TPHCM: Rất nhiều kênh bán hàng nhu yếu phẩm, người dân không lo thiếu hàng

(VOH) - Ở các chợ truyền thống có tăng giá từ 10-15% do thiếu hụt cục bộ ở một vài thời điểm. Tuy nhiên, TPHCM không thiếu hụt nguồn cung thực phẩm trong tất cả các tình huống phòng chống dịch.

Lượng hàng dự trữ, hàng thông qua các tiểu thương hoạt động tại chợ đầu mối vẫn về TPHCM với khối lượng dồi dào. Hệ thống các siêu thị mua bán và các cửa hàng tiện lợi hàng ngày cung ứng gần 2.000 tấn rau củ quả và lương thực thực phẩm, kênh còn lại thông qua các cửa hàng và chợ truyền thống, đảm bảo cung ứng thực phẩm dồi dào trên địa bàn TP.HCM. Thông tin này được lãnh đạo Sở Công thương và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa khẳng định tại cuộc họp báo chiều qua 7/7 tại Trung tâm Báo chí TP.

>>>TPHCM công bố địa chỉ, số điện thoại của 2.833 điểm bán hàng thiết yếu

TPHCM không lo thiếu hụt nguồn cung thực phẩm trong tất cả các tình huống phòng chống dịch 1
Cuộc họp báo chiều 7/7 tại Trung tâm Báo chí TPHCM về việc cung ứng hàng hóa ra thị trường trên địa bàn TP.

Giám đốc Sở Công thương TPHCM - Bùi Tá Hoàng Vũ cũng thừa nhận, những ngày gần đây, người dân tỏ ra lo lắng khi có sự điều chỉnh về phương thức hoạt động của ba chợ đầu mối và một số nơi người dân đổ xô đi mua hàng hóa, tạo ra sự thiếu hụt cục bộ trong quá trình cung ứng hàng hóa. Và việc tập trong đông người mua sắm sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nhất định, do đó, Sở Công thương cũng đã làm việc với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để tăng cường nguồn hàng, hỗ trợ cho người dân mua sắm, tạo điều kiện thuận lợi trong điều kiện thực hiện giãn cách khi đi vào siêu thị, cửa hàng mua sắm. Mặt khác, Thành phố cũng cho phép các siêu thị và cửa hàng tiện lợi kéo dài thêm thời gian bán hàng.

“Thành phố cũng đã chỉ đạo hỗ trợ những kênh bán hàng online, tăng thêm những kênh đi chợ giúp cho người già, người lớn tuổi với sự đồng hành của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh Niên. Về nguồn cung ứng hàng hóa trên địa bàn TPHCM, chúng ta có nguồn cung tương đối dồi dào, có các kênh phân phối đa dạng, không lo lắng về sự thiếu hụt trong tất cả tình huống phòng chống dịch", ông Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin thêm.

Về giá cả, TPHCM có chương trình bình ổn đã thành công từ nhiều năm nay. Các doanh nghiệp có nhiệm vụ cung ứng hàng ra thị trường với giá cả do Sở Tài chính, Sở Công thương và các đơn vị khác duyệt giá với nguồn cung ứng đầu vào và đầu ra. Do đó, trong điều kiện hoạt động khó khăn như hiện nay thì giá cả hàng hóa vẫn ổn định. Cũng theo lãnh đạo Sở Công thương, ở các chợ truyền thống có tăng giá từ 10-15% do thiếu hụt nhất định ở một vài thời điểm. Hiện có 127/234 chợ truyền thống phải tạm ngưng hoặc điều chỉnh phương thức hoạt động do các nguyên nhân như: có ca F0 đi vào chợ, chợ không đảm bảo quy định an toàn 5K, có quá nhiều lối đi phụ không kiểm soát được người ra vào; Các sạp chợ không đủ điều kiện để thực hiện giãn cách mà không an toàn thì phải ngưng hoạt động.

Về bán hàng online, hiện có 17 siêu thị, hệ thống thực hiện bán hàng online, thậm chí các tiểu thương ở chợ truyền thống cũng sử dụng phương thức này. Tỉ lệ mua hàng gia tăng tối thiểu 45%, có đơn vị là 200%. Có thời điểm không đặt hàng được do hệ thống quá tải.

Đối với việc chuyên chở hàng hóa lưu thông, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố - Võ Khánh Hưng nhìn nhận, hiện nay, khó khăn nhất của các đơn vị vận tải, đặc biệt là vận tải hàng hóa, đó là rất nhiều tỉnh đã lập các chốt ra vào cửa ngõ và có quy định là tài xế, nhân viên theo xe phải có giấy xét nghiệm trong thời hạn, có tỉnh quy định 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày, do đó rất khó khăn cho các anh em ra vào tỉnh thành.

 “Nội dung này đã được kiến nghị với Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ để báo cáo Bộ Giao thông và có ý kiến với Bộ Y tế để có thống nhất về thời hạn giá trị của giấy xét nghiệm”, ông Hưng cho hay. 

Thông tin về lượng hàng tại các siêu thị, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho hay, liên quan tới 3 chợ đầu mối đã đóng cửa, hiện nay, Saigon Co.op tổ chức thu mua các nguồn hàng của các chợ này để cung cấp ra thị trường và việc hấp thụ lượng hàng cần có thời gian nhất định.

“Việc thứ nhất cần phải khẳng định không thay đổi giá, thậm chí có giá nhỏ hơn hoặc bằng đối với giai đoạn bình thường. Tổng dự trữ có những mặt hàng 1 tháng thì mới hết, thậm chí có mặt hàng 3 tháng. Số lượng hiện nay dự trữ tại trung tâm và các điểm phân phối của Saigon Co.op là khoảng 40.000 tấn hàng hóa liên quan đến 12 nhóm thiết yếu như: gạo, muối, đường, thực phẩm đồ hộp, đông lạnh… các mặt hàng này luôn đầy đủ tại các kênh của Saigon Co.op”, ông Nguyễn Anh Đức nói.

Riêng hệ thống Satra, có 3 siêu thị và 188 cửa hàng trên địa bàn thành phố. Ông Lâm Quốc Khanh, Tổng Giám đốc Satra cho hay, mấy ngày vừa qua, lượng người mua hàng ở đây tăng gấp 5 lần ngày thường. “Đến thời điểm hiện nay, nếu có ý kiến chỉ đạo thì chúng tôi sẽ tăng dự trữ trong 1 tuần. Satra cũng có cổ phần ở Vissan, thì đối với Vissan lượng thịt rất dồi dào, bò, gà, heo... Vissan cũng có dự trữ thịt đông lạnh từ 4-5 tháng”, ông Khanh thông tin thêm.

Đối với hệ thống MM Mega Maket, ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Maketing của MM Mega Maket Việt Nam cho biết, từ sáng đến cuối giờ chiều hôm qua, lượng khách ra vào mua sắm rất đông. Trung tâm đã thực hiện các biện pháp giãn cách đóng và mở cửa hàng 15 lần trong ngày. Hiện nay, khách hàng có thể đặt mua hàng qua trang web, mua online, bán hàng lưu động. Doanh nghiệp có 3 vùng nguyên liệu chính thu mua các mặt hàng rau củ quả từ các nông dân ở Đà Lạt, có trung tâm cung ứng thịt ở Đồng Nai và 1 trung tâm thủy hải sản ở Cần Thơ. Hiện doanh nghiệp đã nâng sản lượng lên từ 2 đến 3 lần, thực phẩm thiết yếu 60 ngày, có một số quầy hàng trống trong vòng nửa tiếng sẽ lấp đầy hàng.