Phương pháp Montessori luôn muốn đưa trẻ được phát triển một cách tự nhiên, không rập khuôn theo người lớn. Thông qua các bài tập thực hành cuộc sống sẽ giúp trẻ đạt được những điều này, đồng thời hình thành được tính tự lập, trưởng thành hơn so với những trẻ khác. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm những thông tin để hiểu hơn về phương pháp giáo dục Montessori.
Không gian lớp học Montessori
-
Tổng quan về lớp học Montessori
Lớp học là nơi diễn ra những hoạt động chính nhất của bé tại trường. Đó sẽ là nơi bé học tập và cũng là nơi bé vui chơi nên không gian lớp học ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả học tập của các bé. Chính vì vậy đây cũng là nơi bố mẹ quan tâm nhất mỗi khi quyết định trường học của con. Đối với một không gian mới mẻ như lớp học Montessori lại càng nhận được nhiều quan tâm.
Tất cả các lớp học Montessori đều được sở hữu một không gian rộng rãi để trẻ có điều kiện thực hành với giáo cụ học tập hay những hoạt động mà cô giáo đưa ra. Bên trong lớp học, hệ thống giáo cụ được phân loại theo các lĩnh vực học tập và sắp xếp theo trật tự từ đơn giản đến phức tạp giúp trẻ dễ dàng lựa chọn. Thêm vào đó, giáo cụ được sắp xếp trên kệ một cách bắt mắt gây được sự chú ý của trẻ. Bởi trong một buổi học tại lớp học Montessori, bé thường có một khoảng thời gian từ 1 đến 2 giờ tự do khám phá. Trong thời gian này bé sẽ được lựa chọn bất kỳ giáo cụ nào mình muốn và tìm tòi, mày mò với nó. Để quá trình khám phá đạt hiệu quả cao, hệ thống giáo cụ được trang bị đầy đủ để trẻ có thể hoàn thành bài học mà không bị nhàm chán hay gián đoạn.
Ngoài việc tăng sự chú ý, việc đặt giáo cụ về đúng nơi quy định góp phần tăng tính trật tự trong trẻ và hình thành ý thức giữ gìn môi trường lớp học. Giờ học theo phương pháp giáo dục Montessori gồm có nhiều lĩnh vực khác nhau: Thực hành cuộc sống, Giác quan, Toán, Ngôn ngữ, Văn hóa (Địa lý, Khoa học, Lịch sử, Nghệ thuật và Âm nhạc). Mỗi lĩnh vực đều được giáo viên chuẩn bị giáo cụ phù hợp khiến trẻ hứng thú tham gia các hoạt động khám phá.
Không gian lớp học Montessori (Nguồn: Internet)
-
Vai trò của từng yếu tố trong lớp học Montessori
-
Đồ dùng học tập được thiết kế chuyên biệt mô phỏng theo những vật dụng thật trong cuộc sống để đem đến cho trẻ những trải nghiệm chân thực nhất. Mỗi loại giáo cụ đều đóng một vai trò riêng như những đồ dùng dành cho hoạt động hằng ngày giúp trẻ phát triển về thể chất, tính kiên trì, sự tự tin, độc lập và sự sáng tạo; đồ dùng học tập để phát triển giác quan, sự nhạy cảm, đồ dùng học tập về toán học giúp trẻ phát triển về tư duy logic, làm quen với các khái niệm về Toán học; đồ dùng học tập cho các môn khoa học như Lịch sử, Địa lý để giúp trẻ hiểu biết về văn hóa thế giới, thích nghi và hòa nhập với cộng đồng.
-
Chương trình dạy được thầy cô giáo nghiên cứu và phát triển dựa trên khả năng tiếp thu của trẻ. Giáo viên thiết kế bài học linh hoạt và đa dạng theo trình độ riêng của từng trẻ.
-
Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, chỉ bảo từng em để trẻ phát triển tư duy, tự nâng cao tính độc lập và tự tin. Điều này hoàn toàn khác với cách dạy của các lớp học truyền thống khi cô giáo sẽ là người chỉ cho các bé mọi thứ, hướng dẫn bé làm mọi việc. Các thầy cô của lớp học Montessori chỉ là người gợi mở trong quá trình khám phá còn các bé mới là người trực tiếp học hỏi từ những gì các bé thấy, các bé làm. Một điểm đặc biệt nữa, các em sẽ ở với giáo viên trong ba năm. Điều này cho phép giáo viên phát triển quan hệ sát và lâu dài với học sinh, cho phép họ biết rõ từng cách học tập của trẻ, và khuyến khích ý thức cộng đồng mạnh mẽ giữa các em.
-
Montessori không có hệ thống thi đua. Kết quả học tập của trẻ được dựa trên những ghi chép hàng ngày của giáo viên, dựa trên những tiêu chuẩn: thái độ, hành vi, kiến thức và quan trọng hơn cả là trẻ cảm thấy hạnh phúc khi đến trường; trưởng thành trong cuộc sống.
Hệ thống giáo cụ tại lớp học Montessori
-
Sơ lược về hệ thống giáo cụ tại lớp học Montessori
Montessori là phương pháp giáo dục sớm theo hướng tự nhiên, giúp trẻ phát triển theo hướng vốn cố mà không bị khuôn mẫu hay gò bó từ người lớn. Vì vậy, hệ thống bài giảng cũng như giáo cụ trong lớp học Montessori hết sức đặc biệt. Thay vì chú trọng vào việc dạy chữ, dạy viết hay bé được học dưới sự hướng dẫn của cô thì ở lớp học Montessori trẻ được tự khám phá điều mình thích, được học hỏi thông qua các bài học thực tế. Ví dụ như trẻ sẽ được dạy cách chăm sóc cây cối, tự dọn dẹp thu xếp đồ đạc sau khi chơi xong, lau rửa chén bát sau khi chơi xong,... Tất cả những hoạt động này sẽ giúp trẻ hình thành suy nghĩ độc lập trong cuộc sống cũng như thói quen không ỷ lại vào người khác, biết cách quan tâm chăm sóc đến những người xung quanh.
Để phục vụ cho điều này, hệ thống giáo cụ trong lớp học Montessori đều là đồ vật thật, có kích thước phù hợp với kích thước của bé như: bàn, ghế, cốc, bát, đĩa, dao, thìa, đũa,... Thay vì những con dao nhựa, bé được thực hành cắt bằng dao thật, học cách sử dụng dao để không bị thương và làm đau người khác. Hay bé được cầm chổi và tự tay quét nhà. Từ việc thực hành và trải nghiệm thực tế thường xuyên ở lớp, bé dần hình thành kỹ năng tự bảo vệ bản thân, biết cách chăm sóc mình khi thiếu sự giám sát của người lớn…
-
Đặc điểm của hệ thống giáo cụ trong lớp học Montessori
-
Giáo cụ có mục đích tạo ra sự hình thành nhân cách, sự phát triển về thể chất và tinh thần cho bé.
-
Giáo cụ có vai trò kích thích để trẻ trưởng thành và hoàn thiện các kỹ năng đang trong quá trình phát triển.
-
Giáo cụ được thiết kế phù hợp với kích thước của các bé nhỏ, có sức thu hút, tính thẩm mỹ, hài hòa và cân đối nên lôi cuốn sự hứng thú.
-
Giáo cụ có đặc tính phát hiện lỗi và có thể chỉnh sửa lỗi.
-
Giáo cụ bao gồm những đồ vật từ đơn giản đến phức tạp, có mục đích trực tiếp và mục đích gián tiếp.
-
Mỗi giáo cụ chỉ có duy nhất 1 bộ để giúp bé học cách biết chờ đợi đến lượt.
Giáo cụ trong lớp học Montessori (Nguồn: Internet)
Bài tập thực hành cuộc sống giúp nâng cao ý thức tự lập cho trẻ
Các bài tập thực hành cuộc sống là một phần nội dung lớn và quan trọng trong giáo dục Montessori bởi vì hiểu một cách đơn giản và chính xác nhất, phương pháp Montessori chính là cuộc sống.
-
Thế nào là bài tập thực hành cuộc sống?
Bố mẹ chắc hẳn vẫn còn nhớ hoặc đang và sẽ có cơ hội được chứng kiến con cái mình có một giai đoạn say mê, tập trung và hứng thú như thế nào khi chơi các trò chơi mô phỏng hoạt động thường ngày của người lớn như nấu cơm, sắp cơm, quét dọn, tắm rửa, mặc quần áo cho búp bê… với thuật ngữ hay dùng là “chơi đồ hàng”. Và chắc hẳn bố mẹ cũng không thể quên được gương mặt say mê, thích thú khi các con chơi những trò này.
Tuy vậy bố mẹ chỉ nhìn vào và nói là trẻ em thích bắt chước, coi đó là một trò chơi hết sức bình thường. Từ “bắt chước” đã thể hiện những gì người lớn nghĩ đối với các hoạt động này, nó mang ý nghĩa đánh giá thấp trẻ em – chỉ bắt chước làm theo người lớn, những hoạt động như vậy chỉ là những trò chơi không có ý nghĩa gì với giáo dục, chỉ để làm chúng vui.
Nhưng bố mẹ không biết rằng chính những hoạt động như vậy lại mang lại ý nghĩa rất lớn đến cho trẻ, và những bài tập thực hành cuộc sống trong các phương pháp giáo dục sớm vẫn hay sử dụng chính là xuất phát từ những hoạt động đơn thuần như thế. Chính những hoạt động mà bố mẹ vẫn nghĩ là “bắt chước” ấy lại giúp trẻ hình thành được rất nhiều đức tính tốt như trưởng thành hơn, độc lập hơn và bạo dạn hơn rất nhiều.
-
Đặc điểm của các bài tập thực hành cuộc sống
Chúng ta phải nhìn nhận được những đặc điểm của những hoạt động này như sau đây:
-
Các hoạt động này rất đơn giản, cụ thể và có mục đích rõ ràng. Chúng có quy trình dễ hiểu từ điểm bắt đầu cho đến điểm kết thúc (chỉ trong một khoảng thời gian ngắn).
-
Các hoạt động này có sự nổi bật về mặt tự nhiên, do đó có thể nhìn thấy được, các thao tác dễ dàng được thực hiện trong khả năng của trẻ ở giai đoạn đầu đời. Hai đặc điểm này làm cho các hoạt động này trở nên dễ hiểu đối với trẻ.
-
Trẻ sẽ được tự do thực hiện những hoạt động này theo mục đích và hiểu biết của trẻ. Từ đó, sẽ thiết lập cho trẻ những kỹ năng hoàn hảo và dễ ghi nhớ cho trẻ hơn rất nhiều so với việc trẻ được học từ người khác.
Các hoạt động này còn bao gồm cả chức năng phát triển. Chúng giúp tăng cường, phát triển và phục vụ trẻ trong nỗ lực của trẻ để tăng cường và phát triển nền tảng nhân cách con người.