Chờ...

Nguồn gốc ngày vía Thần Tài và tục 'mua vàng cầu may mắn'

(VOH) – Hàng năm vào ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, người dân thường làm lễ cúng rước Thần Tài để cầu may mắn và tài lộc. Vậy ngày lễ Thần Tài có từ đâu và mua vàng vào ngày này có thật sự may mắn?

Xuất hiện ở nhiều nền văn hóa khác nhau như Việt Nam, Trung quốc, Ấn Độ, Tây Tạng... nên nguồn gốc của Thần Tài còn chưa sáng tỏ. Tuy nhiên, khi nhắc đến Thần Tài chúng ta liền sẽ nghĩ ngay đến tiền bạc và tài lộc trong kinh doanh làm ăn, buôn bán.

1. Ngày lễ Thần Tài có nguồn gốc từ đâu?

Nhiều ghi ghép ghi lại, tục thờ Thần Tài có thể có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất hiện ở nước ta vào khoảng đầu thế kỷ XX.

Theo truyền thuyết Trung Hoa cổ đại, Thần Tài là vị thần cai quản việc làm ăn, tài chính hay tiền bạc của gia chủ. Vì vậy, nhiều người, nhất là những người kinh doanh làm ăn, rất coi trọng ngày Thần tài.

nguon-goc-ngay-via-than-tai-va-tuc-mua-vang-cau-may-man-voh-0
Theo truyền thuyết Thần Tài là vị thần cai quản việc làm ăn, tài chính hay tiền bạc của gia chủ (Nguồn: Internet)

Có ghi chép viết rằng, Thần Tài là nhân vật lịch sử Phạm Lãi, ông là một trung thần của Việt Vương Câu Tiễn. Ông là một trong những vị thần hết lòng phò tá vua Việt Vương trong cơn hoạn nạn. Sau khi phò tá vua dẹp yên nước nhà, Phạm Lãi đã cùng người yêu là Tây Thi bỏ chốn quan trường về ở ẩn. Từ đó, Phạm Lãi trở thành một nhà thương buôn thành đạt và giàu có nổi tiếng nên được người đời gọi là Đào Công và được tôn là Thần Tài.

Trong khi ở dị bản khác, Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc, của nải trên thiên đình vô tình bị "rơi" xuống hạ giới vì lỡ say rượu. Sa cơ lỡ vận, Thần Tài phải đi xin ăn nhưng đi đến đâu là ban phúc lộc, sung túc cho người dân đến đó.

Ở dị bản khác tại Trung Quốc, Thần Tài gồm 9 vị (hay còn gọi là Cửu Lộ Thần Tài), trong đó có 5 vị chính đại diện cho các phương hướng gồm: Vương Hợi (trung tâm) hay còn gọi là Trung Bân Tài Thần; Tỷ Can (hướng Đông) hay còn gọi là Tài Lộc Chân Quân; Sài Vinh (hướng Nam) hay còn gọi là Thiên Tài Tinh Quân; Quan Võ (hướng Tây); Triệu Công Minh (hướng Bắc) hay còn gọi là Tài Bạch Tinh Quân.

Trên thực tế, có rất nhiều câu chuyện xoay quanh nguồn gốc của vị Thần Tài, nhưng tựu chung lại tất cả câu chuyện đều liên quan đến việc làm ăn buôn bán nên người dân thường thờ cúng Thần Tài để cầu mong may mắn và tài lộc sẽ đến với mình.

Xem thêm: Ngày vía Thần Tài nên cúng lễ vật nào, văn khấn ra sao và mua gì cầu may mắn?

2. Vì sao ngày mùng 10 tháng Giêng lại được coi là ngày vía Thần Tài?

Khác với Trung Quốc (ngày Thần Tài vào ngày mùng 5 Tết), ngày vía Thần Tài ở Việt Nam là ngày mùng 10 tháng Giêng Âm Lịch.

Xung quanh câu chuyện về ngày vía Thần Tài có nhiều sự tích khác nhau. Trong đó, được nghe nhiều nhất là câu chuyện: Vào một lần do uống rượu quá say mà Thần Tài đã lỡ chân ngã xuống trần gian và bị mất trí nhớ, quên mất mình là ai. Sống lang thang và không biết làm việc gì, ông đi ăn xin để sống qua ngày.

Về sau, ông gặp một vị chủ quán tốt bụng, được mời vào và ăn một bữa thịnh soạn. Quán đang rất vắng khách nhưng khi ông lão ăn xin bước vào thì bỗng dưng khách ra vào tấp nập, để ý thấy điều này ông chủ quán giữ ông lão ở lại để việc làm ăn buôn bán được thuận lợi.

Sau một thời gian ông lão ăn xin bắt đầu nhớ lại được mọi chuyện và trở về trời. Ngày ông bay về trời là ngày mùng 10, vì thế mà dân gian đã xem ngày 10 hàng tháng là ngày Thần Tài. Ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch là ngày vía Thần Tài đầu tiên của năm.

nguon-goc-ngay-via-than-tai-va-tuc-mua-vang-cau-may-man-voh-1
Ngày vía Thần Tài ở Việt Nam là ngày mùng 10 tháng Giêng Âm Lịch hàng năm (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, còn có một câu chuyện ít người biết đến hơn, đó là, có một người lái buôn Trung Hoa tên là Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy Thần, được Thủy Thần ban cho một người gia nhân tên là Như Nguyện. Âu Minh đem Như Nguyện về nuôi ở trong nhà, từ đó công việc làm ăn của Âu Minh mỗi ngày một phát đạt.

Vào 1 ngày trong dịp Tết, Như Nguyện bị Âu Minh đánh không rõ vì lý do gì. Quá sợ hãi, cô gái bèn trốn vào trong đống rác và đột nhiên biến mất. Kể từ đó, công việc làm ăn của Âu Minh nhanh chóng xuống dốc, tiền bạc cứ thế đội nón ra đi.

Mọi người cho rằng Như Nguyện là Thần Tài mang đến tài lộc, may mắn nên đã lập bàn thờ cho cô. Chính vì vậy, bàn thờ của Thần Tài luôn được đặt ở góc khuất và người ta cũng kiêng quét rác trong 3 ngày Tết để tránh quét mất tài lộc của nhà mình đi.

3. Mua vàng vào ngày vía Thần Tài có thật sự may mắn?

Đối với nhiều người ngày vía Thần Tài không chỉ là cơ hội để tỏ lòng biết ơn đến vị Thần đã phù hộ cho mình có một năm làm ăn thuận lợi mà còn là thời điểm đổi vía, lấy vía của Thần Tài để mang vận may sang năm mới.

Vào ngày này, người dân thường sẽ đi mua vàng miếng với mong muốn “buôn may bán đắt”. Đây là một tín ngưỡng mang ý nghĩa tinh thần, bởi không ít người có niềm tin rằng, việc mua vàng vào ngày vía Thần Tài sẽ có thêm nhiều may mắn, thuận lợi trong việc làm ăn, đầu tư và sinh lợi.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu mua vàng vào ngày vía Thần Tài để “lấy hên đầu năm” bạn không nên mua nhiều vì đây là thời điểm giá vàng tăng cao theo cán cân cung – cầu. 

Nếu mua vàng cầu may và đeo như một vật phẩm hộ mệnh thì bạn không nên mua nhiều, có thể mua những sản phẩm hợp tuổi, hợp mệnh. Còn nếu muốn vàng để cất trữ thì nên mua vàng nhẫn tròn trơn hoặc vàng miếng, sẽ thuận tiện và ít bị mất giá khi có nhu cầu mua bán, thu đổi.

nguon-goc-ngay-via-than-tai-va-tuc-mua-vang-cau-may-man-voh-2
Mua vàng ngày Thần Tài chỉ là một quan niệm lưu truyền trong dân gian (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn các sản phẩm trang sức bằng vàng khác như:

  • Những mẫu nhẫn vàng đính đá, đính charm phong thủy... không chỉ giúp chủ nhân hấp thu năng lượng của vàng mà còn giúp bảo hộ bình an, sức khỏe và thêm nhiều tài lộc.
  • Những mẫu trang sức có màu vàng, mạ vàng như nhẫn vàng đính ngọc, nhẫn vàng khắc túi tiền, nhẫn vàng đính đá, vòng tay có đính hạt mạ vàng... vừa bắt mắt và thời trang vừa có ý nghĩa.
  • Những loại trang sức, vật phẩm phong thủy để đổi vía, lấy hên đầu năm như mặt dây chuyền phong thủy, vòng tay, lá bồ đề mạ vàng… để cầu mong công việc thuận buồm xuôi gió, gặp nhiều may mắn.

Như vậy, ngày vía Thần Tài là một ngày quan trọng trong văn hóa của người Việt, đặc biệt là với những người làm ăn, kinh doanh. Còn việc mua vàng ngày Thần Tài cũng chỉ là một quan niệm lưu truyền trong dân gian không bắt buộc. Do đó, tùy vào khả năng tài chính mà bạn có thể mua hoặc không mua vàng vào ngày Thần Tài, không nên mua vàng theo phong trào mà làm hỏng hết ý nghĩa cầu may mắn, thịnh vượng.