Giá thép xây dựng tăng
Giá thép thanh giao tháng 1/2020 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 66 nhân dân tệ lên 3.708 nhân dân tệ/tấn vào lúc 11h30, ngày 25/11, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Giá quặng sắt tăng trở lại vào tuần trước khi các chuyên gia phân tích và nhà kinh doanh hướng đến những lợi ích khác và bỏ qua lợi nhuận, theo Share Cafe.
Chỉ số Fastmarkets của Metal Bulletin cho thấy giá quặng sắt hàm lượng 62% tăng 3% lên mức 88,06 USD/tấn vào thứ Sáu (22/11) trong khi giá quặng hàm lượng 65% đạt 100 USD/tấn lần đầu tiên sau nhiều tuần.
Giá quặng hàm lượng 65% tăng lên dưới áp lực từ các nhà máy Trung Quốc tìm kiếm quặng cao cấp để bù đắp các hạn chế sản xuất do cuộc chiến chống ô nhiễm trong mùa đông.
Giá quặng hàm lượng 62% giao cho miền bắc Trung Quốc kết thúc giao dịch tuần trước ở mức 85,04 USD/tấn, tăng 3,02 USD/tấn.
Con số này theo sau mức tăng gần 5 USD/tấn trong tuần trước đó.
Giá hiện tăng khoảng 10% trong hai tuần qua và hiện đang ở mức nhất 4 tuần.
Trong khi đó, trữ lượng quặng sắt trên 35 cảng của Trung Quốc tăng 1,12 triệu tấn so với tuần trước lên 115,51 triệu tấn vào ngày 22/11.
Tuy nhiên lượng quặng sắt tồn kho giảm 15,85 triệu tấn so với cùng kì năm 2018.
Gần 5 triệu tấn sắt, thép từ Trung Quốc được nhập về Việt Nam
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến cuối tháng 10 có hơn 12,24 triệu tấn sắt thép các loại được nhập khẩu vào Việt Nam với kim ngạch hơn 8,1 tỷ USD.
Trong đó, riêng lượng hàng nhập từ Trung Quốc vào khoảng 4,64 triệu tấn, tương ứng 2,95 tỷ USD.
Với số lượng này, Trung Quốc dẫn đầu về nguồn cung sắt thép nhập khẩu của Việt Nam, dù nhiều chính sách phòng vệ thương mại đã được Bộ Công Thương ban hành.
Từ cuối năm 2015, cơ quan này đã có quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Indonesia. Chính sách này mới được gia hạn 5 năm nữa, tức là tới hết tháng 10/2023.
Theo đó, mức thuế cao nhất được áp dụng với các sản phẩm nhập từ Đài Loan (Trung Quốc), lên tới 37,29%. Trong khi thép không gỉ từ Malaysia chịu thuế suất 11,09-22,69%; Indonesia là 10,91-25,06%. Sản phẩm xuất xứ Trung Quốc bị đánh thuế 17,94-31,85%.
Bộ Công Thương cũng ra quyết định chống bán phá giá với một số sản phẩm thép hợp kim, không hợp kim cán phẳng của Trung Quốc, Hàn Quốc và điều tra chống bán giá riêng với loại thép cán nguội (dạng cuộn hoặc tấm) nhập khẩu từ Trung Quốc.