Giá xăng dầu hôm nay 30/5: Giá xăng có thể vượt mốc 31.000 đồng/lít vào ngày 1/6

(VOH) – Giá xăng  dầu thô tiếp đà tăng  khi EU không thông qua được lệnh cấm vận đối với đầu thô Nga vào cuối tuần. Giá xăng trong nước có thể vượt mốc 31.000 đồng/lít vào ngày 1/6.

Giá xăng trong nước có thể vượt mốc 31.000 đồng/lít

Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu dự báo giá xăng trong nước ở kỳ điều chỉnh ngày 1/6 sẽ tiếp tục tăng lần thứ 5 liên tiếp, RON 95 có thể vượt mốc 31.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu ngày 30/5/2022
Ảnh minh họa: internet

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 27/5 tiếp tục tăng. Cụ thể, xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 có giá 146,08 USD/thùng, còn xăng RON 95 là 154, 26USD/thùng, cùng tăng 4,3 USD/thùng so với ngày 23/5.

Tương tự, giá dầu hỏa và dầu diesel cũng tăng 9 USD/thùng và 11 USD/thùng, lần lượt ở mức 146,43 USD/thùng và 149,49 USD/thùng. Riêng dầu mazut giảm 7,5 USD/thùng xuống còn 652,59 USD/tấn.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết giá xăng trong nước đang âm so với giá xăng thế giới ở mức khá cao, với RON 95 lỗ khoảng 850 - 950 đồng/lít. Còn xăng E5 RON 92 cũng đang âm khoảng 250 - 350 đồng/lít, dầu diesel cũng âm 600 - 700 đồng/lít, theo báo Dân trí.

Dự báo giá xăng trong nước ở kỳ điều chỉnh ngày 1/6 sẽ tiếp tục tăng lần thứ 5 liên tiếp, giá xăng RON 95 có thể vượt mốc 31.000 đồng/lít.

Ở kỳ điều hành ngày 23/5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Giá bán lẻ xăng dầu ngày 30/5/2022

Đơn vị: đồng

Giá xăng dầu hôm nay 30/5: Giá xăng trong nước có thể vượt mốc 31.000 đồng/lít vào ngày 1/6 2

Giá xăng dầu thế giới tăng

Giá xăng dầu ngay 30/5, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,47% lên 115,61 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 8 cũng tăng 0,64% lên 116,07 USD/thùng.

Bảng giá xăng dầu thế giới ngày 30/5/2022

Giá xăng dầu hôm nay 30/5: Giá xăng trong nước có thể vượt mốc 31.000 đồng/lít vào ngày 1/6 3

Giá “vàng đen” tuần trước đã tăng với Brent tăng 6% và WTI tăng 1,5% do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung bởi người mua vẫn “tránh” dầu Nga, lo lắng về một cuộc suy thoái xảy ra với triển vọng nhu cầu nhiên liệu cao hơn trong mùa lái xe mùa hè của Mỹ, và kế hoạch mở cửa trở lại của trung tâm tài chính Thượng Hải (Trung Quốc).

Oilprice cho biết, giá dầu đã leo dốc một phần bởi tồn kho xăng và dầu của Mỹ tiếp tục giảm trong khi không có bất kỳ bước đột phá nào để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran nhằm tiếp dầu Iran cho thị trường dầu thế giới đang ngày một thắt chặt hơn.

Nhiều nhà phân tích đã dự đoán một đợt tăng khác của giá dầu vào mùa hè này, và giá dầu có thể chạm mức 140 USD/thùng.

Mọi con mắt đang đổ dồn vào Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu diễn ra vào ngày 30 và 31-5 tại Brussels, Bỉ để xem liệu các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể tìm được tiếng nói chung về các biện pháp trừng phạt Nga hay không.

Cho đến nay, gói trừng phạt thứ 6 của EU vẫn chưa được thông qua bởi trở ngại chính mang tên Hungary. Nước này cho rằng lệnh cấm vận dầu Nga, một phần của gói trừng phạt thứ 6, sẽ là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Hungary vì nước này không thể dễ dàng lấy dầu từ nơi khác. Slovakia và Cộng hòa Séc cũng bày tỏ quan ngại tương tự.

Để phá vỡ thế bế tắc, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất lệnh cấm chỉ áp dụng đối với dầu của Nga do tàu chở dầu đưa vào EU, và Hungary, Slovakia và Séc vẫn có thể tiếp tục nhận dầu từ Nga qua đường ống Druzhba của Nga trong một thời gian cho đến khi có thể tìm được nguồn cung thay thế. Động thái mới này nhằm trì hoãn các biện pháp trừng phạt đối với dầu Nga được vận chuyển bằng đường ống dẫn dầu, đồng thời giúp EU giành chiến thắng trước Hungary và các quốc gia thành viên không giáp biển.

Những tưởng rằng đề xuất mới này sẽ nhanh chóng được thông qua tại cuộc gặp của EU ngày 29-5, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, nhưng EU đã thất bại, theo Reuters. Nhưng các nhà ngoại giao châu Âu vẫn sẽ cố gắng hết sức để đạt được tiến bộ tại Hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ bắt đầu chiều hôm nay (30-5).

Theo nguồn tin của Reuters, Budapest ủng hộ đề xuất này, nhưng các cuộc đàm phán hôm 29-5 gặp khó khăn về nguồn tài chính, vì Hungary muốn tăng công suất đường ống dẫn dầu từ Croatia và chuyển các nhà máy lọc dầu của họ từ sử dụng dầu thô Urals của Nga sang dầu thô Brent.