- Khái niệm đồng dao là gì?
- Đặc điểm của đồng dao
- Lợi ích của đồng dao
- Đồng dao cho trẻ mầm non
- Đồng dao về cá (Vè cá)
- Đồng dao về củ
- Đồng dao về rau
- Đồng dao đi cầu đi quán
- Đồng dao gánh gánh gồng gồng
- Bài đồng dao Ai Làm Gì Đó
- Đồng dao lúa ngô là cô đậu nành
- Đồng dao rềnh rềnh ràng ràng
- Bài đồng dao Con vỏi con voi
- Tổng hợp các bài đồng dao về con vật
- Bài đồng dao Gà con giúp mẹ
- Bài đồng dao Hoa bé ngoan
- Bài đồng giao Con Kiến Mà Leo Cành Đa
- Bài đồng dao Tay Đẹp
- Bài đồng dao Mười Ngón Tay
- Các bài đồng dao trong trò chơi dân gian
- Những bài đồng dao về gia đình
- Đồng dao cho người lớn
- Những bài đồng dao nhớ ơn, nói về sự biết ơn
- Đồng dao cho bé tập nói
- Đồng dao về mùa xuân
Đồng dao xét theo nghĩa Hán Việt là bài hát của trẻ con. Thật vậy, đồng dao thường gắn liền với các trò chơi của trẻ em, tuy nhiên cũng có nhiều bài đồng dao chứa những khái niệm, bài học, tư tưởng thâm sâu. Vậy đồng dao là gì?
1. Khái niệm đồng dao là gì?
Đồng dao là những câu hát, câu thơ có vần điệu vui tai được truyền miệng từ đời này qua đời khác trong dân gian, thường là khi trẻ con vui chơi. Đồng dao có thể là những câu chuyện, những bài học, lời trò chơi của trẻ con, lời giới thiệu về các sự vật trong cuộc sống - xã hội, .... Dù là trong trường hợp nào thì đồng dao luôn dễ nhớ và có tính nhạc. Từ xưa đến nay, có rất nhiều bài đồng dao trong dân gian nhưng phần lớn đều sẽ bị quên lãng qua thời gian chỉ những bài nào được phổ thành những câu ca, bài hát mới có thể lưu truyền qua nhiều thế hệ đến hiện tại.
2. Đặc điểm của đồng dao
Đồng dao thường ở thể thơ 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ hoặc thơ lục bát, phần lớn sẽ không quá nhiều chữ trong một câu. Đồng dao luôn có vần điệu và nhạc điệu nhằm mục đích dễ dàng ghi nhớ và truyền miệng trong dân gian. Vì được truyền miệng nên đồng dao thường sẽ thay đổi so với phiên bản gốc, nhiều trường hợp các bài đồng dao lưu truyền qua những địa phương khác nhau sẽ bị thay đổi dẫn đến ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.
Phần lời của đồng dao luôn gần gũi với thực tế, phần lớn là các hình ảnh xung quanh nơi ở, nơi học, nơi vui chơi của trẻ như con ong, con chó, con vịt, củ khoai, cái bàn, cái ghế,...
Phần nhạc điệu của đồng dao thường theo kiểu chu kỳ phù hợp với lối hát nói, đọc diễn cảm. Thang âm của đồng dao thường khá hẹp, đơn giản, dễ ghi nhớ và hát theo.
Xem thêm:
50 câu tục ngữ thành ngữ nói về trẻ em, ca dao cho trẻ
90 câu đố vui dành cho trẻ em 3-7 tuổi phát triển trí não
Top 77 status hay khi đăng ảnh trẻ con siêu ngọt ngào
3. Lợi ích của đồng dao
Đồng dao mới nghe có vẻ lộn xộn, gặp đâu nói đó, ý nghĩa chung thì rời rạc, chỉ đảm bảo mỗi tính vần vè dễ nhớ, nhưng suy ngẫm kỹ sẽ thấy cả một kho tàng cung cấp nội dung và phương pháp giáo dục trẻ em rất đáng để học hỏi của người xưa.
Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh, ở giai đoạn này sự phát triển tiếng nói của trẻ còn chưa hoàn chỉnh, nhưng nếu được bố mẹ thường xuyên thủ thỉ cho nghe những bài đồng dao ngọt ngào hàng ngày, chắc chắn sẽ giúp bé gắn bó tình cảm bền chặt hơn với bố mẹ. Theo đó, não bộ của trẻ cũng sẽ được kích thích phát triển, tăng cường trí thông minh, rèn luyện trí nhớ, đặc biệt thúc đẩy nhanh quá trình tập nói của trẻ.
Đối với giai đoạn trẻ lớn hơn, những bài đồng dao với nội dung là những bài học quý giá, dạy trẻ về thiên nhiên, về đồ vật, về những cách ứng xử trong cuộc sống, và cả về xã hội lẫn con người xung quanh. Từ đó giúp trẻ nắm bắt kiến thức, dựng xây thế giới quan đúng đắn và phát triển những kỹ năng sống cần thiết cho mình từ việc tiếp thu những bài học đồng dao đơn giản.
Những bài đồng dao giúp trẻ em vừa vui chơi giải trí vừa rèn luyện học tập nhiều điều mới, nhưng hiện nay cuộc sống hiện đại với những phương tiện thông tin giải trí tối tân và nhanh chóng như smartphone, tablet, smartTV,.. đã chiếm phần lớn thời gian vui chơi của trẻ, vì vậy đồng dao ngày càng ít thấy, ít nghe trong các cuộc vui chơi của trẻ nhỏ.
4. Đồng dao cho trẻ mầm non
Khi bắt đầu đi tới trường mầm non là trẻ đã bắt đầu xây dựng nên nhân cách, vì thế những bài đồng dao dạy cho trẻ mầm non cần dễ hiểu và truyền tải những thông điệp về cách sống, cách đối xử với gia đình và xã hội đúng đắn nhất.
4.1 Đồng dao về cá (Vè cá)
Cá biển, cá đồng,
Cá sông, cá ruộng.
Dân yêu dân chuộng,
Lá cá tràu ổ.
Ăn nói hàm hồ,
Là con cá sứ.
Đưa đẩy chốn xa,
Là con cá đảy.
Hay gặp mặt nhau,
Là con cá ngộ.
Trong nhà nghèo khổ,
Là con cá cầy.
Chẳng dám múc đầy,
Là con cá thiểu.
Mỗi người mỗi thiếu,
Là con cá phèn.
Ăn nói vô duyên,
Là con cá lạc.
Trong nhà rầy rạc,
Là con cá kình.
Trai gái rập rình,
Là cá trích ve.
Dỗ mãi không nghe,
Là con cá ngạnh.
Đi đàng phải tránh,
Là con cá mương.
Mập béo không xương,
Là con cá nục.
Được nhiều diễm phúc,
Là con cá hanh.
Phản cha hại anh,
Là con cá diếc.
Suốt ngày ăn miết,
Là con cá cơm.
Chẳng kịp dọn đơm,
Là con cá hấp.
Rủ nhau lên dốc,
Là con cá leo.
Hay thở phì phèo,
Là con cá đuối.
Vừa đi vừa cúi,
Là con cá còm.
Hay nói tầm xàm,
Là con cá gáy.
Vừa trốn vừa chạy,
Là con cá chuồn.
Cứ viết lách luôn,
Là con cá chép.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
Xem thêm:
10 câu chuyện ngắn kể về Bác Hồ với thiếu nhi đầy ý nghĩa
35+ câu đố về mùa hè kèm đáp án cho trẻ mầm non hay nhất
30 Lời chúc đầy tháng cho bé trai, bé gái ý nghĩa, ấn tượng nhất
4.2 Đồng dao về củ
Ngồi chơi trên đất
Là củ su hào
Tập bơi dưới ao
Đen xì củ ấu
Không cần phaỉ nấu
Củ đậu mát lành
Lợn thích củ hành
Chó đòi giềng sả
Củ lạc đến hạ
Có hạt uống bia
Nước mũi ông hề
Là củ cà rốt…
4.3 Đồng dao về rau
Nghe vẻ nghe ve,
Nghe vè các rau.
Thứ ở hỗn hào,
Là rau ngành ngạnh.
Trong lòng không chánh,
Vốn thiệt rau lang.
Đất ruộng bò ngang,
Là rau muống biển.
Quan đòi thầy kiện
Bình bát nấu canh.
Ăn hơi tanh tanh,
Là rau dấp cá (diếp cá).
Có cha có mẹ,
Rau má mọc bờ.
Thò tay sợ dơ,
Nó là rau nhớt.
Rau cay như ớt,
Vốn thiệt rau răm.
Sống trước ngàn năm,
Là rau vạn thọ.
Tánh hay sợ nợ,
Vốn thiệt rau co.
Làng hiếp chẳng cho,
Nó là rau húng.
Lên chùa mà cúng,
Vốn thiệt hành hương.
Giục ngựa buông cương,
Là rau mã đề.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
4.4 Đồng dao đi cầu đi quán
Đi cầu đi quán
Đi bán lợn con
Đi mua cái xoong
Đem về đun nấu
Mua quả dưa hấu
Về biếu ông bà
Mua một đàn gà
Về cho ăn thóc
Mua lược chải tóc
Mua cặp gài đầu
Đi mau về mau
Kẻo trời sắp tối
Nguồn: Đặng Thu Quỳnh, Tuyển chọn truyện, thơ, câu đố mẫu giáo, NXB Giáo dục, 2-2004
4.5 Đồng dao gánh gánh gồng gồng
Gánh gánh gồng gồng
Gánh sông gánh núi
Gánh củi gánh cành
Ta chạy cho nhanh
Về xây nhà bếp
Nấu nồi cơm nếp
Chia ra năm phần
Một phần cho mẹ
Một phần cho cha
Một phần cho bà
Một phần cho chị
Một phần cho anh
Ta chạy cho nhanh
Về xây nhà bếp
Nấu nồi cơm nếp...
Nguồn: Đặng Thu Quỳnh, Tuyển chọn truyện, thơ, câu đố mẫu giáo, NXB Giáo dục, 2004
4.6 Bài đồng dao Ai Làm Gì Đó
Khù khà khù khò
Ai làm gì đó ?
A ! Là chú chó
Đang ngủ khò khò .
Cút ca cút kít
Ai làm gì đó ?
A! Là chuột chít
Dùng răng cắn gỗ.
Hí hí ha ha
Ai làm gì đó ?
A ! Ra là bé
Đang cười rất to.
(Khuyết danh)
Xem thêm:
Tổng hợp những mẩu truyện ngắn về mẹ
Một số truyện cổ tích Việt Nam hay và ý nghĩa
Kể chuyện cho bé mầm non ngủ, đọc truyện ngắn cho trẻ
4.7 Đồng dao lúa ngô là cô đậu nành
Lúa ngô là cô đậu nành
Đậu nành là anh đưa chuột
Dưa chuột là ruột dưa gang
Dưa gang là nàng dưa hấu
Dưa hấu cậu lúa ngô
Lúa ngô là cô đậu nành...
Nguồn: Đặng Thu Quỳnh, Tuyển chọn truyện, thơ, câu đố mẫu giáo, NXB Giáo dục, 2004
4.8 Đồng dao rềnh rềnh ràng ràng
Rềnh rềnh ràng ràng
Ba gang chiếu trải
Xích lại cho gần
Một người hai chân
Hai người bốn chân
Ba người sáu chân
Bốn người tám chân
Chân gầy chân béo
Dệt vải cho bà
Vải hoa vải trắng
Đến mai trời nắng
Đem vải ra phơi
Đến mốt đẹp trời
Đem ra may áo
Rềnh rềnh ràng ràng
Nguồn: Đặng Thu Quỳnh, Tuyển chọn truyện, thơ, câu đố mẫu giáo, NXB Giáo dục, 2004
4.9 Bài đồng dao Con vỏi con voi
Con vỏi, con voi,
Cái vòi đi trước.
Hai chân trước đi trước,
Hai chân sau đi sau.
Còn cái đuôi đi sau rốt.
Tôi xin kể nốt,
Cái chuyện con voi.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
4.10 Tổng hợp các bài đồng dao về con vật
Ếch ở dưới ao
Vừa ngớt mưa rào
Nhảy ra bì bõm
Ếch kêu “ộp ộp”
Ếch kêu “ặp ặp”
Thấy bác đi câu
Rủ nhau trốn mau
Ếch kêu “ộp ộp”
Ếch kêu “ặp ặp”.
Nguồn: Tần Gia Linh tuyển chọn và giới thiệu, Đồng dao Việt Nam (dành cho học sinh tiểu học), NXB Giáo dục, 2004
Con chim hay hát
Nó hát cành đa
Nó ra cành trúc
Nó rúc cành tre
Nó hát le te
Nó hát la ta
Nó bay vô nhà
Nó ra ruộng lúa
Nó múa nó chơi
Chim ơi, chim ơi!
Nguồn: Tần Gia Linh tuyển chọn và giới thiệu, Đồng dao Việt Nam (dành cho học sinh tiểu học), NXB Giáo dục, 2004
Con chim se sẻ
Nó ăn gạo tẻ
Nó hót líu lo
Nó ăn hạt ngô
Nó kêu lép nhép
Nó ăn gạo nếp
Nó vãi ra sân
Ơ láng giềng gần
Xua con chim sẻ.
Nguồn: Tần Gia Linh tuyển chọn và giới thiệu, Đồng dao Việt Nam (dành cho học sinh tiểu học), NXB Giáo dục, 2004
Con chim chích choè,
Mày ngồi đầu hè,
Mày nhá gạo rang.
Bảo mày vào làng,
Mày kêu gai góc.
Bảo mày gánh thóc,
Mày kêu đau vai.
Bảo mày ăn khoai,
Mày kêu khoai ngứa.
Bảo mày ăn dứa,
Mày kêu dứa say.
Bảo mày ăn chay,
Mày đòi uống nước.
Bảo mày ăn trước,
Mày đòi ăn sau.
Bảo mày hái rau,
Mày kêu đến trưa.
Bảo mày đi bừa,
Mày đánh què trâu.
Bảo mày đi câu,
Mày đánh bẹp giỏ.
Bảo mày cắt cỏ,
Mày đánh gãy liềm.
Bảo mày gặt chiêm,
Mày đánh gãy hái.
Bảo mày đi đái,
Mày kêu ông Ộp!
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
Con cò cao cẳng
Bước thẳng xuống đồng
Thấy cá chạy rông
Cò cao cẳng bước
Cò mổ cá ăn
Con cá mất tăm
Rách, rách, rách, rách.
Nguồn: Tần Gia Linh tuyển chọn và giới thiệu, Đồng dao Việt Nam (dành cho học sinh tiểu học), NXB Giáo dục, 2004
Con công nó đỗ cây vông
Nó đi tìm bạn
Nó xuống ruộng cạn
Ruộng cạn chân đau
Nó xuống ruộng sâu
Ruộng sâu lầy lội
Nó bay lên núi
Lên núi nắng hồng
Nó sà xuống sông
Xuống sông uống nước
Công ngồi công ước
Được gặp bạn hiền
Tha hồ công bay lên
Tha hồ công bay xuống.
Nguồn: Tần Gia Linh tuyển chọn và giới thiệu, Đồng dao Việt Nam (dành cho học sinh tiểu học), NXB Giáo dục, 2004
Con cua hai càng
Con cua bò ngang
Nó đi rềnh ràng
Nó đi lang thang
Nó đi vô hang
Tìm đâu cho thấy.
Nguồn: Tần Gia Linh tuyển chọn và giới thiệu, Đồng dao Việt Nam (dành cho học sinh tiểu học), NXB Giáo dục, 2004
Cục ta cục tác
Con diều hung ác
Bay lượn trên đầu
Gà con ở đâu
Mau về mẹ ủ
Mẹ con đông đủ
Chẳng sợ diều hâu.
Nguồn: Tần Gia Linh tuyển chọn và giới thiệu, Đồng dao Việt Nam (dành cho học sinh tiểu học), NXB Giáo dục, 2004
Quặc quặc, quạc quạc
Con vịt, con vạc
Có thương em tao
Thì lội xuống ao
Bắt ba con ốc
Thì lội xuống rộc
Bắt năm con rô
Thì lội xuống hồ
Bắt mười con diếc.
Nguồn: Tần Gia Linh tuyển chọn và giới thiệu, Đồng dao Việt Nam (dành cho học sinh tiểu học), NXB Giáo dục, 2004
Tiếng con chim ri,
Gọi dì gọi cậu.
Tiếng con sáo sậu,
Gọi cậu gọi cô.
Tiếng con cồ cồ,
Gọi cô gọi chú.
Tiếng con tu hú,
Gọi chú gọi dì.
Mau mau tỉnh dậy,
Mà đi ra đồng.
Nguồn: Tần Gia Linh tuyển chọn và giới thiệu, Đồng dao Việt Nam (dành cho học sinh tiểu học), NXB Giáo dục, 2004
Xem thêm:
5 truyện thần thoại Việt Nam hay nhất
5 truyện truyền thuyết Việt Nam ý nghĩa
8 truyện sử thi kinh điển của Việt Nam và thế giới
4.11 Bài đồng dao Gà con giúp mẹ
Gà mẹ nằm ngủ
Hai chú gà con
Lon ton lon ton
Nhảy lên lưng mẹ
Se sẽ, se sẽ
Nhặt những bọ gà
Con giúp mẹ cha
Ai mà chẳng mến.
Nguồn: NXB Trẻ.
4.12 Bài đồng dao Hoa bé ngoan
Hoa nào mẹ yêu nhất ?
Hoa nào thơm ngát hương ?
Hoa nào tươi thắm nhất ?
Đó là hoa bé ngoan !
Em được mẹ thương nhất
Em được cô giáo yêu
Khi mà em ngoan nhất
Sẽ là hoa bé ngoan !
(Khuyết danh)
4.13 Bài đồng giao Con Kiến Mà Leo Cành Đa
Con kiến mà leo cành đa,
Leo phải cành cộc leo ra leo vào.
Con kiến mà leo cành đào,
Leo phải cành cộc leo vào leo ra.
Nguồn: Mã Giang Lân, Tục ngữ và ca dao Việt Nam, NXB Giáo dục, 1999
4.14 Bài đồng dao Tay Đẹp
Một tay đẹp
Hai tay đẹp
Ba tay đẹp
Tay dệt vải
Tay vãi rau
Tay buông câu
Tay chặt củi
Tay đắp núi
Tay đào sông
Tay cạo lông
Tay mổ lợn
Tay bắt vượn
Tay bắt voi
Tay bẻ roi
Tay đánh hổ
Nguồn: Đặng Thu Quỳnh, Tuyển chọn truyện, thơ, câu đố mẫu giáo, NXB Giáo dục, 2004
4.15 Bài đồng dao Mười Ngón Tay
Mười ngón tay
Ngón đi cày
Ngón tát nước
Ngón cầm lược
Ngón chải đầu
Ngón đi trâu
Ngón đi cấy
Ngón cầm bay
Ngón đánh cờ
Ngón chèo đò
Ngón dò biển
Tôi ngồi đếm
Mười ngón tay!
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
Xem thêm:
58 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về giáo dục dạy dỗ con cái
Tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục con cái qua câu nói ‘Trẻ lên ba cả nhà học nói’
Những câu nói hay về con gái đầu lòng
5. Các bài đồng dao trong trò chơi dân gian
Các trò chơi dân gian phần lớn đều có bài đồng dao đi kèm, các em nhỏ sẽ vừa hát đồng dao vừa tham gia trò chơi. Ở các miền quê Việt hiện nay trẻ em vẫn còn tổ chức nhiều trò chơi như rồng rắn lên mây, dung dăng dung dẻ, mèo đuổi chuột,... Mời bạn cùng tham khảo những bài đồng dao được hát trong trò chơi dân gian dưới đây.
5.1 Bài đồng dao dung dăng dung dẻ
Dung dăng dung dẻ,
Dắt trẻ đi chơi.
Đến cổng nhà trời,
Lạy cậu lạy mợ.
Cho cháu về quê,
Cho dê đi học.
Cho cóc ở nhà,
Cho gà bới bếp.
Xì xì xì xụp,
Ngồi thụp xuống đây.
Nguồn: Tần Gia Linh tuyển chọn và giới thiệu, Đồng dao Việt Nam (dành cho học sinh tiểu học), NXB Giáo dục, 2004
Dung dăng dung dẻ...
Dắt trẻ đi chơi,
Đến chỗ mát giời,
Chớ nên bỏ phí;
Thở làn không khí,
Vừa sạch vừa trong;
Lòng đã hả lòng,
Thân càng mạnh mẽ.
Dung dăng dung dẻ...
Giắt trẻ đi chơi,
Đến chỗ đông người,
Nếu không nhìn kỹ,
Người ta vô ý,
Chân dẵm phải chân,
Đau đớn muôn phần,
Còn chi vui vẻ!
Dung dăng dung dẻ...
Dắt trẻ đi chơi,
Qua chỗ rãnh, ngòi,
Gần nơi than lửa,
Nếu trông ngang ngửa,
Liều lĩnh bước chân,
Bẩn áo, cháy quần,
Còn chi sạch sẽ!
Dung dăng dung dẻ...
Dắt trẻ đi chơi,
Nhọc ta mệt ngồi,
Tỉnh tao lại bước,
Mắt coi đằng trước,
Chân chẳng lùi sau,
Dạo khắp hoàn cầu,
Dung dăng dung dẻ..
(Khuyết danh)
5.2 Bài đồng dao chi chi chành chành
Chu tri rành rành,
Cái đanh nổ lửa.
Con ngựa đứt cương,
Ba vương tập đế.
Cấp kế đi tìm,
Hú tim bắt ập.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
5.3 Bài đồng dao mèo đuổi chuột
Mời bạn lại đây,
Tay nắm chặt tay.
Đứng thành vòng rộng,
Chuột luồn lỗ nhỏ.
Chạy thẳng chạy mau,
Mèo đuổi theo sau.
Chuột cố chạy mau,
Trốn đâu cho thoát.
Thế rồi chú chuột,
Lại sắm vai mèo.
Co cẳng chạy theo,
Chú mèo hoá chuột.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
Chít chít meo meo,
Con mẻo con mèo.
Đuổi theo con chuột,
Con chuột chạy nhanh.
Luồn khe luồn hốc,
Con mèo nhanh lắm.
Giơ vuốt nhe nanh,
Đuổi theo con chuột.
Ô kìa! Con chuột,
Chẳng chạy được đâu.
Ô kìa! Con mèo,
Bắt ngay con chuột.
(Khuyết danh)
5.4 Bài đồng dao chơi chuyền
Cái mốt, cái mai
Con trai, con hến
Con nhện chăng tơ
Quả mơ, quả mận
Cái cận, lên bàn đôi
Đôi chúng tôi
Đôi chúng nó
Đôi con chó
Đôi con mèo
Hai chèo ba
Ba đi xa
Ba về gần
Ba luống cần
Một lên tư
Tư củ từ
Tư củ tỏi
Hai hỏi năm
Năm em nằm
Năm lên sáu
Sáu lẻ tư
Tư lên bảy
Bảy lẻ ba
Ba lên tám
Tám lẻ đôi
Đôi lên chín
Chín lẻ một
Mốt lên mười.
Chuyền chuyền một, một đôi...
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
5.5 Bài đồng dao rồng rắn lên mây
Rồng rắn lên mây
Có cây xúc sắc
Có quả đồng hồ
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?
5.6 Đồng dao kéo cưa lừa xẻ
Kéo cưa lừa xẻ,
Ông thợ nào khoẻ,
Về ăn cơm vua.
Ông thợ nào thua,
Về bú tí mẹ.
Kéo cưa lừa xẻ,
Làm ít ăn nhiều,
Nằm đâu ngủ đấy.
Nó lấy mất cưa,
Lấy gì mà kéo.
Nguồn: Tần Gia Linh tuyển chọn và giới thiệu, Đồng dao Việt Nam (dành cho học sinh tiểu học), NXB Giáo dục, 2004
Xem thêm:
Tổng hợp những câu đố dân gian Việt Nam thú vị
Top những câu đố vui tặng kèm đáp án không thể bỏ lỡ
Tổng hợp 52 câu đố về đồ dùng học tập giúp trẻ 'thử sức' tư duy
5.7 Đồng dao lộn cầu vồng
Lộn cầu vồng,
Nước sông đang chảy.
Thằng bé lên bảy,
Con bé lên ba.
Đôi ta cùng lộn.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
Lộn cầu vồng,
Nước trong nước chảy.
Có cô mười bảy,
Có chị mười ba.
Hai chị em ta,
Cùng lộn cầu vồng.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
5.8 Bài đồng dao Tập Tầm Vông
Tập Tầm Vông 1
Tập tầm vông,
Chị lấy chồng,
Em ở giá.
Chị ăn cá,
Em mút xương.
Chị nằm giường,
Em nằm đất.
Chị hút mật,
Em liếm ve.
Chị ăn chè,
Em liếm bát.
Chị coi hát,
Em vỗ tay.
Chị ăn mày,
Em xách bị.
Chị làm đĩ,
Em xỏ tiền.
Chị đi thuyền,
Em đi bộ.
Chị kéo gỗ,
Em lợp nhà.
Chị trồng cà,
Em trồng bí.
Chị tuổi Tí,
Em tuổi Thân.
Chị tuổi Dần
Em tuổi Mẹo.
Chị ăn kẹo,
Em mút kem...
Tập Tầm Vông 2
Tập tầm vông,
Con công hay múa,
Nó múa làm sao?
Nó rụt cổ vào,
Nó xoè cánh ra.
Nó đậu cành đa,
Nó kêu ríu rít.
Nó đậu cành mít,
Nó kêu vịt chè.
Nó đậu cành tre,
Nó kêu bè muống.
Nó đỗ dưới ruộng,
Nó kêu tầm vông.
Con công hay múa…
Tập Tầm Vông 3
Tập tầm vông, tay không tay có,
Tập tầm vó, tay có tay không.
Tay nào không? Tay nào có?
Tay nào có? Tay nào không?...
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
5.9 Bài đồng dao Bịt Mắt Bắt Dê
Một bầy trẻ nhỏ
Bịt mắt bắt dê
Dê vấp bờ hè
Ngã kềnh bốn vó
Mọi người cười rộ
Cố đuổi vòng quanh
Dê chạy thật nhanh
Túm ngay một chú
5.10 Bài đồng dao Nu na nu nống
Nu na nu nống,
Đánh trống phất cờ.
Mở cuộc thi đua,
Thi chân đẹp đẽ.
Chân ai sạch sẽ,
Gót đỏ hồng hào.
Không bẩn tí nào,
Được vào đánh trống.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
Nu na nu nống
Cái cống nằm trong
Con ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Phật ngồi Phật khóc
Con cóc nhảy ra
Con gà tú hụ
Nhà mụ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Tay xoè chân rụt
Nu na nu nống.
Nguồn: Đồng dao Việt Nam (dành cho học sinh tiểu học), Tần Gia Linh tuyển chọn và giới thiệu, NXB Giáo dục, 2004
5.11 Bài đồng dao Giã gạo
Giã chày một
Hột gạo vàng
Sanh chày đôi
Dôi thóc mẩy
Giã chày bảy
Đẩy chày ba
Các cô nhà ta
Đi ra mà giã
(NXB Trẻ)
Xem thêm:
Tổng hợp 50+ câu đố chữ hay và thú vị nhất (kèm đáp án)
Top 60+ câu đố tiếng Anh 'hack não' thú vị giúp trẻ vừa học vừa chơi
50 câu đố mẹo thông minh hot nhất (có đáp án)
6. Những bài đồng dao về gia đình
Những bài đồng dao về gia đình dạy các bé về các mối quan hệ căn bản trong gia đình để từ đó hình thành cách ứng xử với các thành viên trong gia đình cho phù hợp.
6.1 Bài đồng giao cái bống
Cái Bống là cái bống bang
Khéo sảy, khéo sàng cho mẹ nấu cơm
Mẹ Bống đi chợ đường trơn
Bống ra gánh đỡ chạy cơn mưa ròng.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
Cái bống là cái bống bang,
Con đi lấy sàng cho mẹ đổ khoai.
Con ăn một, mẹ ăn hai,
Con đi bốc muối thời khoai chẳng còn.
Con ngồi con khóc nỉ non,
Mẹ giận mẹ đạp, con bon đầu hè.
Có đánh thì đánh vọt tre,
Chớ đánh vọt nứa nữa què chân con.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
6.2 Đến thăm bà
Đến thăm bà
Bà đi vắng
Có đàn gà
Chơi ngoài nắng
Cháu đứng ngắm
Đàn gà con
Rồi gọi luôn
Bập, bập, bập
Chúng lật đật
Chạy nhanh nhanh
Xúm vòng quanh
Kêu: “Chiếp, chiếp.
Gà mải miết
Nhặt thóc vàng
Cháu nhẹ nhàng
Lùa vào mát
6.3 Bài đồng dao Cha mẹ
Sinh đẻ ra ta
Ấy là cha mẹ
Cha mẹ nuôi con
Tự ngày tấm bé
Con khôn lớn lên
Cha mẹ già yếu
Con nuôi cha mẹ
Một niềm kính hiếu
Không cha, không mẹ
Con chẳng thành người
Con cái không có
Già cả cậy ai ?
(NXB Trẻ)
6.4 Bài đồng dao Kì Đà
Kỳ đà là cha cắc ké
Cắc ké là mẹ kỳ nhông
Kỳ nhông là ông kỳ đà
Kỳ đà là cha cắc ké.
6.5 Bài đồng giao Chim Ri Là Dì Sáo Sậu
Bồ các là bác chim ri
Chim ri là dì sáo sậu
Sáo sậu là cậu sáo đen
Sáo đen là em tu hú
Tu hú là chú bồ các
Bồ các là bác chim ri...
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
Xem thêm:
Tổng hợp 63 câu đố lịch sử Việt Nam hay nhất không nên bỏ lỡ
Thử thách trí tuệ với 50 câu đố toán học vui nhộn
Top 50 câu đố về con vật thú vị, bổ ích
7. Đồng dao cho người lớn
Có những bài đồng dao không chỉ dành cho trẻ em mà còn để người lớn nghe và suy ngẫm về câu chuyện, sự việc ẩn giấu đằng sau. Những câu chuyện xưa được lồng ghép trong các câu ca, vần điệu của đồng dao dưới đây ẩn chứa trí tuệ và bài học thú vị mà cha ông gửi gắm, mời bạn cùng đọc.
7.1 Đồng dao chim xuất quân
Tùng tùng, đánh ba hồi trống!
Sắp quân cho chỉnh,
Phượng hoàng thống lĩnh,
Bạch hạc hiệp đồng,
Tả chi thì công,
Hữu chi thì sếu,
Giang cao ngất nghểu,
Đi trước tiên phong,
Cả mỏ bồ nông,
Đi sau tiếp hậu,
Sáo đen, sáo sậu,
Rán giục đôi bên,
Chú quạ thông tin,
Dóng dả ba quân,
Đội lương đi trước,
Một đàn vịt nước,
Chú két, chú le,
Sắm sửa thuyền bè,
Cho bọn trảy thủy,
Chim chích, chim ri,
Bé mọn biết gì,
Ở nhà coi sóc,
Chú cò chú cốc,
Coi sóc các làng,
Chèo bẻo nỏ nang,
Bầu cho làm huyện,
Đêm hôm đi tuần,
Phó cho chú vạc,
Chú ngỗng nghếch ngác,
Như thể đàn bà,
Chú vịt, chú gà,
Nhắc võng ông già,
Trèo lên núi chiều,
Giặc thấy đã nhiều,
Chạy như con cút.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
7.2 Đồng dao Con mèo mà trèo cây cau
Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
Chú chuột đi chợ đàng xa.
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo!
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
7.3 Bài đồng dao 10 con thỏ
Mười chú thỏ
Thỏ Cả ngã bệnh
Thỏ Hai thăm khám
Thỏ Ba mua thuốc
Thỏ Tư sắc thuốc
Thỏ Năm chết
Thỏ Sáu khiêng đi
Thỏ Bảy đào hố
Thỏ Tám chôn
Thỏ Chín ngồi dưới đất khóc lóc
Thỏ Mười hỏi lý do
Thỏ Chín đáp
Thỏ Năm đã một đi không trở lại...
(Đồng dao Trung Quốc)
7.4 Đồng dao thằng bờm
Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu,
Phú ông xin đổi một xâu cá mè.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè,
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi,
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.
Nguồn: Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1951.
7.5 Bài đồng dao Bắc Kim Thang
Bắc kim thang: cà, lang, bí rợ...
Cột qua kèo là kèo qua cột.
Chú bán dầu qua cầu mà té,
Chú bán ếch ở lại làm chi.
Con le le đánh trống thổi kèn,
Con bìm bịp thổi tò tí te tò te.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
7.6 Bài đồng dao Thả Đỉa Ba Ba
Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Phải tội đàn ông
Cơm trắng như bông
Gạo tiền như nước
Đổ mắm đổ muối
Đổ chuối hạt tiêu
Đổ niêu nước chè
Đổ phải nhà nào
Nhà nấy phải chịu.
Nguồn: Đồng dao Việt Nam (dành cho học sinh tiểu học), Tần Gia Linh tuyển chọn và giới thiệu, NXB Giáo dục, 2004
Xem thêm:
Thử thách phát âm 100 câu nói lẹo lưỡi đủ thứ tiếng
34 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về tính kỷ luật và pháp luật
70 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về kinh nghiệm sống hay
8. Những bài đồng dao nhớ ơn, nói về sự biết ơn
Nhớ ơn những bậc sinh thành, tổ tiên, quê hương, đất nước cũng là một chủ đề lớn trong các bài đồng dao Việt Nam. Những bài đồng dao nói về sự biết ơn giúp trẻ tiếp xúc sớm với lòng yêu thương từ đó hình thành nên nhân cách tốt trong cuộc sống.
8.1 Bài đồng dao Bà Còng Đi Chợ Trời Mưa
Bà còng đi chợ trời mưa,
Cái tôm cái tép đi đưa bà còng.
Đưa bà đến quãng đường đông,
Đưa bà vào tận ngõ trong nhà bà.
Tiền bà trong túi rơi ra,
Tép, tôm nhặt được trả bà mua rau.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
8.2 Bài đồng dao Hai Bàn Tay
Hai bàn tay
Tay này có
Tay này không
Xòe tay này
Xòe tay no.
Tay này có
Tay này không
Tay có bông
Dâng tặng mẹ.
8.3 Bài đồng dao ăn một bát cơm
Ăn một bát cơm
Nhớ người cày ruộng
Ăn đĩa rau muống
Nhớ người đào ao
Ăn một quả đào
Nhớ người vun gốc
Ăn một con ốc
Nhớ người đi mò
Sang đó
Nhớ người chèo chống
Nằm võng
Nhớ người mắc dây
Đứng mát gốc cây
Nhớ người trồng trọt.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
9. Đồng dao cho bé tập nói
Khi bé tập nói, bố mẹ hãy để bé tiếp xúc với những bài đồng dao đơn giản với các vần điệu, âm thanh liên tiếp dễ nhớ. Tuy rằng trẻ không hiểu mình đang nói gì nhưng việc hoạt động cơ miệng liên tục sẽ giúp trẻ nhanh biết nói hơn.
9.1 Bài đồng giao Ba bà đi bán lợn con
Ba bà đi bán lợn con,
Bán đi chẳng được lon xon chạy về.
Ba bà đi bán lợn sề,
Bán đi chẳng được chạy về lon xon.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
9.2 Bài đồng dao Tay trắng tay đen
Bàn tay trắng
Bàn tay đen
Đĩa đậu đen
Đĩa đậu đỏ
Bỏ vô nồi
Nuớc sôi
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
9.3 Bài đồng dao Ù À Ù Ập
Ù à ù ập
Bắt chập lá tre
Bắt đè lá uống
Bắt cuống lên hoa
Bắt gà mổ thóc
Bắt học học cho thông
Cày đồng cho sớm
Nuôi lợn cho chăm
Nuôi tằm cho rỗi
Dệt cửi cho mau
Nuôi trâu cho mập
Ù à ù ập.
9.4 Bài đồng giao Xỉa cá mè
Xỉa cá mè
Đè cá chép
Chân nào đẹp
Đi giao men
Chân nào xấu
Ở nhà làm chó làm mèo.
Ai mua men, ra mua
Gâu! Gâu! Gâu!
Meo! Meo! Meo!
Xỉa cá mè
Đè cá chép
Chân nào đẹp
Đi buôn men
Chân nào đen
Ở nhà làm chó
Ai mua men?
Mua men gì?
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
9.5 Bài đồng dao Các Loài Chim
Sáo sậu là cậu sáo đen
Sáo đen là em sáo đá
Sáo đá là má bồ nông
Bồ nông là ông ác là
Ác là là bà tu hú
Tu hú là chú chim ri
Chim ri là dì chim xanh
Chim xanh là anh cò bợ
Cò bợ là vợ thằng Ngô
Thằng Ngô là cô sáo sậu
Sáo sậu là cậu sáo đen.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
Xem thêm:
Top 50+ lời chúc mừng mẹ tròn con vuông đầy ý nghĩa
Tổng hợp 50+ lời chúc dành cho em bé mới sinh hay nhất
Top 77 status hay khi đăng ảnh trẻ con siêu ngọt ngào
10. Đồng dao về mùa xuân
Mùa xuân là mùa của lễ hội, của vui chơi, vì thế trong dân gian có rất nhiều bài đồng dao được trẻ em sử dụng trong những ngày này.
10.1 Bài đồng dao xúc xắc xúc xẻ 1
Xúc xắc xúc xẻ
Năm mới năm mẻ
Nhà nào còn thức
Mở cửa cho chúng tôi
Bước lên thềm cao
Thấy đôi rồng ấp
Bước xuống thềm thấp
Thấy đôi rồng chầu
Bước ra đằng sau
Thấy nhà ngói lợp
Voi ông còn buộc
Ngựa ông còn cầm
Ông sống một trăm
Linh năm tuổi lẻ
Vợ ông sinh đẻ
Đứa con tốt lành!
10.2 Bài đồng dao xúc xắc xúc xẻ 2
Xúc xắc xúc xẻ
Tiền lẻ bỏ vào
Bỏ được đồng nào
Được thêm đồng ấy
Ống đâu cất đầy
Đến Tết chẻ ra
Mua cái áo hoa
Mà khoe với mẹ
Xúc xắc xúc xẻ.
Nguồn: Đặng Anh Tú, Đồng dao Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, 2009
10.3 Bài đồng dao chúc tết
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè Tết đến
Bạn bè thân mến
Cùng nhau sum vầy
Sức khỏe tràn đầy
Gia đình hạnh phúc
Nhà nhà sung túc
Mừng đón xuân sang
Một nhành mai vàng
Bên mâm ngũ quả
Tiếng cười rộn rã
Vang khắp mọi nhà
Đây đó gần xa
Tiếng cười trẻ nhỏ
Rộn ràng ngoài ngõ
Mừng tuổi ông bà
Kính chúc mẹ cha
Sống lâu hạnh phúc
Cháu con xin chúc
Làm ăn phát tài
An khang thịnh vượng.
Đồng dao là vốn quý của một nền văn hóa mà ta cần bảo tồn cho thế hệ sau. Hiện nay nhiều nhà thơ đã sáng tạo thêm các bài đồng dao phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện đại hơn. Ngoài ra các nhạc sĩ cũng đã phổ nhạc nhiều bài đồng dao trở thành những nhạc phẩm được ưa thích đối với các bạn nhỏ. Bố mẹ nên, cùng học, cùng đọc, cùng hát đồng dao với trẻ, việc này không những giúp gìn giữ và lưu truyền nét văn hóa ẩn chứa trong các bài đồng dao mà còn giúp trẻ nâng cao trí tuệ, học hỏi những điều bổ ích nữa đấy.
Sưu tầm