Giá thép xây dựng thế giới hôm nay giảm
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 37 nhân dân tệ xuống còn 3.912 nhân dân tệ/tấn vào lúc 9h00, ngày 24/7, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Chốt phiên giao dịch ngày 23/7, hợp đồng thép thanh được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 0,6% xuống còn 3.941 nhân dân tệ/tấn, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 24/6.
Giá thép cuộn cán nóng giảm 0,4% xuống mức thấp nhất trong một tuần là 3.866 nhân dân tệ/tấn.
Chốt phiên giao dịch thứ Ba 23/7, giá quặng sắt trên Sàn giao dịch Đại Liên giảm xuống mức thấp nhất 6 phiên bởi nhu cầu chậm lại khi chính quyền áp đặt nhiều biện pháp hạn chế sản lượng hơn đối với các nhà sản xuất thép tại thành phố sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc - Đường Sơn, theo Hellenic Shipping News.
Giá quặng sắt giao tháng 9 giảm 1,7% xuống còn 880 nhân dân tệ/tấn (tương đương 127,86 USD/tấn). Ghi nhận con số này giảm 2,4% xuống 874 nhân dân tệ/tấn trong đầu phiên giao dịch.
Hiện tại, những lo ngại về nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất đầu vào lớn hơn các vấn đề về nguồn cung.
Các thành phàn tham gia thị trường cho biết sản lượng quặng sắt quí II của Vale SA giảm gần 34% so với năm trước, và giảm 12% so với quí trước xuống còn 64 triệu tấn, thấp hơn 10 triệu tấn so với ước tính của thị trường, theo ANZ.
Các nhà đầu tư thế giới đã cân nhắc về tác động của những biện pháp hạn chế sản xuất ngày càng thắt chặt hơn đối với ngành thép Trung Quốc, ANZ cho biết.
Đường Sơn đã tăng cường các biện pháp chống ô nhiễm bắt đầu từ ngày 21/7 cho đến ngày 31/7 khi chính quyền địa phương tìm cách đáp ứng các mục tiêu chất lượng không khí.
Các nhà máy thép có mức khí thải ở cấp độ A, mức sạch nhất trong hệ thống xả thải 4 cấp sẽ phải hạn chế 20% hoạt động sản xuất của họ trong giai đoạn này.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% giao cho Trung Quốc đã giảm 1,6% xuống 120 USD/tấn hôm 22/7, dữ liệu từ SteelHome cho thấy.
Giá quặng sắt giao ngay và giá quặng sắt kì hạn đạt mức cao nhất trong hơn 5 năm vào đầu tháng này do lo ngại về nguồn cung khi các nhà sản xuất hàng đầu Australia và Brazil thông báo giảm xuất khẩu trong năm 2019.
Giá than mỡ giảm 1,0% xuống còn 1.393,5 nhân dân tệ/tấn và giá than cốc giảm 0,4% xuống còn 2.154 nhân dân tệ/tấn, kéo dài thua lỗ trong phiên thứ ba liên tiếp.
Giá thanh cốt thép kỳ hạn trên sàn Thượng Hải tăng 0,1% lên 3.966 CNY/tấn, trong khi giá thép cuộn cán nóng sử dụng trong sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng tăng 0,5% lên 3.899 CNY/tấn.
Giá than luyện cốc tại Đại Liên giảm 1,1% xuống 1.392 CNY/tấn và than cốc giảm 0,2% xuống 2.158 CNY/tấn.
Xuất khẩu sắt thép 6 tháng mang về 2,24 tỷ USD
6 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu sắt thép tăng 22,1% về khối lượng, với 3,44 triệu tấn, đạt 2,24 tỷ USD, tăng 20,8% về lượng và hơn 4% về trị giá so với cùng kỳ.
Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2019 xuất khẩu sắt thép giảm trở lại sau 3 tháng tăng liên tiếp, đạt 504.212 tấn, trị giá 338 triệu USD.
Tính chung cả 6 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu sắt thép tăng 22,1% về lượng với 3,44 triệu tấn, đạt 2,24 tỷ USD, giá trung bình 647,4 USD/tấn.
Sắt thép của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, Mỹ và EU; trong đó thị trường Đông Nam Á chiếm 61% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của Việt Nam và chiếm 57,5% trong tổng kim ngạch, với 2,09 triệu tấn, tương đương 1,28 tỷ USD, tăng 31% về lượng, tăng 15,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Trong khối Đông Nam Á thì xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia với 882.000 tấn, tương đương 527,7 triệu USD, tăng mạnh 48,2% về lượng, tăng 37,5% về kim ngạch.
Xuất khẩu sang Indonesia 366.000 tấn, tương đương 245,28 triệu USD, chiếm 17,5% trong tổng lượng và chiếm 19,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép sang thị trường Đông Nam Á.
Xuất khẩu sắt thép sang Malaysia 373, 7 nghìn tấn, tương đương 230,76 triệu USD, chiếm 17,8% trong tổng lượng và chiếm 18% trong tổng kim ngạch, tăng 11,5% về lượng sang Đông Nam Á.
Đứng sau khối Đông Nam Á là thị trường Mỹ sụt giảm mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá, với mức giảm lần lượt là 35,1%, 40,6% và 8,4%, đạt 284.792 tấn, tương đương 223,2 triệu USD.
Xuất khẩu sắt thép sang thị trường EU cũng giảm 29,4% về lượng, giảm 42% về kim ngạch và giảm 17,8% về giá, đạt 204.375 tấn, tương đương 136,91 triệu USD. .
Tổng cục Hải quan nhận định, xuất khẩu sắt thép sang đa số các thị trường trong nửa đầu năm 2019 bị sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất sang Bangladesh sụt giảm mạnh nhất 81% cả về lượng và kim ngạch, đạt 1.106 tấn, tương đương 0,71 triệu USD; xuất sang Đức giảm 70,3% về lượng và giảm 78,6% về kim ngạch, đạt 359 tấn, tương đương 0,6 triệu USD; Anh giảm 68,6% về lượng và giảm 70,7% về kim ngạch, đạt 15.876 tấn, tương đương 11,81 triệu USD.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại tăng rất mạnh gấp 17,8 lần về lượng và tăng gấp 6,2 lần về kim ngạch, đạt 71.480 tấn, tương đương 36,69 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang một số thị trường cũng tăng mạnh trên 100% cả về lượng và kim ngạch như: Brazil, Nhật Bản, Saudi Arabia, Pakistan, Philippines.