Giá xăng dầu hôm nay 29/9: Giảm mạnh sau khi vượt mốc 80 USD/thùng lần đầu tiên trong 3 năm

(VOH) - Giá xăng dầu ngày 29/9 giảm mạnh sau khi dầu thô Brent vượt 80 USD/thùng lần đầu tiên trong 3 năm, thúc đẩy các nhà đầu tư bán chốt lời.

Giá xăng dầu thế giới hôm nay

Giá xăng dầu ngày 29/9, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 1,21% xuống 74,38 USD/thùng vào lúc 7h00 (giờ Việt Nam). Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 12 không biến động ở 77,45 USD/thùng.

Giá xăng dầu hôm nay 29/9/2021
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h00 ngày 29/9/2021

Giá xăng dầu hôm nay 29/9: Giảm mạnh sau khi vượt mốc 80 USD/thùng lần đầu tiên trong 3 năm 2

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba (28/9), giá dầu Brent giảm 0,6% xuống 79,09 USD/thùng, sau khi lên cao nhất kể từ tháng 10/2018 là 80,75 USD.

Giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,2% xuống 75,29 USD/thùng. Trong phiên có thời điểm giá lên tới 76,67 USD, mức cao nhất kể từ tháng 7.

Giá dầu thô biển Bắc đã vượt qua mốc 80 USD/thùng do có nhiều dấu hiệu cho thấy cầu đang vượt quá cung, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đứng trước 1 cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng.

Giá dầu Brent có phiên tăng thứ 6 liên tiếp, chạm mốc cao nhất kể từ tháng 10/2018, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI cũng tăng nhiều phiên liên tiếp

Thị trường cũng phải đối mặt với những khó khăn từ cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.

"Việc phân bổ năng lượng gần đây cho các ngành công nghiệp ở Trung Quốc để giảm lượng khí thải có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, theo đó có khả năng bù đắp việc sử dụng dầu diesel ngày càng nhiều trong sản xuất điện", ngân hàng đầu tư Barclays cho biết.

Theo Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp tại Rystad Energy, một số nhà đầu tư lo ngại rằng "bong bóng" nhà đất Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này và do đó ảnh hưởng tới nhu cầu dầu mỏ. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.

Cùng ngày, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng mạnh trong vài năm tới khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, đồng thời cho biết thêm, thế giới cần tiếp tục đầu tư vào sản xuất để ngăn chặn khủng hoảng ngay cả khi nó đang chuyển đổi sang các dạng năng lượng sạch hơn.

Một số thành viên của nhóm các nhà sản xuất OPEC+, gồm cả Nga và một số quốc gia khác, đã giảm sản lượng trong thời gian xảy ra đại dịch và đang gặp khó khăn trong việc tăng cường để đáp ứng nhu cầu đang phục hồi.

Các nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu của châu Phi là Nigeria và Angola sẽ phải chật vật ít nhất cho đến năm sau để tăng sản lượng lên mức hạn ngạch do OPEC đặt ra, Reuters dẫn nguồn tin tại các công ty dầu cho biết.

Nguồn cung dầu thô của Mỹ bị gián đoạn do các cơn bão lớn liên tiếp gần đây gây ảnh hưởng kéo dài hơn dự kiến, đúng vào thời điểm nhu cầu tăng lên do các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 được nới lỏng nhờ tiến độ tiêm vacxin Covid-19.