Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giá thép xây dựng hôm nay 26/11: Lao dốc, chấm dứt đà tăng

(VOH) - Giá thép ngày 26/11 giảm mạnh trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Với thị trường trong nước, VDSC dự báo lượng bán trong nước có thể điều chỉnh trở lại mức bình thường trong tháng 11.

Giá thép thế giới giảm trở lại

Giá thép ngày 26/11, giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 77 nhân dân tệ xuống mức 4.174 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 8h30 (giờ Việt Nam).

Giá tháp xây dựng hôm nay 26/11/2021
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Giá thép xây dựng hôm nay 26/11: Lao dốc, chấm dứt đà tăng 2

Chỉ số sản xuất của Trung Quốc theo S&P Global Platts - một thước đo riêng về tiêu thụ thép, đã đạt 102 điểm trong tháng 10, giảm 13 điểm so với tháng 9 và giảm 6 điểm so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số này dựa trên dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho 17 mặt hàng sản xuất liên quan đến thép, được phân loại thành 7 lĩnh vực và được tính theo tỷ trọng tiêu thụ thép. Mức trung bình sản xuất hàng tháng trong năm 2018, là 100, được sử dụng để làm đường cơ sở.

Trong vài tuần gần đây, các mặt hàng sản xuất liên quan đến xây dựng đã bị ảnh hưởng nặng nề từ sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

Trong khi đó, triển vọng của lĩnh vực sản xuất hàng hóa liên quan đến tiêu dùng được cho là sẽ nhận được nhiều chính sách hỗ trợ hơn vào năm 2022.

Trong tháng 10, sản xuất máy móc kỹ thuật, thiết bị gia dụng và xe cộ có dấu hiệu chậm lại. Đây là tác nhân chính yếu dẫn đến sự sụt giảm của chỉ số sản xuất nêu trên.

Theo ghi nhận, sự sụt giảm nhu cầu thép sản xuất của Trung Quốc đã vượt xa tốc độ giảm sản lượng thép kể từ giữa tháng 10. Do đó, tỷ suất lợi nhuận bán hàng của thép cuộn cán nóng (HRC) trong nước đã giảm 64% so với đầu tháng 10 xuống còn 74 USD/tấn vào cuối tháng.

Giá quặng sắt tăng phiên thứ 5 liên tiếp, với hợp đồng ở Đại Liên lên mức cao nhất trong 3 tuần trong khi giá giao ngay tăng trên 100 USD/tấn, bởi tâm lý cải thiện trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,8% lên 611,50 CNY (95,74 USD)/tấn, sau khi chạm 629 CNY/tấn cũng trong phiên này, cao nhất kể từ ngày 2/11.

Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe tại Trung Quốc tăng lên 100,5 USD/tấn trong ngày 24/11, cũng mạnh nhất kể từ ngày 2/11, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.

Trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 12 tăng 1,4% lên 104,5 USD/tấn.

Tháng 11 dự báo lượng thép bán ra giảm

Lượng tiêu thụ nội địa tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái lên 928.700 tấn trong tháng 10, cao hơn đáng kể so với mức 636.000 tấn trong tháng 9. Tuy nhiên, VDSC cho rằng lượng bán trong nước có thể sẽ có sự điều chỉnh trở lại mức bình thường trong tháng 11.

Tổng tiêu thụ thép lũy kế 10 tháng tăng trưởng mạnh, chủ yếu nhờ lượng xuất khẩu cao ở cả tôn mạ và thép xây dựng.

Cụ thể, ngành thép (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép) sản xuất 17,4 triệu tấn thép, tiêu thụ 16,7 triệu tấn, trong đó xuất khẩu đạt 4,8 triệu tấn, tăng lần lượt 11,4%, 9,7% và 75,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, lượng xuất khẩu thép xây dựng và tôn mạ tăng lần lượt 55% và 110%.

Trong khi đó, do ngành xây dựng trong nước chậm lại, tiêu thụ thép xây dựng trong nước giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa cũng giảm 11,5% YoY.

Tiêu thụ thép trong tháng 10 tăng mạnh so với cùng kỳ do tiêu thụ nội địa phục hồi ở các mảng thép chính sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, đặc biệt ở miền Nam.

Ở mảng thép xây dựng, lượng tiêu thụ đã phục hồi khi cả lượng xuất khẩu và nội địa đều tăng trưởng cao. Lượng bán hàng đạt khoảng 1,2 triệu tấn, tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng khi đạt 252.600 tấn trong tháng 10. Tại thị trường nội địa, các nhà bán lẻ cố gắng tích trữ hàng tồn kho sau khi bị gián đoạn vận chuyển liên vùng trong những tháng trước. Bên cạnh đó, giá thép tăng thúc đẩy tâm lý tích trữ hàng của các nhà bán lẻ.

Do đó, lượng tiêu thụ nội địa tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái lên 928.700 tấn trong tháng 10, cao hơn đáng kể so với mức 636.000 tấn trong tháng 9. Tuy nhiên, VDSC cho rằng lượng bán hàng trong nước có thể sẽ có sự điều chỉnh trở lại mức bình thường trong tháng 11.

Mặc dù vậy, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng cuối quý III, tình hình bán hàng thép xây dựng quý IV dự kiến sẽ có triển vọng hơn. Xét thị trường tiêu thụ thép dài tại Việt Nam thì nhu cầu thực sự lớn cho công trình dân dụng và hạ tầng cơ sở, đặc biệt đầu tư công rất lớn.

Nhiu nước trong khối Asean khởi kiện thép Việt Nam

Tại buổi tọa đàm “Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững” diễn ra tại Hà Nội ngày 25-11, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, các vụ kiện phòng vệ thương mại không chỉ xảy ra ở những thị trường lớn như Mỹ, Canada, Australia, châu Âu… mà còn xảy ra ngày càng nhiều ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đối với thép xuất khẩu của Việt Nam. Điều này báo hiệu xu hướng trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể bị kiện phòng vệ thương mại ở bất cứ quốc gia nào.

Trong khi ASEAN đang chiếm 1/3 tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam. Trong 2 năm gần đây, tỷ lệ các nước khởi kiện Việt Nam chiếm hơn một nửa là Thái Lan, Malaysia, Indonesia…

Hiệp hội Thép Việt Nam đã đề nghị Hiệp hội Thép Đông Nam Á và hiệp hội thép của các nước trong khu vực cần giải quyết vấn đề tranh chấp, phòng vệ thương mại trong nội khối theo hướng ưu tiên giải pháp đối thoại và hòa giải.

Đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ đưa vấn đề hợp tác, tranh chấp thương mại lên chương trình nghị sự trong các hội nghị của ASEAN.

Bình luận