Thị trường BĐS TPHCM: Giá căn hộ sơ cấp cao hơn thứ cấp

(VOH) - “Ghi nhận tại thị trường TPHCM, giá căn hộ sơ cấp đang cao hơn thứ cấp” đây là nhận định của ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Group.

Diễn đàn bất động sản (BĐS) năm 2022 do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức vào chiều 28/10 tại TPHCM, DKRA Việt Nam cho biết, giá căn hộ sơ cấp năm nay tăng từ 10% đến 15% so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân được đưa ra là do chi phí đầu vào tăng cao: chi phí nguyên vật liệu, nhân công, đặc biệt là chi phí vốn. Cũng có nguyên nhân từ sự tắc nghẽn về pháp lý. Những dự án hiện tại có thời gian làm pháp lý kéo dài hơn khiến chi phí vòng đời dự án tăng lên, giá bán cũng tăng lên.

“Khoảng 2 năm gần đây, khi thị trường bị tác động bởi đại dịch Covid-19, nhiều chủ đầu tư áp dụng thêm chương trình hỗ trợ lãi suất và mua hàng trả góp cho khách hàng, những chi phí này đều đưa vào giá bán. Nếu không có gì thay đổi thì thị trường căn hộ thứ cấp sẽ còn tiếp tục giảm giá và có thể giảm sâu, giảm cao hơn so với giai đoạn hiện tại” – ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Group chia sẻ thêm.

ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Group
Ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Group

Một vấn đề khác mà thị trường BĐS TPHCM đang gặp phải là tình trạng lệch pha cung cầu, diễn ra từ năm 2018 đến nay. Đầu tiên là lệch pha về khu vực, nguồn cung căn hộ ở TPHCM chủ yếu tập trung ở khu Đông, TP Thủ Đức chiếm trên 50%, đến tháng 09/2022 số căn hộ khu đông tại TPHCM là 77%.

Tiếp theo là sự lệch pha về phân khúc căn hộ. Hiện tại, các dự án căn hộ tại TPHCM chủ yếu tập trung vào căn hộ hạng A, hạng sang chiếm trên 77%. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nguồn cung căn hộ hạng C có mức giá dưới 35 triệu đồng/m2 gần như mất tích trên thị trường. Thậm chí những dự án căn hộ có mức giá dưới 40 triệu đồng/m2 cũng rất khó để tìm.

Về vấn đề nguồn cung nhà ở xã hội, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng có đến 80% người dân có nhu cầu với nhà ở xã hội và nhà ở vừa túi tiền. Đây là bài toán lớn, đòi hỏi cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp phải tham gia cũng như đưa ra giải pháp.

Thống kê sơ bộ, đóng góp của ngành BĐS trực tiếp và gián tiếp thông qua các lĩnh vực khác chiếm khoảng 4,5% GDP, trong đó thị trường BĐS TPHCM - một trong những thị trường thu hút đầu tư cao nhất đã và đang đóng góp lớn vào GDP chung cho cả nước.

Sự phát triển của thị trường BĐS TPHCM không chỉ tạo điều kiện quan trọng cho kinh tế Thành phố phát triển mà còn tạo động lực phát triển lan tỏa cho các thị trường BĐS các tỉnh lân cận và giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động lẫn các ngành nghề khác. Tại diễn đàn lần này, các chuyên gia cũng đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ những tồn tại, bất cập trong phát triển thị trường BĐS TPHCM, đặc biệt là các kiến nghị nhằm tăng cường nguồn cung và cân đối sản phẩm trên thị trường.

Bình luận