Chờ...

Giá xăng dầu hôm nay 11/3: Giá trong nước tăng, giá thế giới trái chiều

(VOH) Các doanh nghiệp dự kiến giá xăng, dầu ngày 11/3 có thể tăng hơn 3.000 đồng/lít. Giá dầu thô thế giới biến động trái chiều sau phiên giảm mạnh nhất 2 năm do lo ngại về gián đoạn nguồn cung gỉam.

Giá xăng dầu thế giới hôm nay

Giá xăng dầu ngày 11/3, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 1,49% lên 107,4 USD/thùng vào lúc 7h00 (giờ Việt Nam). Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 5 giảm 0,16% xuống 109,02 USD/thùng.

Giá xăng dầu hôm nay 11/3/2022
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h00 ngày 11/3/2022

Giá xăng dầu hôm nay 11/3: Giá trong nước tăng mạnh vào chiều nay, giá thế giới trái chiều 2

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm (10/3), giá dầu Brent giao sau giảm 1,6% xuống 109,33 USD/thùng sau khi tăng tới 6,5% vào đầu phiên. Giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 2,5% xuống 106,02 USD/thùng, loại bỏ hoàn toàn mức tăng hơn 5,7% trong ngày.

Đà giảm tiếp tục trong phiên giao dịch muộn với giá dầu Brent xuống còn 109,09 USD và dầu WTI giảm còn 105,79 USD.

Thị trường dầu biến động mạnh nhất hai năm sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Ngày 9/3, giá dầu Brent có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Hai phiên trước đó, giá dầu Brent lên đỉnh 14 năm hơn 139 USD/thùng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp rằng nước này, nhà sản xuất năng lượng lớn cung cấp 1/3 lượng khí đốt cho châu Âu và 7% lượng dầu toàn cầu, sẽ tiếp tục đáp ứng các nghĩa vụ theo hợp đồng về cung cấp năng lượng.

Tuy nhiên, dầu từ nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới đang bị cô lập vì cuộc tấn công bào Ukraine, và nhiều người không chắc nguồn cung thay thế sẽ đến từ đâu.

Trong khi đó bình luận từ các quan chức Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã gửi đi những tín hiệu trái chiều, làm tăng thêm sự biến động.

Thông tin từ Saudi Arabia và các nước UAE cho biết, các nhà lãnh đạo nước này từ chối điện đàm cho Tổng thống Mỹ Joe Biden về thị trường dầu cũng củng cố đà tăng.

Tuy vậy, giá bắt đầu chịu áp lực khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết họ đang lên kế hoạch để cắt giảm giá xăng dầu.

Ngày 9/3, đại sứ UAE tại Washington cho biết nước này sẽ thúc giục OPEC cân nhắc tăng sản lượng cao hơn. OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, đang tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng. Tuy nhiên, liên minh hiện chỉ có Arab Saudi và UAE còn dư địa sản lượng, một số thành viên đang chật vật để đạt mục tiêu khai thác do thiếu đầu tư vào hạ tầng dầu mỏ vài năm qua.

Mỹ có thể nới lỏng trừng phạt với dầu từ Venezuela và nỗ lực đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran để giúp thế giới có thêm dầu. Thị trường cũng kỳ vọng Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) điều phối xả kho và sản lượng từ Mỹ tăng.

Dù vậy, nhà đầu tư không cho rằng dầu sắp dừng tăng giá. Một số nhận định giá dầu giảm chủ yếu do xu hướng chốt lời.

Giá xăng dầu trong nước hôm nay

Chiều nay 11/3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8/3 tăng mạnh so với kỳ tính giá trước.

Cụ thể, bình quân xăng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON 92) là 133,83 USD/thùng; xăng RON 95 là 135,49 USD/thùng; dầu diesel 143,55 USD/thùng.

Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước ở mức 111,345 USD/thùng xăng RON 92; 114,207 USD/thùng xăng RON 95 và 112,658 USD/thùng dầu diesel.

Trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết sau ngày 1/3 dầu thô biến động rất mạnh, có thời điểm tăng vọt và sát ngưỡng 140 USD/thùng. Theo đó, kỳ điều hành ngày 11/3, giá xăng, dầu sẽ tăng mạnh ở mức 3.000-3.300 đồng/lít. Đáng chú ý, dầu diesel có thể tăng gần 4.000 đồng/lít.

Nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng vẫn tăng cao. Bởi hiện nay số dư Quỹ bình ổn giá đang ở mức thấp, hiện chỉ còn khoảng 620 tỷ đồng.

Tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn, số dư quỹ này đang ở mức âm như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nặng nhất với 827,19 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm 158 tỷ đồng.

Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 7 liên tiếp, chạm mốc 30.000 đồng/lít và là đợt tăng thứ 6 trong năm 2022.

Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước có 5 đợt tăng liên tiếp. Hiện, giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Giá bán lẻ xăng dầu ngày 11/3/2022

Đơn vị: đồng

Giá xăng dầu hôm nay 11/3: Giá trong nước tăng mạnh vào chiều nay, giá thế giới trái chiều 3