Giá thép xây dựng hôm nay tăng
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 37 nhân dân tệ lên 3.724 nhân dân tệ/tấn vào lúc 10h0, ngày 23/8, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm 22/8, hợp đồng thép thanh xây dựng hoạt động mạnh nhất trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 1,3% lên 3.715 nhân dân tệ/tấn, theo Reuters.
Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,6% lên 3.714 nhân dân tệ/tấn.
Hợp đồng quặng sắt giao sau ở Trung Quốc hồi phục vào cuối phiên giao dịch từ mức thấp nhất 10 tuần trong khi hợp đồng kì hạn tại Singapore tăng trở lại lên 80 USD/tấn sau thông tin sai lệch về bán tháo.
Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất, giao tháng 1/2020 tại Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên chốt phiên tăng 1,1% lên 600 nhân dân tệ/tấn (tương đương 84,81 USD/tấn) sau khi giảm 2,3% trước đó.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 tăng 2,6% lên 82,81 USD/tấn vào 7h05 (giờ địa phương) sau khi giảm xuống mức thấp 79,44 USD/tấn vào đầu phiên giao dịch.
Giá quặng sắt Đại Liên đã giảm hơn 20% trong tháng 8, ghi nhận tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2018 sau 8 tháng tăng liên tiếp do lo ngại về nguồn cung giảm trong khi nhu cầu chậm lại.
Sự bán tháo tăng lên sau khi BHP đưa ra dự báo về triển vọng giá nguyên liệu sản xuất và các báo cáo mới về hạn chế sản xuất tăng cường tại thành phố Vũ An, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Khi triển vọng về nhu cầu và nguồn cung quặng sắt của nhà sản xuất thép hàng đầu - Trung Quốc vẫn ảm đạm, các chuyên gia phân tích dự đoán giá sẽ vẫn biến động.
Các hạn chế sản xuất thép tại Trung Quốc và căng thẳng thương mại với Mỹ tiếp diễn là những tác động chính. Điều này khiến tăng trưởng sản xuất thép chậm lại từ mức 10,8% đạt được trong nửa đầu năm 2019.
Thành phố Vũ An, cơ sở sản xuất thép cuộn và thép tấm dày trung bình tại tỉnh Hà Bắc, đã quyết định tăng cường các nỗ lực kiểm soát chống ô nhiễm bẳng cách hạn chế hơn nữa hoạt động tại 9 nhà máy thép trong giai đoạn 10 ngày từ ngày 22/8, công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Quyết định này theo sau động thái giảm mạnh sản xuất trong 4 ngày kết thúc vào ngày 21/8 của thành phố sản xuất thép hàng đầu, Đường Sơn, cũng thuộc tỉnh Hà Bắc.
Các hạn chế sản xuất thép chống ô nhiễm tại Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục và có thể tăng cường trước ngày nghỉ Quốc Khánh vào đầu tháng 10.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% giảm 5,5% vào ngày 21/8 xuống còn 86,5 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 29/3, theo SteelHome.
Các thành phần sản xuất thép khác tăng với giá than mỡ tăng 0,6% lên 1.334 nhân dân tệ/tấn trong khi giá than cốc tăng 0,3% lên 1.955,5 nhân dân tệ/tấn.
Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc ra mắt các hợp đồng than mỡ, than cốc và quặng sắt trên Sàn DCE với nỗ lực làm phong phú thêm các công cụ phòng ngừa rủi ro, Securities Times đưa tin ngày 22/8.
Ngành thép Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ thương chiến Mỹ - Trung
Thương chiến Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng nhất định đến ngành thép Việt Nam, đó đó, các doanh nghiệp thép cần có biện pháp để ứng phó với cuộc chiến này.
Leo thang căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc trong thời gian qua đã khiến cho đồng USD ở mức cao, trong khi đồng Nhân dân tệ (NDT) lại giảm mạnh. Các chuyên gia trong ngành thép dự báo, cuộc chiến này sẽ có tác động và ảnh hưởng nhất định tới các ngành sản xuất trong nước.
Cụ thể, đang trong quá trình hội nhập, nền kinh tế Việt có độ mở tương đối lớn lớn, lại phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, trong đó, Trung Quốc và Mỹ là 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Do đó, khi cuộc chiến giữa 2 cường quốc lớn nhất nhì thế giới xảy ra xung đột sẽ ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Phân tích về những tác động của thương chiến Mỹ-Trung tới ngành thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia trong lĩnh vực thép cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến kinh tế của toàn thế giới, với Việt Nam đương nhiên cũng bị ảnh hưởng.
Với ngành thép, hiện tại, ảnh hưởng trực tiếp chưa nhiều nhưng về lâu dài, khi cuộc chiến này vẫn diễn biến căng thẳng thì nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc - nước chiếm tới 50% sản lượng thép của thế giới sẽ giảm đi đáng kể. Như vậy sức ép về xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ gia tăng.
Xuất khẩu sắt thép 7 tháng đầu năm 2019 tăng về lượng giảm kim ngạch
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước xuất khẩu 3,89 triệu tấn sắt thép, thu về trên 2,53 tỷ USD, giá trung bình 650,6 USD/tấn, tăng 14% về lượng nhưng giảm 0,1% về kim ngạch và giảm 12,4% về giá so với cùng kỳ năm 2018.
Riêng tháng 7/2019 xuất khẩu sắt thép ước đạt 462.655 tấn, tương đương 311,27 triệu USD, giá 672,8 USD/tấn, giảm 8% cả về lượng và kim ngạch nhưng tăng 0,3% về giá so với tháng 6/2019; so với tháng 7/2018 giảm tương ứng 22,6%, 27,6% và 6,4%.
Nhìn chung xuất khẩu sắt thép trong 7 tháng đầu năm nay sang phần lớn các thị trường bị sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm trước; trong đó giảm mạnh ở một số thị trường sau: Bangladesh giảm 76% cả về lượng và kim ngạch, đạt 1.435 tấn, tương đương 0,93 triệu USD; Anh giảm 70% cả về lượng và kim ngạch; U.A.E giảm 42,8% về lượng và giảm 67,8% về kim ngạch; Đức giảm 50,7% về lượng và giảm 64,8% về kim ngạch.
Tuy niên, vẫn có một số thị trường xuất khẩu tăng mạnh là: Trung Quốc tăng gấp 17,6 lần về lượng và tăng gấp 6 lần về trị giá, đạt 75.439 tấn, trị giá 38,77 triệu USD; Brazil tăng 178,6% về lượng và tăng 166,9% về trị giá, đạt 5.572 tấn, trị giá 5,05 triệu USD; Nhật Bản tăng 285,4% về lượng và tăng 161,6% về kim ngạch, đạt 170.436 tấn, trị giá 93,3 triệu USD.