Chờ...

Giá xăng dầu hôm nay 9/3: xăng có thể lại tăng vào ngày mai 10/3

(VOH) - Giá xăng dầu thế giới  9/3 tăng sau khi leo thang khoảng 4% khi Mỹ cấm nhập khẩu dầu của Nga . Giá xăng dầu trong nước có thể tăng lên 30.000 đồng/lít vào ngày mai 10/3.

Giá xăng có thể tăng lên 30.000 đồng/lít vào ngày mai

Trước cơn biến động của  giá dầu, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP HCM dự báo giá xăng trong nước trong kỳ điều hành ngày mai (10/3) sẽ tăng khoảng 2.100-2.400 đồng/lít và tiến sát mốc 30.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu hôm nay 9/3/2022
Ảnh minh họa: internet

Tuần vừa qua, giá dầu thế giới liên tục biến động mạnh sau khi chứng kiến căng thẳng Nga – Ukraine leo thang và các lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây lên Nga. Đỉnh điểm vào sáng 7/3, giá dầu bất ngờ tăng vọt lên mức 139 USD/thùng, theo Zing.

Westbeck Capital Management dự đoán sự suy giảm kéo dài đối với xuất khẩu dầu của Nga cùng với nhu cầu lao dốc có thể sẽ đẩy giá dầu lên khoảng 150-175 USD/thùng, thậm chí có thể vượt quá 200 USD/thùng, gần gấp đôi mức giá hiện tại, theo Bloomberg.

Hiện, giá dầu đã tăng 60% kể từ đầu năm 2022 tới nay, làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lạm phát sau giai đoạn đình trệ vì dịch COVID-19.

Theo Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 3/3 tăng hơn 10% so với ngày 1/3 ở mức 130,51 USD/thùng đối với xăng RON 92, xăng RON 95 133,35 USD/thùng...

Ông Bùi Xuân Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) cũng cho rằng giá dầu thô thế giới đang tăng chóng mặt, trung bình giá tăng 10 USD/thùng trong khi đó cơ quan điều hành vẫn điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/lần.

"Chính vì vậy, kỳ điều hành giá tiếp theo vào ngày 10/3, giá xăng sẽ tăng rất mạnh, ở mức hơn 2.000 đồng/lít, còn dầu hơn 1.000 đồng/lít", ông nói.

Theo ông Vũ, sau kỳ điều hành tăng ngày 1/3, tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xăng dầu không mấy khả quan vì đang phải "gồng" lỗ 1.000-2.000 đồng/lít khi giá nhập bằng giá bán lẻ, chiết khấu thấp, thậm chí âm lại phải bù thêm nhiều chi phí vận chuyển, mặt bằng, lương nhân viên...

"Những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo hệ thống như SFC có đầu mối cung cấp ổn định, do đó nguồn hàng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân", ông nói thêm.

Nhiều doanh nghiệp đề xuất cơ quan điều hành cần linh hoạt rút ngắn thời gian điều chỉnh giá cho phù hợp với diễn biến thị trường thế giới.

Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước có 5 đợt tăng liên tiếp. Hiện, giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Giá bán lẻ xăng dầu ngày 9/3/2022

Đơn vị: đồng

Giá xăng dầu hôm nay 9/3: Giá xăng có thể tăng lên 30.000 đồng/lít vào ngày mai 10/3 2

Giá xăng dầu thế giới tăng

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,81% lên 125,72 USD/thùng vào lúc 7h00 (giờ Việt Nam) ngày 9/3. Giá dầu thô Brent giao tháng 5 tăng 0,09% lên 129,3 USD/thùng.

Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h00 ngày 9/3/2022

Giá xăng dầu hôm nay 9/3: Giá xăng có thể tăng lên 30.000 đồng/lít vào ngày mai 10/3 3

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba (9/3), giá dầu Brent giao sau tăng 3,9% lên 127,98 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 3,6% lên 123,70 USD/thùng.

Nga xuất khẩu từ 7 - 8 triệu thùng dầu thô và nhiên liệu/ngày cho các thị trường toàn cầu, theo Reuters.

Giá dầu đã tăng hơn 30% kể từ khi căng thẳng Nga – Ukraine, Mỹ và các nước khác áp đặt 1 loạt các lệnh trừng phạt. Các lệnh trừng phạt đã ngăn cản xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, ngay cả trước khi có lệnh cấm.

Tổng thống Mỹ, Joe Biden đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và các năng lượng khác của Nga. Trong khi Anh cho biết sẽ loại bỏ dần nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm 2022, giúp thị trường và doanh nghiệp có thời gian tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Các nhà phân tích và công ty tư vấn Rystad Energy có trụ sở tại Oslo cho biết, lệnh cấm nhập khẩu có thể khiến giá dầu toàn cầu tăng lên 200 USD/thùng. Trước khi lệnh cấm của Mỹ được công bố, Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent cho năm 2022 lên 135 USD/thùng từ mức 98 USD/thùng và triển vọng năm 2023 lên 115 USD/thùng từ mức 105 USD/thùng, nền kinh tế thế giới có thể đối mặt với "cú sốc nguồn cung năng lượng lớn nhất từ trước đến nay" vì vai trò chủ chốt của Nga.

Nguồn cung từ Iran được dự báo không sớm trở lại thị trường khi đàm phán hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc có dấu hiệu chững lại.

Trong khi đó, giám đốc công ty dầu khí quốc gia Libya National Oil Corp cho biết nước này hiện sản xuất 1,3 triệu thùng/ngày và sẽ đạt 1,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm.

Số liệu ước tính từ Viện dầu mỏ Mỹ cho thấy tồn kho tại Mỹ tăng 2,8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 4/3. Số liệu chính thức sẽ được Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm nay.