Giá thép xây dựng hôm nay 5/5/2020: Bật tăng mạnh khi Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất thép

(VOH) - Giá thép xây dựng ngày 5/5 tăng mạnh, các nhà máy thép tại Trung Quốc đang nhanh chóng thúc đẩy sản xuất và hi vọng sự kích thích của chính phủ sẽ phục hồi tiêu dùng.

Giá thép xây dựng thế giới tăng

Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 70 nhân dân tệ lên 3.367 nhân dân tệ/tấn vào lúc 9h30, ngày 5/5, giờ Việt Nam.

Giá thép xây dựng hôm nay 5/5/2020

Ảnh minh họa: internet

Các nhà máy thép tại Trung Quốc đang nhanh chóng thúc đẩy sản xuất với tỉ suất lợi nhuận tăng và hi vọng sự kích thích của chính phủ sẽ phục hồi tiêu dùng, bất chấp hàng tồn kho và nhu cầu thép trên toàn cầu giảm do đại dịch virus corona.

Trong khi các nhà máy ở Nhật Bản, Ấn Độ và châu Âu đang cắt giảm sản lượng, sản lượng thép thanh của Trung Quốc tăng mạnh trong những tuần gần đây.

Trung Quốc đã sản xuất 234,45 triệu tấn thép thô trong 3 tháng đầu năm, tăng 1,2% so với cùng kì năm trước.

Tỉ lệ sử dụng lò cao tại 247 nhà máy thép của Trung Quốc tăng 6 tuần liên tiếp từ mức dưới 74% vào giữa tháng 3 lên 80,59% vào ngày 24/4, đưa sản lượng thép thành phẩm hàng tuần lên mức cao nhất trong khoảng 4 tháng, theo dữ liệu của Mysteel.

Sản xuất thép thanh xây dựng tăng 43% kể từ giữa tháng 3 trong khi sản lượng thép dây tăng 31,6%. Sản lượng thép cuộn cán nguội và cán nóng tăng lần lượt 2,6% và 1,7%.

Việc gia tăng mạnh sản xuất thép thanh là nhờ kì vọng việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh sẽ thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động xây dựng vào cuối năm 2020.

Zhuo Guiqiu, chuyên gia phân tích của Jinrui Futures ước tính chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ tăng ít nhất 5,5% trong năm nay, có thể bù lại 4% mức giảm trong tiêu thụ thép trong lĩnh vực bất động sản.

Bắc Kinh đã phát hành 1,8 nghìn tỉ nhân dân tệ (255 tỉ USD) trái phiếu chính quyền địa phương, bao gồm 1,2 nghìn tỉ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt, để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm giúp khôi phục hoạt động kinh tế.

Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) dự kiến ngành xây dựng sẽ chiếm khoảng 58% nhu cầu thép trong năm nay, tăng từ mức 55%.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo nhu cầu cơ sở hạ tầng dù tăng nhưng có thể không đủ để bù đắp hoàn toàn sự sụt giảm nhu cầu từ các ngành khác.

Để bù đắp tổn thất trong lĩnh vực sản xuất, tăng trưởng cơ sở hạ tầng sẽ cần đạt 14%, theo ước tính của ông Zhuo.

Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc trong năm 2020 chỉ ở mức 6% so với 9,9% trong năm ngoái, cuộc khảo sát của Reuters hồi tháng 3 cho thấy.

Và tiêu thụ sản phẩm tấm, được sử dụng trong sản xuất, giảm 9 -10% so với năm 2019.

Việc phong tỏa những thị trường xuất khẩu chính của thép Trung Quốc dự kiến sẽ làm giảm nhu cầu đối với cả sản phẩm kim loại trung gian và hàng hóa thành phẩm như thiết bị gia dụng và máy móc.

Các nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới đã xuất xưởng 14,3 triệu tấn sản phẩm thép trong quí đầu tiên, giảm 16% so với năm ngoái.

Zhilu Wang từ Wood Mackenzie dự kiến tiêu thụ thép của Trung Quốc sẽ giảm 2,2% trong năm nay và xuất khẩu sản phẩm thép trực tiếp giảm xuống dưới 60 triệu tấn so với 64,29 triệu tấn trong năm 2019. Điều này là do các kho dự trữ thép thành phẩm đang ở mức cao nhất trong 6 năm.

Tiêu thụ thép quí 1 giảm

Trong quí I vừa qua, tiêu thụ thép ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu đều sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp lớn ngành thép vẫn ghi nhận kết quả hoạt động khả quan, tăng trưởng rõ rệt về lợi nhuận.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong quí I/2020 các doanh nghiệp đã sản xuất được gần 5,73 triệu tấn thép các loại, giảm 6% so với cùng kì 2019. Sản lượng tiêu thụ đạt 5,03 triệu tấn, giảm 12,4%. Trong đó, xuất khẩu thép các loại chỉ đạt 1,02 triệu tấn, giảm hơn 21%.

Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội để ngăn dịch COVID-19 lan rộng đã khiến cho hoạt động kinh tế nói chung và xây dựng nói riêng bị đình trệ không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới, dẫn tới nhu cầu thép sụt giảm.

Tác động của COVID-19 tới doanh nghiệp thép nhiều khả năng sẽ được thể hiện rõ ràng hơn trong kết quả kinh doanh quí II do thời gian giãn cách xã hội được áp dụng trong tháng 4 dài hơn trong tháng 3, các biện pháp cũng gắt gao hơn. Ví dụ, mọi công trình xây dựng tại Hà Nội bị tạm dừng trong đợt cao điểm phòng chống COVID-19 từ ngày 1/4 đến 15/4.

Sau khi các biện pháp hạn chế được gỡ bỏ, thị trường cũng cần thêm một khoảng thời gian mới có thể hồi phục hoàn toàn.

Giá thép xây dựng hôm nay 4/5/2020: Vụt tăng, giá quặng sắt có thể sẽ giảm trong dài hạn- Giá thép xây dựng ngày 4/5 bật tăng mạnh 70 nhân dân tệ , giá quặng sắt sẽ giảm trong những tháng tới vì đại dịch virus corona tác động tới nhu cầu.
Giá xăng dầu hôm nay 5/5/2020: Nhiều quốc gia nới lỏng lệnh phong tỏa, giá dầu tăng- Giá xăng dầu ngày 5/5 tiếp đà tăng 3% sau khi hàng loạt quốc gia tuyên bố nới lỏng lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tái bùng phát hạn chế đà tăng của giá ...
Bình luận