TP.HCM duyệt điều chỉnh quy hoạch Khu trung tâm hiện hữu thành phố
UBND TP.HCM vừa duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930 ha) tại ô phố ký hiệu ZV-7.
Cụ thể, phạm vi điều chỉnh có phía Đông Bắc giáp đường Trương Định và Trường mầm non Hoa Mai; phía Đông Nam giáp đường Điện Biên Phủ; phía Tây Bắc giáp đường Tú Xương và Trường mầm non Hoa Mai; phía Tây Nam giáp đường Bà Huyện Thanh Quan. Lộ giới các tuyến đường có liên quan gồm đường Tú Xương 16 m; đường Điện Biên Phủ 30 m; đường Bà Huyện Thanh Quan 20 m; đường Trương Định 20 m.
Theo đó, UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc cập nhật và thể hiện trong hồ sơ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu trung tâm hiện hữu.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được phê duyệt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố phối hợp với UBND quận 3 thực hiện công bố công khai nội dung điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 này theo quy định.
Cũng liên quan đến vấn đề quy hoạch, trước đó, UBND thành phố vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương quy hoạch khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố.
Theo đó, địa điểm quy hoạch khu đô thị này có phạm vi thuộc ranh giới hành chính các quận 2, 9 và Thủ Đức, diện tích khoảng 21.000 ha. UBND TP đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan ưu tiên bố trí những chương trình đổi mới sáng tạo cấp quốc gia, đồng hành cùng thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng và phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao.
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung xây dựng TP.HCM được duyệt. Qua đó, cập nhật hướng tuyến mới của đường vành đai 3, các điều chỉnh chức năng sử dụng đất, phân bố dân cư và tổ chức không gian phù hợp với luật Quy hoạch đô thị 2009.
Thị trường văn phòng Hà Nội biến động sau 9 tháng
Thị trường bất động sản văn phòng tại Hà Nội trong khoảng 2 năm vừa qua luôn ở trong công suất hoạt động tốt với mức giao động từ 92 - 93%. Trong đó văn phòng hạng A không có nhiều sự lựa chọn ngoại trừ tại một số tòa nhà mới đi vào hoạt động...
So với TP. HCM và các nước trong khu vực Đông Nam Á, giá thuê văn phòng hạng A tại Hà Nội đang ở mức trung bình: 42 USD/m2/tháng khu vực trung tâm. Tính trong nước, văn phòng Hà Nội đứng thứ 3 về giá thuê và công suất.
Hiện, nguồn cung phân khúc hạng A ở mức khiêm tốn, khoảng 500.00m2 sàn, trong tổng số 1,8 triệu m2 sàn, dưới 20% so với khu vực.
Các khách thuê ở khu vực trung tâm nếu muốn sử dụng diện tích lớn phải chia tầng chứ không có một mặt bằng sàn. Do đó, với tiêu chí này thì văn phòng hạng A tại khu vực trung tâm hạn chế về nguồn cung.
Giá thuê trung bình toàn thị trường văn phòng hiện đạt 31 USD/m2/ tháng, giá thuê hạng A tại khu vực trung tâm khoảng 55 USD/m2/tháng (đã bao gồm cả phí dịch vụ), ngoài trung tâm khoảng 35 USD/m2/tháng. Dự kiến, như cầu thuê văn phòng hạng A sẽ tăng cao trong bối cảnh các doanh nghiệp FDI và M&A đang phát triển mạnh mẽ.
Nhu cầu văn phòng hạng B vẫn duy trì ở mức cao do giá thuê mặt bằng mềm hơn và chất lượng văn phòng cũng hợp lý với nhu cầu và giá thuê.
Savills cho biết, giá thuê trung bình toàn thị trường đối với văn phòng hạng B đạt 18 USD (khoảng 420.000 đồng)/m2/tháng. Công suất cho thuê đạt 94-95%, cao nhất trong các phân khúc; Nguồn cung ở khu vực trung tâm trong thời gian tới rất hạn chế, trong khi đó ở một số quận nội thành và phía tây tiếp tục có nguồn cung mới đến từ dự án Capital Place cung cấp 94.000 m2 sàn ra thị trường; khu vực Tây Hồ có dự án Lotte Mall đang trong quá trình xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động sau 2021.
Theo đánh giá của Savills, thị trường văn phòng hạng A và B sẽ sôi động hơn trong những năm tới, đặc biệt là tại khu vực nội thành và khu phía Tây Hà Nội. Trong khi đó, khu vực trung tâm sẽ có tình trạng thiếu hụt cả về diện tích cho thuê lẫn nguồn cung cho thuê do đó các chủ đầu tư cho thuê vẫn có lợi thế trong việc đàm phán thương lượng về mức giá bởi đa số khách thuê chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn, sau đó khách thuê muốn gia hạn sẽ phải chấp nhận việc tăng giá và bị hạn chế các quyền thỏa thuận trong các điều khoản thuê.
Bất động sản vùng đô thị TP.HCM mở rộng: Long An đang trỗi dậy
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, sẽ quy hoạch huyện Đức Hoà trở thành trung tâm dịch vụ khu vực Đông Bắc và là một phần trong quy hoạch phát triển đô thị - công nghiệp tổng hợp tỉnh nhà. Đây là một trong số nhiều “động lực” thúc đẩy thị trường BĐS khu vực này trong tương lai.
Có thể nói, hiện nay bên cạnh khu Đông, sự phát triển của hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng các tỉnh phía Nam đang được “mạnh tay” đầu tư. Trong đó Long An là cửa ngõ của ĐBSCL, kết nối trực tiếp với Tp.HCM và miền Đông. Đây cũng là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đang được tỉnh nhà chú trọng đầu tư về cả hạ tầng giao thông lẫn phát triển kinh tế xã hội.
Theo các chuyên gia, Long An giáp ranh với chiều dài gần 100 km quanh phía Tây của Tp.HCM, có quỹ đất còn tương đối lớn, phù hợp phát triển những đô thị vệ tinh phục vụ chiến lược giãn dân ra ngoại ô của Tp.HCM. Vì vậy, phát triển đô thị vệ tinh đang trở thành mục tiêu chiến lược để giãn dân, đáp ứng nhu cầu nhà ở đang được đẩy mạnh tại khu vực này.
Theo các chuyên gia, không chỉ hạ tầng tác động đến sự tăng trưởng BĐS mà những tiền đề về giá mềm, xu hướng chuyển dịch cư dân đã và đang tạo cú hích to lớn đến thị trường nhà đất khu vệ tinh này.
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Việt Nam cho rằng, nếu Bình Dương, Đồng Nai quỹ đất lớn đã dần khan hiếm thì lợi thế của Long An là quỹ đất còn nhiều. Thời gian qua, một số doanh nghiệp BĐS đã quan tâm đến thị trường nơi đây. Nhu cầu của thị trường này dự báo còn rất nhiều. Do đó, phát triển nhà ở, KĐT trong dài hạn sẽ thuận lợi.
Nhận định về thị trường BĐS Long An trong thời gian tới, ông Lâm cho rằng, quy luật “nước chảy về chỗ trũng”. Những khu vực có tiềm năng phát triển thì NĐT sẽ dồn về. BĐS Long An vẫn còn hấp dẫn trong vòng 3 năm tới. Đặc biệt, với lợi thế sông nước, tỉnh nên tận dụng địa thế mảng xanh để phát triển các dự án khu đô thị. Nếu làm được điều này, BĐS Long An sẽ rất hấp dẫn NĐT.
BĐS Bình Thuận bùng nổ, Kê Gà trỗi dậy thành thủ phủ du lịch mới
Trong khi Phan Thiết vẫn là thủ đô resort thì Kê Gà - "thiên đường biển bị lãng quên" đang dần trỗi dậy mạnh mẽ với sức nóng đến từ nhiều dự án tầm cỡ quốc tế.
Khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay Phan Thiết, sân bay Long Thành và tuyến đường biển quốc gia hoàn thiện, thị trường BĐS Kê Gà sẽ càng bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.
Kê Gà hiện là một trong những địa điểm check-in nổi tiếng tại Bình Thuận với ngọn hải đăng Kê Gà. Từ Kê Gà trong bán kính khoảng 30km có thể trải nghiệm hàng loạt danh thắng như khu du lịch Đồi Sứ, khu du lịch Vườn Đá, khu du lịch Thuận Quý - Khe Gà, khu du lịch Hòn Lan, suối nước nóng Bưng Thị, Hang Mú, Đá Dăm, Đá Một, Suối Nhum,…
Nơi đây còn nắm giữ vị thế chiến lược thuận lợi khi nằm ngay cửa ngõ du lịch Bình Thuận, cách TP.HCM 160km, Vũng Tàu 80km. Khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi vào hoạt động, nếu thời gian lái xe từ TP.HCM đến Phan Thiết là hơn 2,5 giờ thì đến Mũi Kê Gà chỉ mất khoảng 1,5 giờ.
Chưa kể, với ưu thế nằm giữa sân bay quốc tế Long Thành và sân bay Phan Thiết, Kê Gà sẽ thu hút thêm một lượng lớn du khách từ phía Bắc đổ vào và đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Trên thực tế, từ cuối năm 2018 đến đầu 2019, bất động sản Kê Gà đã bắt đầu tăng nhiệt. Tính đến nay, toàn huyện Hàm Thuận Nam có 78 dự án còn hiệu lực, tập trung chủ yếu tại Kê Gà. Trong đó có 21 resort đã đi vào hoạt động, 30 dự án đang trong quá trình khẩn trương duy tu, sửa chữa xây dựng tạo nên sức sống mới cho nơi đây.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019, Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng và ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư 19 tỷ USD và 30.696 tỷ đồng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trở thành tỉnh thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch dẫn đầu cả nước.
Trong đó có 2 dự án quy mô "khủng" của Novaland và dự án Thanh Long Bay của chủ đầu tư Nam Group .
Đà Nẵng còn dư hơn 23 nghìn lô đất tái định cư
Trong tổng số hơn 23 nghìn lô đất tái định cư, có 15.607 lô đã có mặt bằng, 7.851 lô chưa có mặt bằng.
Trên địa bàn quận Cẩm Lệ có 3.770 lô, với 3.328 lô đã có mặt bằng và 442 lô chưa có mặt bằng.
Quận Hải Châu có 251 lô đã có mặt bằng. Quận Thanh Khê có 93 lô đã có mặt bằng.
Quận Sơn Trà có 1.884 lô, với 1.590 lô đã có mặt bằng, 294 lô chưa có mặt bằng.
Quận Ngũ Hành Sơn có 8.078 lô, trong đó 3.781 lô đã có mặt bằng, 4.297 lô chưa có mặt bằng.
Quận Liên Chiểu có 4.055 lô, với 3.385 lô đã có mặt bằng, 670 lô chưa có mặt bằng.
Huyện Hòa Vang có 5.327 lô, với 3.179 lô đã có mặt bằng, 2.148 lô chưa có mặt bằng.
Vẫn theo, Trung tâm Phát triển quỹ đất Đà Nẵng, toàn TP có 247 khu đất lớn đã có mặt bằng, với diện tích 1.311.851,8 m2.
Cụ thể, quận Cẩm Lệ có 55 khu đất, với diện tích 375.024,5 m2. Quận Hải Châu có 11 khu đất, diện tích 114.095,9 m2.
Quận Thanh Khê có 3 khu đất, với diện tích 9.157,5 m2. Quận Sơn Trà có 71 khu đất, diện tích 202.539,2 m2.
Quận Ngũ Hành Sơn có 52 khu đất, diện tích 221.304,3 m2. Quận Liên Chiểu có 21 khu đất, diện tích 120.561,2 m2.
Huyện Hòa Vang có 34 khu đất, với diện tích 295.372,3 m2.
Theo đơn vị này, việc công khai thông tin quỹ đất giúp cho các doanh nghiệp và người dân tiếp cận thông tin liên quan về đất đai làm cơ sở cho việc phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như việc nhận đất tái định cư được thuận lợi.
Bất cập pháp lý, hàng trăm dự án bất động sản ở TP.HCM bị đình trệ
Theo VTVT, đối với một dự án căn hộ và chung cư dự định triển khai tại quận 7, TP.HCM, để có được quỹ đất rộng khoảng 3,7ha thực hiện dự án này, doanh nghiệp đã phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn đền bù cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan chuyên môn của UBND thành phố không nhận hồ sơ trình duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của doanh nghiệp này nên dự án không thể triển khai các bước tiếp theo. Nguyên nhân là do có sự không thống nhất, thiếu đồng bộ trong cách gọi giữa hai luật khác nhau.
Luật Đầu tư chỉ có duy nhất một khái niệm là "Nhà đầu tư". Trong khi đó, Luật Quy hoạch đô thị lại chỉ đưa ra quy định liên quan đến khái niệm "Chủ đầu tư". Điều này đã khiến hơn 120 dự án bất động sản tại TP.HCM dù đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư đến nay vẫn bị ách tắc.
Những bất cập pháp lý đã và đang xảy ra trên thực tế không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước mà có thể khiến TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung mất đi một số cơ hội nhận được đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không giải quyết những vấn đề này, người bị ảnh hưởng cuối cùng sẽ là người dân, việc thiếu nguồn cung dự án dẫn đến tình trạng khan hiếm căn hộ, từ đó giá các căn hộ sẽ tăng cao.
Phú Yên cảnh báo nhiều dự án bất động sản chưa đủ cơ sở pháp lý vẫn rao bán
Theo Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên, hiện nay trên các trang mạng xã hội đang rao bán, huy động vốn các dự án bất động sản khi chưa đủ cơ sở pháp lý. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.
Để các tổ chức, cá nhân có liên quan nắm bắt thông tin, nhằm tránh rủi ro về pháp lý…Sở Xây dựng đã có thông báo số 161/TB-SXD do ông Huỳnh Lữ Tân, giám đốc Sở Xây Dựng ký chỉ ra 04 dự án đã đủ điều kiện mua bán trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể là 4 dự án sau: Dự án Nhà ở xã hội Nam Hùng Vương (Phường Phú Đông), Trung tâm thương mại Vincom Plaza Tuy Hòa, khu Shophouse (Phường 7), Dự án Khu thương mại - dịch vụ Shophouse tại đại lộ Hùng Vương, (Phường 7) và Dự án Spot light resort, cùng đóng trên địa bàn TP. Tuy Hòa (Phú Yên).
Tuy nhiên, văn bản trên cũng nêu rõ: đối với dự án Nhà ở xã hội Nam Hùng Vương thì chỉ có 176 căn (khu A) là đủ điều kiện mua bán; 217 căn (khu B) chưa đủ điều kiện mua bán, cho thuê căn hộ. Vì chưa có văn bản thông báo của cơ quan quản lý ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện bán cho thuê theo quy định tại Điều 63 của Luật nhà ở.
Vụ 4.500m2 đất công ở Thủ Đức 'biến mất': Thanh tra ba đơn vị liên quan
Đoàn Thanh tra TP.HCM gồm chín thành viên sẽ tiến hành thanh tra toàn bộ vụ việc liên quan đến 4.500m2 đất công "biến mất" tại số 14 đường Phú Châu (phường Tam Phú, Q.Thủ Đức) trong 45 ngày.
Ngày 2-10, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, phó chánh Thanh tra TP.HCM Nguyễn Kiến Quốc đã ký quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, về góp vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đối với mặt bằng tại nhà, đất số 14 đường Phú Châu (phường Tam Phú, Q.Thủ Đức) của Công ty cổ phần Dệt may Gia Định, Công ty cổ phần Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Gia Định và Trường trung cấp Bến Thành.
Theo đó, vụ việc bắt nguồn từ khu đất công có diện tích gần 4.500m2 đã được Nhà nước duyệt làm cơ sở giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa cho Công ty cổ phần Dệt may Gia Định (trước đó là Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định, gọi tắt Dệt may Gia Định).
Cơ quan thanh tra yêu cầu ba đơn vị nói trên cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan trong việc chấp hành pháp luật về đất đai, quản lý, sử dụng mặt bằng 14 Phú Châu, cũng như nguồn gốc pháp lý về việc giao đất, pháp lý thực hiện góp vốn bằng giá trị lợi thế về vị trí địa lý khu đất khi thành lập Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Gia Định trước khi Công ty cổ phần Dệt may Gia Định được cổ phần hóa … hạn chót vào ngày 10-10 tới đây.
Dự án du lịch tâm linh của Pacific – Hòa Bình chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, vừa rồi, UBND tỉnh Hoà Bình có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép sử dụng gần 48ha đất trồng lúa để xây khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy, dự kiến đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến được triển khai tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thuỷ do công ty TNHH một thành viên Pacific – Hoà Bình làm chủ đầu tư.
“Chúng ta đều biết việc chuyển đổi diện tích trồng lúa trên 10 ha đều phải xin ý kiến Thủ tướng, những dự án lớn như thế này phải có ý kiến tham mưu, đề xuất, đánh giá của các cơ quan bộ, ngành Trung ương. Ngày 10/9/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1267 chuyển đến Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT xem xét. Như vậy, dự án của tỉnh Hoà Bình hiện nay chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét”, ông Mai Tiến Dũng cho biết.