Mở cửa lại chợ, tăng điểm bán hàng đang phát huy hiệu quả

(VOH) - Việc nhiều chợ truyền thống tại TPHCM mở cửa trở lại,  tăng điểm bán hàng đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân.

Những ngày qua, một số chợ truyền thống sau thời gian tạm ngưng hoạt động đã mở cửa lại. Đồng thời, một số địa phương tổ chức thêm các điểm bán hàng cũng đã giải quyết bài toán lương thực, ổn định tâm lý cho người dân.

Thông tin từ Sở Công Thương TPHCM, tính đến ngày 22/7, thành phố có 32 chợ truyền thống đang hoạt động. Chẳng hạn như, Quận 5 có chợ Nguyễn Tri Phương, chợ An Đông; Quận 11 có chợ Bình Thới, chợ Phú Thọ; quận Bình Tân có chợ Kiến Thành; Quận 12 có chợ Ba Bầu; Huyện Bình Chánh có chợ Tân Đoàn Việt, chợ Bà Lát, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A và chợ Qui Đức; Huyện Hóc Môn có chợ Hóc Môn.

>> Danh sách các chợ đang hoạt động ở các quận, huyện TPHCM

chợ truyền thống, bán hàng bình ổn
Các tiểu thương chợ truyền thống tự trang bị biện pháp phòng dịch.

Tại chợ ngã Ba Bầu (chợ Tân Chánh Hiệp cũ - Quận 12), 50 tiểu thương tham gia bán hàng thiết yếu và trung bình một ngày có 500 lượt người vào mua sắm. Bà Lương Thị Trang Nhung - Trưởng ban quản lý chợ ngã Ba Bầu cho biết, để tiện mua - bán, chợ đã yêu cầu tiểu thương ghi điện thoại trên các gian hàng, nếu khách cần mua thêm hàng hóa thì sẽ tự liên hệ tiểu thương để đặt mua và nhận hàng tại nhà.

Hiện nay, xung quanh khu vực phường Tân Chánh Hiệp có nhiều cửa hàng thực phẩm nhưng việc mở lại chợ truyền thống đã chia sẻ bớt gánh nặng quá tải cho các cửa hàng này và góp phần ổn định giá cả thị trường.

Theo bà Lương Thị Trang Nhung: “Nếu như các chợ truyền thống bảo đảm thì nên để cho mở cửa. Thứ nhất, tâm lý người dân sẽ không bị người xấu tác động. Thứ hai, người dân không phải mất công đi xa để mua hàng hóa, không phải tập trung đông mua hàng”.

Với mục tiêu không để người dân thiếu thốn thực phẩm, bình ổn giá thị trường, một số địa phương còn tạo điều kiện cho các tiểu thương tổ chức gian hàng trên các tuyến đường lớn để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

bán hàng bình ổn, chợ truyền thống
Điểm bán hàng bình ổn trong khu dân cư An Sương, phường Tân Hưng Thuận (Quận 12) 

Ở những địa bàn xa trung tâm như quận 12, hai phường Tân Thới Nhất và Tân Hưng Thuận đã mở các điểm bán hàng như vậy. Phường Tân Thới Nhất, địa phương sử dụng vỉa hè trên  đường Dương Thị Giang, thuộc Khu phố 4, mở 20 gian hàng bán các nhu yếu phẩm vào ngày 18/7.

Chị Lê Thúy Tiên và chị Lâm Thanh Thy, tới “chợ” mua hàng chia sẻ, chợ có bán đủ các mặt hàng thịt, cá, rau củ, giá cả niêm yết rõ ràng và tổ chức bài bản nên chỉ mất 15 phút mua hàng. Theo các chị, việc mua hàng tại chợ khá ổn bởi đại diện của phường đứng đôn đốc, nhắc nhở các tiểu thương bỏ hàng sẵn vào túi bán cho cho khách, không để lựa lâu. 

Phường Tân Hưng Thuận (quận 12) là một trong các địa phương đi đầu trong việc tổ chức bán hàng thiết yếu cho người dân ở địa bàn. Bên cạnh 07 cửa hàng tiện ích sẵn có, ngày 12/7, UBND phường đã lên kế hoạch tổ chức điểm bán hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu bình ổn giá trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16.

Sau đó, ngày 14/7, điểm bán hàng ở giao lộ đường DN6 và đường DN5 thuộc khu dân cư An Sương hoạt động. Ngày 16/7, một điểm bán hàng khác tiếp tục mở ra phục vụ cho người dân để giảm bớt lượng khách tập trung đông ở điểm đầu tiên.

Tính từ thời điểm mở bán đến ngày 21/7, số rau củ quả, trái cây bán ra 46 tấn; khoảng 7,6 tấn thịt heo; 2,5 tấn cá, tôm, ếch; khoảng 200 con gà; 700 trứng gà, vịt. Giá các mặt hàng bình ổn đều rẻ hơn so với giá thị trường cùng thời điểm. Các tiểu thương cam kết với phường cùng thực hiện phương châm “Chính quyền cùng phối hợp tiểu thương chia sẻ, phục vụ nhân dân trong mùa dịch”.

chợ truyền thống
Hoạt động tại chợ ngã Ba Bầu ở phường Tân Chánh Hiệp (Quận 12) 

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn - Phó chủ tịch UBND phường Tân Hưng Thuận cho biết thêm: “Khi những tiểu thương vô bán, mỗi ngày phải gởi giá cho phường quản lý. Giá cả người bán lấy vào mùa dịch cao do giá vận chuyển tăng nhưng họ bán giá như ngày thường. Từ những ngày bán đầu tiên, ở ngoài bán thịt giá 200.000 đồng/kg nhưng điểm này bán chỉ có 100.000 - 110.000 đồng/kg, còn hành lá bán 40.000 đồng/kg”.

Ở huyện Củ Chi có thêm hai điểm bán hàng cho người dân mở cửa từ ngày 19/7. Đó là khu vực sân bóng xã Hòa Phú do 10 tiểu thương chợ Hòa Phú tổ chức kinh doanh và khu vực xã Bình Mỹ cũng cho 10 hộ kinh doanh. Các điểm bán hàng đều tổ chức lối ra - vào theo hướng một chiều, tuân thủ quy định 5K.

Theo ghi nhận, các địa bàn ở vùng nội thành như khu vực phường Cô Giang (quận 1) không có chợ truyền thống hoạt động, người dân mua hàng ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, mua hàng online.

UBND phường cho biết, hiện tại, phường đang tập trung chăm lo cho 14 khu cách ly trên địa bàn các nhu yếu phẩm cần thiết.

Tại phường 10 (Quận 8) có chợ Ba Đình đã tạm ngưng hoạt động do có ca liên quan đến Covid-19 nhưng vẫn có các cửa hàng tiện ích xung quanh nên không có tình trạng khan hiếm thực phẩm.

Ông Nguyễn Mai Trung - Bí thư Đảng ủy phường 10 (Quận 8) cho biết thêm: “Dọc tuyến đường Phạm Hùng, Hưng Phú có thêm mấy siêu thị nữa nên cũng đảm bảo không có thiếu thực phẩm. Ngoài ra, phường cũng tổ chức đi chợ cho người dân, những khu phong tỏa thì có xe cung cấp thực phẩm gởi vào hỗ trợ”.

Sở Công Thương TPHCM cho biết, đến thời điểm hiện nay hàng hóa về Thành phố tăng đều, bình quân từ 3-5%/ngày. Thông qua báo cáo từ quận, huyện và các hệ thống phân phối gởi về, số lượng người dân đi mua hàng đã giảm nhiều, không còn tình trạng tập trung đông như trước và lượng hàng cung ứng dồi dào.

Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, hiện nay cần đảm bảo phân phối hàng hóa tốt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, đặc biệt đảm bảo lương thực tới được các khu dân cư đang bị phong tỏa. “Việc tăng cường thêm điểm bán, các phương thức đưa hàng tới tận nơi cho người dân là việc cần thiết phải làm hiện nay”, ông Phương nói.

Để ngăn ngừa tình trạng thu mua hàng hóa bình ổn và bán ra giá cao; tình trạng nâng giá hàng hóa của các hệ thống bán hàng, Sở Công Thương Thành phố đã thống nhất cùng Cục quản lý thị trường chia sẻ thông tin các điểm bán hàng và các đội quản lý thị trường để cùng kiểm tra và kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm.