Giá thép xây dựng hôm nay 14/5: Sụt giảm không phanh trên Sàn Thượng Hải

(VOH) - Giá thép ngày 14/5 sụt giảm mạnh trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm 9,5%, sau khi tăng lên mức cao kỷ lục trong vài ngày qua.

Giá thép thế giới suy giảm

Giá thép ngày 14/5, giá giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 242 nhân dân tệ xuống mức 5.758 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h50 (giờ Việt Nam).

Giá thép xây dựng hôm nay 14/5/2021
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Giá thép xây dựng hôm nay 14/5: Sụt giảm không phanh trên Sàn Thượng Hải 2

Vào hôm thứ Năm (13/5), giá các mặt hàng kim loại đen tại Trung Quốc đã quay đầu giảm sau đợt siêu phục hồi chạm mức cao lịch sử trong vài ngày qua, Reuters đưa tin.

Theo đó, hợp đồng quặng sắt giao tháng 9/2021, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE), đóng cửa giảm 7,5% xuống còn 1.217 nhân dân tệ/tấn (tương đương 188,66 USD/tấn).

Trước đó trong phiên, giá mặt hàng này cũng đã sụt giảm xuống mức 1.190 nhân dân tệ/tấn, đánh dấu sự kết thúc của 5 phiên tăng liên tiếp.

Tính từ đầu tháng 5 đến trước thứ Tư (12/5), giá quặng sắt trên Sàn DCE đã tăng 23%, tương đương 248,5 nhân dân tệ.

Nguyên nhân là do những hạn chế trong sản xuất thép bên cạnh nhu cầu mạnh mẽ trong mùa cao điểm và lo ngại lạm phát đã thúc đẩy hoạt động thu mua đầu cơ.

Cụ thể, trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE), giá thép thanh vằn giao tháng 10/2021, được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng, giảm 2,9% xuống 5.915 nhân dân tệ/tấn.

Giá thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, giảm 2,5% xuống 6.438 nhân dân tệ/tấn. Đồng thời, giá thép không gỉ giao tháng 6/2021 trên Sàn SHFE cũng giảm 2% xuống 15.260 nhân dân tệ/tấn.

Tương tự, giá than luyện cốc và than cốc trên Sàn DCE cùng giảm 3,9%, lần lượt được điều chỉnh về mức 1.988 nhân dân tệ/tấn và 2.729 nhân dân tệ/tấn.

Trước đó, vào hôm thứ Tư (12/5), Quốc vụ viện Trung Quốc đã cho biết, họ sẽ tăng cường kết hợp chính sách tiền tệ và các chính sách khác để ổn định các hoạt động kinh tế và đối phó với tình trạng giá hàng hóa tăng nhanh.

Bộ Công Thương: Nhu cầu thép trong nước dự tính tăng 3% trong năm 2021

Theo Bộ Công Thương, dự kiến nhu cầu sản phẩm phôi thép năm nay sẽ tăng khoảng 6% so với năm 2020 và nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3% nhờ các tín hiệu phục hồi của nền kinh tế.

Ở thị trường trong nước, trong năm 2021, nhóm chuyên gia cho rằng ngành bất động sản và xây dựng hạ tầng sẽ hồi phục, việc Chính phủ triển khai các dự án đầu tư công lớn như Sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam và các đường dây truyền tải điện 500KV sau khi Quy hoạch điện VIII được thông qua.

Nhu cầu sản phẩm thép các loại năm 2021 dự tính khoảng 27 triệu tấn. Trong đó, mảng thép xây dựng, sản lượng ống thép và tôn mạ năm 2021 được dự báo lần lượt ở mức 11,2 triệu tấn (tăng trưởng 9%), 2,5 triệu tấn (tăng trưởng 8%) và 4,4 triệu tấn (tăng trưởng 8%).

Đối với mảng thép cuộn cán nóng (HRC) và thép lá cán nguội (CRC) Việt Nam năm 2021 sản lượng sẽ đạt 10,7 triệu tấn, tăng trưởng tới 30% so với năm 2020.

Tuy nhiên, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập siêu thép cuộn cán nóng đến 9,3 triệu tấn. Do vậy, dự kiến trong năm 2021, Việt Nam vẫn tiếp tục phải nhập khẩu một lượng lớn thép cuộn cán nóng để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.

Đồng thời, trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…

Giá tăng đột biến, Bộ Công Thương đề nghị hạn chế xuất khẩu thép

Bộ Công Thương cho biết, đang xem xét để kiến nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu.

Bộ cũng đề nghị Hiệp hội Thép thực hiện việc rà soát các đại lý phân phối trong việc cung cấp hàng đến các hộ tiêu thụ, người tiêu dùng, tránh các hiện tượng găm hàng, đẩy giá và cạnh tranh không lành mạnh. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu có các khó khăn, vướng mắc đề nghị kiến nghị cụ thể với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Đại diện Bộ Công Thương đánh giá, việc giá thép tăng đột biến trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà là tăng giá trên toàn thế giới. Do các nhà máy sản xuất thép trong nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên việc tăng giá bán các sản phẩm thép là không thể tránh khỏi.

Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.