng thép thô của Việt Nam trong tháng 1 đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm 22,3% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, bán hàng đạt gần 1,4 triệu tấn, giảm trên 30% so với cùng kì, xuất khẩu thép giảm 38% còn 283.134 tấn, theo thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA).
Việt Nam nhập khẩu hơn 940.000 tấn sắt thép các loại trong tháng 1, trị giá khoảng 567 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu hơn 460.000 tấn sắt thép các loại, trị giá khoảng 247 triệu USD.
Theo VSA, nhập khẩu sắt thép các loại năm 2019 tăng 7,6% về lượng nhưng giảm 3,9% về kim ngạch so với năm 2018, đạt 14,5 triệu tấn, trị giá 9,51 tỉ USD.
Nhập khẩu thép từ Trung Quốc – thị trường lớn nhất, giảm 18% về lượng, giảm 26,6% về kim ngạch và giảm 10,5% về giá so với năm 2018, đạt 5,14 triệu tấn, tương đương 3,3 tỉ USD.
Năm 2019, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam tăng 6,6% về lượng nhưng giảm 7,4% về kim ngạch và giảm 13,2% về giá so với năm 2018, đạt 6,7 triệu tấn, giá trị 4,2 tỉ USD.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, chiếm 62,5% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và gần 60% trong tổng kim ngạch, đạt 4,17 triệu tấn, giá trị 2,52 tỉ USD.