Chờ...

Giá xăng dầu hôm nay 1/8: Giá xăng sẽ vọt khỏi mốc 23.000đồng/lít

VOH - Giá xăng dầu ngày 1/8, giá dầu thô giảm sau khi lập đỉnh trong 3 tháng do nguồn cung toàn cầu thắt chặt và nhu cầu gia tăng. Giá xăng dầu trong nước chiều nay dự báo tăng mạnh.
Giá xăng dầu hôm nay 1/8/2023
Ảnh minh họa: Internet

Giá xăng dầu trong nước bật tăng chiều nay

Trong kỳ điều hành hôm nay (1/8), giá xăng được dự đoán có thể tăng 900-1.500 đồng/lít do giá dầu thế giới liên tục tăng những ngày qua.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho hay, do giá xăng dầu thế giới và giá xăng nhập gần đây có xu hướng đi lên nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành chiều nay nhiều khả năng tăng.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cũng ghi nhận giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở chu kỳ này tăng so với kỳ điều hành trước đó (ngày 21/7).

Theo đó, bình quân giá xăng RON92 (dùng để pha chế xăng E5) tại Singapore cập nhật từ 24-26/7 là 99,12 USD/thùng, bình quân giá xăng RON 95 là 104,8 USD/thùng. Trong khi ở chu kỳ trước, bình quân giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore là 93,12 USD/thùng, giá xăng RON95 là 98,92 USD/thùng.

Như vậy, so với chu kỳ trước, bình quân giá xăng RON92 tăng 6 USD/thùng, bình quân giá xăng RON95 tăng 5,88 USD/thùng. Tương tự, bình quân giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật từ ngày 24-26/7 cũng tăng so với chu kỳ trước.

Nếu cơ quan quản lý không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể tăng ở mức 920-1.320 đồng/lít. Còn giá các loại dầu có khả năng tăng ở mức thấp hơn, từ 510-1.020 đồng/lít.

Trong trường hợp liên Bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ bình ổn, giá bán lẻ xăng dầu trong nước vào chiều nay có thể tăng mạnh hơn.

Giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/7 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Giá bán lẻ xăng dầu ngày 1/8/2023

Đơn vị: đồng

Giá xăng dầu hôm nay 1/8: Giá xăng sẽ vọt khỏi mốc 23.000đồng/lít 2

Giá xăng dầu thế giới giảm

Giá xăng dầu ngày 1/8, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,16% xuống 81,66 USD/thùng vào lúc 7h30 (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 10 giảm 0,07% xuống 85,25 USD/thùng.

Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h30 ngày 31/7/2023

Giá xăng dầu hôm nay 1/8: Giá xăng sẽ vọt khỏi mốc 23.000đồng/lít 3

Chốt phiên giao dịch ngày 31/7, giá dầu thô Brent giao tháng 10 tăng 1,2% lên 85,43 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,5% lên 81,8 USD.

Cả hai loại dầu đều lên cao nhất kể từ cuối tháng 4 và là phiên tăng thứ 3 liên tiếp sau khi xác lập chuỗi tăng 5 tuần vào tuần trước.

Giá dầu thô tăng lên cao nhất 3 tháng và ghi nhận tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2022, nhờ những tín hiệu nguồn cung toàn cầu thắt chặt và nhu cầu gia tăng trong những tháng còn lại của năm.

Arab Saudi dự kiến ​​sẽ kéo dài kế hoạch giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày thêm một tháng nữa sang tháng 9.

Sản lượng của Arab Saudi đã giảm 860.000 thùng/ngày trong tháng 7, trong khi tổng sản lượng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu  Dầu mỏ (OPEC) giảm 840.000 thùng/ngày, một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy.

Nhà phân tích Edward Moya của OANDA cho biết giá dầu thô đã kết thúc một tháng vững chắc ở mức cao nhờ triển vọng nhu cầu vẫn ấn tượng và không ai nghi ngờ việc OPEC+ sẽ giữ thị trường chặt chẽ.

Dự trữ dầu cũng đang bắt đầu giảm ở những nơi khác, đặc biệt là ở Mỹ, nơi chính phủ đã bắt đầu bổ sung kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) sau khi tồn kho xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Các nhà phân tích ước tính trung bình tồn kho dầu thô của Mỹ giảm khoảng 900.000 thùng trong tuần tính đến ngày 28/7.

Phil Flynn, nhà phân tích của Price Futures Group, cho biết sau khi kết thúc đợt phát hành SPR và lo ngại suy thoái kinh tế cũng như tình trạng cạn kiệt thanh khoản do rủi ro về sự ổn định của ngân hàng, khiến thị trường bỏ qua tình trạng siết chặt nguồn cung sắp xảy ra, tình trạng thâm hụt nguồn cung sắp tới đang trở nên quá lớn để có thể bỏ qua.

Đà tăng của giá dầu sẽ tiếp tục khi Chính phủ Trung Quốc tăng cường các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế.

Giới chuyên gia nhận định, thiếu hụt nguồn cung vẫn là nhân tố khiến giá dầu tăng trong thời gian tới.

Các chuyên gia phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho hay, giá dầu đã tăng 18% kể từ giữa tháng 6 do nhu cầu cao kỷ lục và việc Saudi Arabia cắt giảm sản lượng khiến nguồn cung bị thâm hụt.

Goldman Sachs ước tính, nhu cầu dầu toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục 102,8 triệu thùng/ngày trong tháng 7. Nhu cầu mạnh hơn khiến nguồn cung dầu sẽ thiếu hụt vào nửa cuối năm nay, ở mức trung bình 1,8 triệu thùng/ngày và giảm xuống còn 0,6 triệu thùng/ngày trong năm 2024.