Giá xăng dầu trong nước hôm nay
Ngày 11/3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8/3 tăng mạnh so với kỳ tính giá trước.
Cụ thể, bình quân xăng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON 92) là 133,83 USD/thùng; xăng RON 95 là 135,49 USD/thùng; dầu diesel 143,55 USD/thùng.
Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước ở mức 111,345 USD/thùng xăng RON 92; 114,207 USD/thùng xăng RON 95 và 112,658 USD/thùng dầu diesel.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết sau ngày 1/3 dầu thô biến động rất mạnh, có thời điểm tăng vọt và sát ngưỡng 140 USD/thùng. Theo đó, kỳ điều hành ngày 11/3, giá xăng, dầu sẽ tăng mạnh ở mức 3.000-3.300 đồng/lít. Đáng chú ý, dầu diesel có thể tăng gần 4.000 đồng/lít.
Nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng vẫn tăng cao. Bởi hiện nay số dư Quỹ bình ổn giá đang ở mức thấp, hiện chỉ còn khoảng 620 tỷ đồng.
Tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn, số dư quỹ này đang ở mức âm như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nặng nhất với 827,19 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm 158 tỷ đồng.
Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 7 liên tiếp, chạm mốc 30.000 đồng/lít và là đợt tăng thứ 6 trong năm 2022.
Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước có 5 đợt tăng liên tiếp. Hiện, giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Giá bán lẻ xăng dầu ngày 10/3/2022
Đơn vị: đồng
Giá xăng dầu thế giới hôm nay tăng
Sự chậm trễ trong việc kết thúc các cuộc đàm phán hạt nhân Iran và sự “khan” dầu đã đẩy giá dầu trong phiên giao dịch tuần mới “leo dốc” hơn 10 USD.
Theo oilprice, lúc 6 giờ 20 phút (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 126,4 USD/thùng, tăng 10,45 USD, tương đương 9,03%.
Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức kỷ lục mới 129,9 USD/thùng, tăng 9,96%, tương đương 11,76 USD.
UAE và Arab Saudi thuộc số ít thành viên OPEC còn dư địa sản lượng để tăng. Mỹ đã kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ tăng cung nếu có thể.
OPEC tăng cung có thể bù đắp phần nào thiếu hụt gây ra do gián đoạn từ Nga, sau khi nước này bị phương Tây áp trừng phạt liên quan chiến sự ở Ukraine.
“Sản lượng tăng thêm đó không ý nghĩa gì. UAE có thể đưa thêm 800.000 thùng ra thị trường rất nhanh, thậm chí ngay lập tức, nhưng chỉ thay thế được 1/7 nguồn cung từ Nga”, Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho, nhận định.
OPEC thay đổi quan điềm trong tuần này khi Tổng thư ký Mohammed Barkindo nói nguồn cung ngày càng tụt lại phí sau lực cầu. Tuần trước, OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, cho rằng giá dầu tăng vì yếu tố địa chính trị hơn là thiếu cung, quyết định không tăng thêm sản lượng. OPEC+, trong đó có Nga, đặt mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng và từ chối lời kêu gọi từ Mỹ cũng như nhiều quốc gia tiêu thụ dầu khác.
Reuters đưa tin, các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc thế giới đã bị sa lầy hôm 6-3 sau khi Nga yêu cầu Mỹ đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt mà nước này phải đối mặt trong cuộc xung đột Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến thương mại của họ với Tehran.
Đáp lại yêu cầu của Nga, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các lệnh trừng phạt của nước này áp đặt lên Nga không liên quan gì đến một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng với Iran.
Tập đoàn Eurasia cho biết, các yêu cầu mới của Nga có thể làm gián đoạn các cuộc đàm phán hạt nhân mặc dù tỷ lệ thành công của cuộc đàm phán ở mức 70%.