Giá thép xây dựng thế giới giảm nhẹ
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm nhẹ 6 nhân dân tệ xuống 4.144 nhân dân tệ/tấn vào lúc 9h30, ngày 17/4, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Hợp đồng thép giao sau của Trung Quốc kết thúc chuỗi tăng kéo dài 3 ngày vào thứ Ba 16/4 sau khi đạt mức cao nhất hơn 7 năm trong phiên trước đó khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi việc công bố dữ liệu GDP.
Giá thép thanh Thượng Hải giảm 1,1% xuống 3.780 nhân dân tệ/tấn (tương đương 563,55 USD/tấn) khi thị trường đóng cửa giao dịch lúc 7h00 (giờ địa phương). Con số này đạt mức cao nhất trong nhiều năm là 3.843 nhân dân tệ/tấn vào thứ Hai 15/4.
Hợp đồng thép cuộn cán nóng giao sau giảm 1,1% xuống còn 3.695 nhân dân tệ/tấn.
Mặc dù có một số tổn thất, giá thép được hỗ trợ bởi nhu cầu vững chắc trong khi kì vọng việc đạt được thỏa thuận thương mại của hai thành phố Bắc Kinh và Washington làm ảnh hưởng tâm lí nhà đầu tư.
Trong khi đó, giá nhà mới của Trung Quốc đã tăng 0,6% trong tháng 3 so với tháng trước, tăng từ mức tăng 0,5% trong tháng 2. Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu chính thức hôm thứ Ba 16/4, đây là dấu hiệu của thị trường bất động sản đang dần nóng lên trong bối cảnh các hạn chế sản xuất được nới lỏng ở một số thành phố.
Một cuộc điều tra của Reuters hôm thứ Sáu tuần trước (12/4) cho thấy sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm xuống mức thấp gần 30 năm qua ở mức 6,2% trong năm nay do nhu cầu trong và ngoài nước suy giảm bất chấp các biện pháp hỗ trợ chính sách.
Hợp đồng than mỡ được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Đại Liên giảm 0,3% xuống còn 1.319,5 nhân dân tệ/tấn trong khi hợp đồng than cốc giao tháng 9 tăng 0,7% lên 2.061 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt giao sau giảm 3,2% xuống còn 632,5 nhân dân tệ/tấn.
Sản xuất thép trong nước quý I/2019: Khởi sắc đón mùa xây dựng
Dù liên tục phải đối mặt với những khó khăn do các vụ kiện phòng vệ thương mại, quý I/2019, sản lượng sản xuất sắt, thép thô; thép cán tại Việt Nam vẫn lần lượt tăng 64,8% và 6,1% so với cùng kỳ năm 2018. Cùng với đó, lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều đạt những kết quả khả quan.
Những tháng đầu năm, giá nguyên liệu trên thế giới tăng mạnh cả về quặng sắt, sắt, thép vụn… đã khiến giá thép trong nước cũng có điều chỉnh tăng. Tháng 1, 2/2019, giá thép điều chỉnh tăng 400.000 - 500.000 đồng/tấn. Hiện, giá thép trong nước khoảng 12,5 - 12,6 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), mặc dù giá thép tăng cao, nhưng mức tiêu thụ vẫn rất tốt. Cụ thể, tiêu thụ các sản phẩm thép tháng 1/2019 đạt 1.958.009 tấn, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2018. Tháng 2/2019, đạt 1.648.961 tấn, giảm 15,87% so với tháng trước nhưng tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018. Tháng 3/2019, sản lượng sắt, thép thô đạt 1.684.000 tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2018; sản lượng thép cán ước đạt 506,7 nghìn tấn, tăng 13,5%; sản lượng thép thanh, thép góc ước đạt 522,9 nghìn tấn, tăng 0,6%.
Về xuất khẩu, theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 1/2019 xuất khẩu sản phẩm từ sắt, thép tăng so với tháng 12/2018; tháng 2/2019 suy giảm 39,7% so với tháng 1, nhưng đến tháng 3 tăng trưởng trở lại. Theo ước tính từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu thép tháng 3 đạt 280 triệu USD, tăng 60,3% so với tháng 2/2019 và tăng 6,8% so với tháng 3/2018, nâng kim ngạch 3 tháng đầu năm lên 744 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Nhận định về tăng trưởng của ngành thép trong năm nay, Bộ Công Thương cho biết, ngành thép có triển vọng tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Năm 2019, Dự án thép Formosa Hà Tĩnh sẽ vận hành 2 lò cao hết công suất; thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến cũng được đưa vào vận hành … Do đó, dự kiến mức tăng trưởng của ngành thép trong năm nay cao hơn khoảng 10% so với năm 2018.
Theo ước tính của VSA, giá điện tăng 8,36%, giá thép có thể tăng khoảng 100.000 đồng/tấn. Vì thế, sẽ tác động mạnh đến nhóm các doanh nghiệp thép sử dụng lò điện hồ quang (EAF) như Pomina, Vina Kyoei…