Giá xăng dầu hôm nay 29/4: Giảm nhẹ, nhưng vẫn trên 100 USD/thùng

(VOH) - Giá xăng dầu ngày 29/4 giảm nhẹ sau khi tăng mạnh do khả năng Đức sẽ cấm nhập khẩu dầu Nga và quyết định cắt nguồn cung khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan của Nga.

Giá xăng dầu thế giới giảm

Giá xăng dầu ngày 29/4, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,43% xuống 104,91 USD/thùng vào lúc 6h30 (giờ Việt Nam). Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 7 ổn định ở 107,22 USD/thùng.

Giá xăng dầu ngày 29/4/2022
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 6h30 ngày 29/4/2022

Giá xăng dầu hôm nay 29/4: Giảm nhẹ,  nhưng vẫn trên 100 USD/thùng 2

Chốt phiên giao dịch thứ Năm (28/4), giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng 2,27 USD lên 107,59 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 3,34 USD lên 105,36 USD.

Giá dầu thô tăng vì khả năng Đức sẽ cùng tham gia với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác để cấm vận dầu Nga - điều có thể thắt chặt nguồn cung toàn cầu hơn nữa.

Tuy nhiên, theo ông Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch, quyết định rõ ràng của Đức về thông qua lệnh trừng phạt dầu của Nga có vẻ sẽ mất nhiều thời gian.

Đức phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu năng lượng của Nga và đã phản đối lệnh cấm hoàn toàn.

Trước khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, dầu của Nga chiếm khoảng 1/3 nguồn cung của Đức. Một tháng trước, ông Habeck cho biết nước này đã giảm phụ thuộc vào dầu của Nga xuống còn 25% lượng nhập khẩu.

John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, nhận định kết quả của điều này là dầu từ thế giới tự do sẽ đắt hơn và dầu Iron Curtain của Đức sẽ giảm sâu hơn nữa về giá trị và sẽ được chiết khấu nhiều hơn.

Giá dầu tăng giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan, đồng thời các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc làm tăng triển vọng nhu cầu nhiên liệu.

Moscow đã bắt đầu sử dụng xuất khẩu năng lượng như một công cụ đáp trả phản ứng của Mỹ và các đồng minh.

Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria và đang cố gắng thúc đẩy EU áp dụng hệ thống thanh toán khí đốt mới của mình, gồm việc mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank, nơi các khoản thanh toán bằng euro hoặc USD sẽ được chuyển thành rúp.

Sản lượng dầu của Nga có thể giảm tới 17% trong năm 2022, khi nước này phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây, theo Reuters.

Cùng ngày, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo sẽ tăng cường hỗ trợ các chính sách tiền tệ thận trọng để hỗ trợ nền kinh tế khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chạy đua để dập dịch COVID-19 sắp bùng phát ở thủ đô, nhằm ngăn chặn tình trạng phong tỏa tương tự xảy ra ở Thượng Hải trong một tháng. Bất kỳ biện pháp kích thích kinh tế nào cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ.

Công ty dữ liệu du lịch OAG có trụ sở tại Anh cho hay, bất chấp thị trường hàng không Trung Quốc ngừng hoạt động một thời gian dài, nhu cầu bay nội địa của thị trường hàng không lớn nhất châu Á vẫn phục hồi, qua đó thúc đẩy năng lực hàng không toàn cầu lên mức cao nhất từ đầu năm 2022 đến nay.