Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sử thi là gì? 8 truyện sử thi kinh điển của Việt Nam và thế giới

(VOH)- Sử thi là thể loại văn học cổ xưa có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn hóa của các nền văn minh cổ đại. Tìm hiểu sử thi có đặc điểm gì qua bài viết dưới đây.

Sử thi một là khái niệm của loại văn học dân gian có ảnh hưởng lớn đến nền văn minh loài người. Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn thế nào là sử thi, phân loại và các tác phẩm sử thi tiêu biểu. Hy vọng bài viết có thể giúp bạn hiểu đúng, đủ và sâu hơn về thể loại này.

1. Sử thi là gì và các khái niệm liên quan

Mỗi thể loại văn học đều có một cái hay và ảnh hưởng đến văn hóa nhất định và sử thi cũng vậy. Để tìm hiểu cái riêng, cái đặc sắc đằng sau sử thi, đầu tiên chúng ta sẽ xem qua khái niệm, đặc trưng và phân loại chúng.

1.1  Khái niệm sử thi là gì?

Sử thi là một thể loại khá đặc biệt trong văn học, nó được dùng để chỉ những tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn và ngôn từ chứa vần nhịp. Nội dung của tác phẩm thường hàm chứa bức tranh hoàn chỉnh về đời sống nhân dân với nhân vật đại diện là anh hùng hay một dũng sĩ nào đó.

Mặc khác, sử thi thường được sinh ra và tồn tại trong đời sống các dân tộc ít người. Thế nên nó không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn được xem như một biểu tượng đại diện cho văn hoá của họ. Khuynh hướng sử thi (hay tính sử thi) trong đề tài này thể hiện qua tình cảm, niềm tự hào, sự ca ngợi của tộc người về một sự kiện lớn lao, vĩ đại nhất định.

1.2 Đặc trưng của sử thi

Để phân biệt sử thi với các thể loại còn lại, chúng ta có thể dựa vào 2 đặc trưng tiên quyết sau. Đầu tiên, nếu xét theo nội dung thì sử thi kể về sự kiện trọng đại của quá khứ. Nó có tính rộng lớn vì biểu hiện cho toàn bộ đời sống, văn hoá, lịch sử cộng đồng, đặc biệt là thể hiện quá trình phát triển của dân tộc đó qua các thời kỳ khác nhau.

Thứ hai, về mặt nghệ thuật, các tác phẩm sử thi là chuyện kể văn vần xen lẫn văn xuôi. Nó sử dụng các yếu tố thành ngữ, tục ngữ hay cổ ngữ và kể cả ngôn từ dân gian để làm nền cho mình.

1.3 Phân loại sử thi

Xuất hiện từ khá sớm, hiện nay số lượng các tác phẩm sử thi đã trở nên “đồ sộ”, nhưng căn cứ trên nội dung người ta vẫn chia được chúng thành 2 tiểu loại dưới đây.

  • Sử thi thần thoại

Như tên gọi, đặc trưng của loại sử thi này là tập hợp những thần thoại cổ đại riêng rẽ thành một chỉnh thể là anh hùng văn hoá. Trong đời sống và tinh thần của người dân, nó được ví như một quyển “bách khoa toàn thư” khi chứa đến hàng ngàn câu thơ được sinh ra từ thời kỳ lịch sử hình thành tộc người, đất nước. Ví dụ một số sử thi Việt Nam sau thuộc thể loại thần thoại là Đẻ đất đẻ nước của người Mường, Ẩm ệt luông (dân tộc Thái) hay Cây nêu thần (người Mơ -nông), hay Sử thi Gilgamesh (Lưỡng Hà),...

  • Sử thi anh hùng

Sử thi trên kể về cuộc đời của các vị anh hùng - những người tài giỏi, gan góc đứng lên chiến đấu bảo vệ thị tộc, bộ lạc hoặc mở mang vùng đất cư trú của tộc người. Để dễ dàng hình dung bạn có thể tham khảo một số sử thi là Đăm Săn, Xinh Nhã, Khinh Dú (cả 3 tác phẩm trên đều của người Ê-đê), Đăm Noi (Ba- Na), Sử thi Iliad Odyssey của Hy Lạp, Ramayana (Ấn Độ),...

Xem thêm: 

Truyện đồng thoại là gì? Giới thiệu một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu 
Truyện thần thoại là gì? 5 truyện thần thoại Việt Nam hay nhất
Truyện cổ tích là gì? Một số truyện cổ tích Việt Nam hay và ý nghĩa 

2. Tổng hợp các tác phẩm sử thi nước ngoài nổi bật

Trên thế giới sử thi đã được hình thành từ lâu đời và nhuốm màu sắc bí ẩn. Để hiểu sâu sắc hơn về nó, chúng tôi mời bạn xem qua các ví dụ về các tác phẩm dưới đây.

2.1 Sử thi Lưỡng Hà - Gilgamesh

Bắt nguồn từ miền đất Lưỡng Hà - cái nôi của nền văn minh cổ đại, sử thi Gilgamesh được ví như thiên sử đầu tiên của nhân loại. Theo nghiên cứu cho thấy nó đã tồn tại hơn 4000 năm và được sáng tác vào thời kỳ của các quốc gia cổ Sumer và Akkad. Nội dung tác phẩm viết về vị vua Gilgamesh - anh hùng trong thần thoại Lưỡng Hà cổ đại. Tương truyền ông mang trong mình 2/3 dòng máu của thần thánh nên có sức mạnh hơn người. 

Thế nhưng vì là vị vua của một vương quốc quá đỗi hùng mạnh nên Gilgamesh trở nên kiêu ngạo. Để kiềm chế năng lượng phá hoại của ông các vị thần đã tạo một người bạn Enkidu. Enkidu lớn lên giữa bầy thú và khi thành người hắn đi đến Uruk chống lại sự lạm dụng quyền của Gilgamesh, hai người đánh nhau và sau cùng trở thành bạn vì cảm phục tài năng đối phương. 

Trong một cuộc phiêu lưu cùng nhau, Enkidu chẳng may qua đời. Gilgamesh vô cùng thương tiếc bạn mình nên đã không trở lại ngai vàng mà đi tìm ý nghĩa của sự sống - cái chết và được một vị ẩn sĩ tặng cho một loại cây thần giúp trẻ hoá. Ông quay trở về trị vì đất nước và mang loại cây này cho nhân dân nhưng giữa đường lại bị con rắn cướp mất. Nên thiên sử thi này đã giải thích được một phần nào vì sao loài rắn có thể tự lột xác.

Thông qua tác phẩm, người dân ca tụng những con người dám đương đầu với thử thách, sống hết mình cho tình bạn, tình yêu dẫu cho cuộc đời ngắn ngủi. Đến ngày nay sử thi Gilgamesh vẫn ảnh hưởng rộng khắp trong những sáng tác văn học sau này ở Cận Đông Hy Lạp và La Mã cổ đại.

Sử thi là gì? Tổng hợp một số sử thi kinh điển của Việt Nam và thế giới 1

2.2 Sử thi Ấn Độ

Trong văn học - nghệ thuật Ấn Độ có những bộ sử thi được cả thế giới biết đến. Trong đó có 2 bộ sử thi nổi bật là Ramayana và Mahabharata với từ 2 - 4 vạn khổ thơ mỗi bộ.

2.2.1 Sử thi Mahabharata

Sử thi Mahabharata (Ma-ha-bà-la-đa) là bộ sử thi “khổng lồ” của người Ấn được viết bằng tiếng Phạn và sáng tác kéo dài trong khoảng 1000 năm. Nội dung của sử thi Mahabhara là cuộc chiến giành vương quyền của hai anh em họ trong chiến tranh Câu Lư và số phận của hoàng tử Kaurava, Pāṇḍava cùng con cháu.

Tương truyền, tác phẩm này ban đầu do hiền giả Vyasa đọc cho thần Trí Tuệ và Thần Thịnh Vượng chép lại. Theo thời gian, bộ sử thi này được các đời thi sĩ, hiền triết thêm thắt ít nhiều. Đến thời điểm hiện tại, trong bộ sử thi này có khoảng 3000 nhân vật chính, phụ.

Ngày nay, nhờ vào thiên sử thi Mahabharata mà chúng ta có thể biết thêm về đời sống, kinh tế, văn hoá-chính trị của người Ấn vào khoảng 3000 năm trước. Ngoài ra, tác phẩm còn thể hiện những nét độc đáo của Ấn thông qua tâm hồn, tư tưởng và bút pháp văn chương.

Xem thêm “Bhisma và Amba” trích trong bộ sử thi Mahabharata do tác giả Nguyễn Quỳnh tóm tắt

Nữ thần sông Hằng ra đi, vua Shantanu kết duyên với mỹ nhân Satyavati, con nuôi của một ông lão đánh cá. Trước đó Satyavati đã có với một pháp sư Bà La Môn một người con là hiền giả Vyasa, tương truyền là tác giả của Chí Tôn Ca. Điều kiện để kết hôn với với mỹ nhân Satyavati rất khắt khe: vua Shantanu phải lập con trai nàng làm Đông cung Thái tử thay vì Hoàng tử Santana. Để giúp vua cha mãn nguyện với nàng Satyavati, Hoàng tử Santana tự từ bỏ ngôi vị Đông cung Thái tử và hứa suốt đời sống độc thân để tránh chuyện con cháu tranh ngôi sau này. Vì đức hạnh của Shantana cao quý như thế nên người đời gọi chàng là Bhisma, tức là “người đã thực hiện được lời thề khó.”

Hoàng hậu Satyavati sinh được hai con là Hoàng tử Chitrangada và Vichitra Virya. Chitrangada chẳng may tử trận, Vichitra Virya lên kế vị  vua cha, Bhisma làm nhiếp chính. Trong một cuộc tỉ thí võ nghệ theo truyền thống, vua Salva của xứ SauBha được nàng Amba yêu thương, nhưng khi đụng đầu với Bhisma ông bị thua nhưng Bhisma tha không giết, mà chỉ chọn nàng Amba như một chiến công theo truyền thống gọi là Swayamvara (chọn cho mình). Bhisma mang nàng về kinh đô Hastinapur dâng cho em cùng cha khác mẹ Vichitra Viya. Amba từ chối với lý do nàng chỉ yêu Salva. Do đó, Bhisma phải đưa Amba về Salva. Song lễ, Salva cảm thấy nhục vì thua Bhisma, nên ông không nhận Amba, và gửi nàng lại cho Bhisma vì ông nghĩ Bhisma xứng đáng được nàng trong một trận đánh danh dự. Điều này làm nàng Amba thất vọng. Nhưng khi trở lại Hastinapur thì tình thế càng trở nên bi đát hơn vì Vichitra Vì không chịu lấy nàng với lí do tim nàng đã để cho người khác. Amba xin Bhisma cưới nàng, nhưng Bhisma từ chối vì chàng đã hứa sống độc thân. Amba uất hận cho rằng mọi bất hạnh xảy ra cho nàng chỉ vì Bhisma. Nàng lại trở về với Salva, nhưng một lần nữa lại bị Salva từ chối. Amba trở lại triều đình Hastinapur và tìm hiệp sĩ sẵn sàng vì mình hạ thủ Bhisma. Nhưng không hiệp sĩ nào dám nhận lời, một phần vì họ kính trọng Bhisma, và cũng một phần họ sợ Bhisma.

Amba tu hành khắc khổ cốt để mong Thần Vishnu giúp đỡ. Thần Vishnu trao cho Amba một vòng hoa và bảo rằng nếu ai đeo vòng hoa đó, người ấy sẽ trở thành kẻ thù của Bhisma. Amba đến xứ Pancalas dâng vòng hoa cho vua Drupada. Nhưng Drupada, dầu là một hổ tướng, từ chối giao chiến với Bhisma. Cuối cùng, nghe theo lời khuyên của một vài ẩn sĩ, Amba tìm đến Parasurama. Parasurama là một nhà tu Bà La Môn nổi tiếng, tinh thông võ nghệ, và cũng là người thề sẽ tận diệt giai cấp võ sĩ đạo. Parasurama trở thành Thiên sứ (Avatar) của Vishnu và đã từng thực hiện nhiều trai giới dâng lên cho vị thần này. Parasurama nhận lời giúp Amba. Nhưng khi giao đấu, Parasurama bị Bhisma hạ. Thế là Amba tiêu tan hy vọng.

Amba đến Hy Mã Lạp Sơn, khổ công tu luyện hơn nữa để mong thần Shiva giúp đỡ. Thần Shiva hiện ra, hứa với nàng rằng kiếp tới Amba sẽ là một người đàn ông. Không thể chờ đợi được, Amba chụm một đống lửa lớn rồi nhảy vào tự thiêu. Nàng trở lại kiếp người có cái tên là Sikhandin, một trong những hoàng-tử của vua Drupada, rồi trở thành một trong những chiến tướng, sau này đối trận với Bhisma.

 

Sử thi là gì? Tổng hợp một số sử thi kinh điển của Việt Nam và thế giới 2

2.2.2 Sử thi Ramayana 

Mặc dù không “đồ sộ” như thiên sử thi Mahabharata nhưng Ramayana  có từ rất lâu  khoảng 3000 năm về trước, nên nó đã đi sâu vào tâm hồn người Ấn Độ. Về nguồn gốc, truyền thuyết cho rằng tác giả của sử thi Ramayana là nhà hiền triết Valmiki sống vào khoảng thế kỷ VI - V trước công nguyên.

Tác phẩm được viết bằng tiếng Phạn với phong cách gần giống với thơ ca cổ điển của người Ấn. Nếu ở Mahabharata nội dung là cuộc chiến vương quyền nảy lửa thì bộ sử thi Ramayana là câu chuyện về tình yêu và gia đình. 

Sử thi Ramayana không chỉ phản ánh được sự phát triển của xã hội Arian xưa mà còn ca ngợi đạo đức và chiến công của Hoàng tử Rama, ca ngợi sự chung thuỷ của nàng Si-ta. Chính vì thế trong suốt nhiều thế kỷ qua, người dân nơi đây xem đó như một nền tảng đạo lý, nguồn tri thức bất tận của dân tộc. 

Xem thêm: Trích đoạn Ramayana buộc tội

Gia-na-ki khiêm nhường đứng trước Ra-ma. Ra-ma nói: “Hỡi phu nhân cao quý! Ta đưa nàng tới đây sau khi đã đánh bại kẻ thù. Ta đã làm tất cả bằng khả năng của mình. Ta đã trả thù kẻ lăng nhục ta và cơn giận của ta đã hả. Ngày hôm nay, ai nấy đều đã được chứng kiến tài nghệ của ta. Ta đã làm tròn lời hứa, và giờ đây không còn gì vướng mắc với chính mình. Nàng đã bị gã Rắc-sa-xa tâm địa xảo trá bắt cóc khi vắng mặt ta, đó là do số phận nàng xui nên, nhưng ta đã gỡ cho nàng khỏi điều vu khống. Kẻ nào bị quân thù lăng nhục mà không đem tài nghệ của mình ra để trả thù là kẻ tầm thường. Ngày hôm nay, việc chàng Ha-nu-man hảo hán vượt biển cả đã kết thúc thành công; việc đốt phá lan-ka và những kỳ tích khác đã đem lại vinh quang. Ngày hôm nay, tài nghệ và những lời khuyên sáng suốt của Vi-phi-sa-na[3] đã hoàn toàn được chứng tỏ; cả những cố gắng của chàng cũng thành công tốt đẹp, chàng đã từ bỏ người anh bất hảo của mình, ủng hộ đại nghĩa của ta và nương tựa vào ta”.

Nghe những lời đó, Gia-na-ki mở tròn đôi mắt đẫm lệ. Thấy người đẹp khuôn mặt bông sen với những cuộn tóc lượn sóng đứng trước mặt mình, lòng Ra-ma đau như dao cắt. Nhưng vì sợ tai tiếng, chàng bèn nói với nàng, trước mặt những người khác: “Để trả thù sự lăng nhục, ta đã làm những gì mà một con người phải làm: ta đã tiêu diệt Ra-va-na. Cũng như đại đạo sĩ A-ga-xti-a nhờ công sám hối, khổ hạnh đã giải thoát cho các xứ phương Nam khỏi nỗi kinh khiếp đối với In-van và Va-ta-pi[4], ta cũng giải thoát cho cõi thế gian này khỏi mối lo sợ Ra-va-na.

Phải biết chắc điều này: chẳng phải vì nàng mà ta đánh thắng kẻ thù với sự giúp đỡ của bạn bè. Ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta, để xóa bỏ vết ô nhục, để bảo vệ uy tín và danh dự của dòng họ lẫy lừng tiếng tăm của ta. Ta làm điều đó chính là để chứng tỏ ta không thuộc về một gia đình bình thường. Nay ta phải nghi ngờ tư cách của nàng, vì nàng đã lưu lại trong nhà một kẻ xa lạ. Giờ đây, nàng đang đứng trước mặt ta, nhưng trông thấy nàng, ta không chịu nổi, chẳng khác nào ánh sáng đối với người bị đau mắt. Vậy ta nói cho nàng hay, nàng muốn đi đâu tuỳ nàng, ta không ưng có nàng nữa. Người đã sinh trưởng trong một gia đình cao quý có thể nào lại lấy một người vợ từng sống trong nhà kẻ khác, đơn giản chỉ vì mụ ta là một vật để yêu đương? Nàng đã bị quấy nhiễu khi ở trong vạt áo của Ra-va-na, đôi mắt tội lỗi của hắn đã hau háu nhìn khắp người nàng, vậy làm sao ta có thể nhận hàng về khi nghĩ tới gia đình cao quý đã sinh ra ta?

Nay mục đích cứu nàng đã đạt được rồi, ta không cần đến nàng nữa. Nàng muốn đi đâu tuỳ ý. Hỡi phu nhân cao quý! Ta nói rõ cho nàng hay, chẳng chút quanh co, ngập ngừng: nàng có thể để tâm đến Lắc-ma-na, Bha-ra-ta, Xa-tru-na, Xu-gri-va, hay nếu nàng thích, nàng có thể đi theo Vi-phi-sa-na cũng được...

Thấy nàng yêu kiều xinh đẹp, lại có được nàng trong nhà hắn, Ra-va-na đâu có chịu đựng được lâu”.

Nghe những lời giận dữ đó của Ra-ma, Gia-na-ki đau đớn đến nghẹt thở, như một cây dây leo bị vòi voi quật nát. Nghe những lời tố cáo chưa từng có, trước mặt đông đủ mọi người, Gia-na-ki xấu hổ cho số kiếp của nàng. Nàng muốn tự chôn vùi cả hình hài thân xác của mình. Mỗi lời nói của Ra-ma xuyên vào trái tim nàng như một mũi tên. Nước mắt nàng đổ ra như suối. Lấy tà áo lau nước mắt, rồi bằng giọng nghẹn ngào, nức nở, nàng nói: “Cớ sao chàng lại dùng những lời lẽ gay gắt khó tả như vậy đối với thiếp, giống như một kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thấp hèn? Thiếp đâu phải là người như chàng tưởng! Thiếp có thể lấy tư cách của mình ra mà thề, hãy tin vào danh dự của thiếp. Suy từ hành vi của loại phụ nữ thấp hèn, chàng đã ngờ vực tất cả giới phụ nữ, nhưng như thế đâu có phải. Nếu chàng có hiểu biết thiếp chút đỉnh thì xin hãy từ bỏ mối ngờ vực không căn cứ đó đi.

Chàng xem, Ra-va-na đã đụng tới thiếp khi mà thiếp đang chết ngất đi, làm thế nào tránh được? Vế điều đó, chỉ có số mệnh của thiếp là đáng bị chê trách, nhưng những gì nằm trong vòng kiểm soát của thiếp, tức trái tim thiếp đây, là thuộc về chàng.

Thiếp có thể làm gì với cái thân thiếp đây, bởi nó có thể phụ thuộc vào kẻ khác, khi thiếp hoàn toàn ở dưới quyền lực của hắn. Thiếp còn gì là thanh danh, nếu như chàng vẫn chưa hiểu được thiếp qua tình yêu của thiếp và qua tiếp xúc với tâm hồn của thiếp. Hồi chàng phái Ha-nu-man tới dò tin tức về thiếp, cớ sao chàng không gửi cho thiếp lời nhắn nhủ chàng từ bỏ thiếp? Nếu thế thì thiếp đã kết liễu đời mình ngay trước mặt chàng Va-na-ra[8] đó rồi. Mà sự thể đã như vậy, thì chàng chẳng cần phải mạo hiểm để có thể nguy hại đến thân mình; và các bạn hữu của chàng đã khỏi phải chịu đựng những phiền muộn, đau khổ. Hỡi đức vua! Như một người thấp hèn bị cơn giận giày vò, Người đang nghĩ về thiếp như một phụ nữ tầm thường. Tên thiếp là Gia-na-ki, bởi vì thiếp có liên quan đến lễ tế sinh của nhà vua Gia-na-ka chứ không phải vì thiếp sinh ra trong gia đình đó; chỉ có nữ thần Đất là mẹ của thiếp thôi. Vì không thể suy xét cho đúng đắn, chàng đã không hiểu được bản chất của thiếp. Chàng không nghĩ đến vì sao hồi còn thanh niên chàng đã cưới thiếp. Tình yêu của thiếp, lòng trung thành của thiếp nay xem ra hoàn toàn vô ích!”

Nói dứt lời, Gia-na-ka oà khóc. Nàng nói với Lắc-ma-na lúc này đang buồn bã và suy nghĩ ủ ê: “Hỡi Lắc-ma-na, em hãy chuẩn bị cho chị một giàn hoả thiêu. Với nông nỗi đáng buồn hiện nay, đó là phương thức duy nhất cho chị. Chị không muốn sống sau những lời tố cáo lầm lạc như vậy. Chồng chị không hài lòng về chị, chàng đã ruồng rẫy chị trước mặt mọi người. Giờ thì chị sẽ từ bỏ tấm thân này cho ngọn lửa”.

Cố nén cơn giận, Lắc-ma-na nhìn Ra-ma, và qua nét mặt, cử chỉ của người anh, Lắc-ma-na đoán được động cơ của anh. Chàng chuẩn bị một giàn hoả thiêu cho Xi-ta.

Vào lúc đó, chẳng có ai trong đám bạn hữu dám nói gì với Ra-ma, hoặc nhìn vào chàng; lúc đó nom chàng khủng khiếp như thần Chết vậy.

Ra-ma vẫn ngồi, mắt dán xuống đất, Xi-ta lượn quanh chàng rồi bước tới giàn lửa. Sau khi cúi lạy chư thần, đấng Bra-ma[9], nàng thứa với thần Lửa A-nhi: “Nếu con trước sau một lòng một dạ với ra-ma thì cúi xin thần hãy tìm cách bảo vệ con. Ra-ma đã coi một phụ nữ trinh tiết như một kẻ gian dối, nhưng nếu con trong trắng, xin thần A-nhi phù hộ cho con”.

Nói dứt lời, Gia-na-ki lượn quanh giàn thiêu rồi dũng cảm bước vào ngọn lửa. Ai nấy, già cũng như trẻ, đau lòng đứt ruột xem nàng Gia-na-ki đứng trong giàn hoả. Trước mặt mọi người, trang tuyệt sắc giai nhân đó nạp mình cho lửa. Các bậc thánh, các chư thần nhìn Gia-na-ki bước vào lửa, chẳng khác một lễ vật trong lễ tế sinh.

Thấy nàng như vậy, như một thiên thần bị đuổi khỏi trời do một thần chú nguyền rủa, các phụ nữ bật tiếng khóc thảm thương. Cả loài Rắc-sa-xa lẫn loài Va-na-ra cùng kêu khóc vang trời trước cảnh tượng đó.

 

Sử thi là gì? Tổng hợp một số sử thi kinh điển của Việt Nam và thế giới 3

2.3 Sử thi Hy Lạp

Hy Lạp - một quốc gia có nền văn minh lâu đời và được xem là “vùng đất của các vị thần”, chính vì vậy các thiên sử thi của vùng đất này luôn nhuốm đầy màu sắc anh hùng, dũng mãnh vượt trội. Bạn có thể tham khảo các loại sử thi được đề xuất dưới đây.

2.3.1 Sử thi Iliad

Iliad là một bản sử thi do Homer - nhà thơ cổ đại xuất sắc của Hy Lạp sáng tác. Ông cũng là “cha đẻ” của bản thiên anh hùng ca Odyssey. Hai tác phẩm này của Homer được người đời sau ví như “trụ cột của văn học phương Tây cổ đại”.  

Ở bộ sử thi Iliad nó bao gồm 15.693 câu thơ kể về 50 ngày trong năm thứ 10 của cuộc chiến tranh thành Troy. Nội dung xoay quanh mối quan hệ mâu thuẫn, bất hoà của thống soái Agamemnon và vị tướng kiệt xuất Hy Lạp - Achilles.Từ đó dẫn đến chiến tranh và cái chết của hoàng tử thành Troy.

Khi đọc sử thi Iliad, bạn có thể cảm nhận rõ đời sống của người Hy Lạp cổ đại. Tác phẩm còn cho thấy quá trình chuyển biến từ chế độ thị tộc sang chế độ nô lệ, ca ngợi vị tướng tài Achilles và Hektor. 

Sử thi là gì? Tổng hợp một số sử thi kinh điển của Việt Nam và thế giới 4

2.3.2  Sử thi odyssey (sử thi ô - đi - xê)

Nối tiếp Iliad, sử thi Odyssey gồm 12.110 câu thơ được chia thành 24 khúc ca. Nội dung trung tâm của tác phẩm nói đến hành trình trở về quê hương đầy khó khăn, thử thách của Uy-lít-xơ sau khi chiến thắng thành Troy. 

Qua đó, nó gợi lên tình yêu quê hương, tình vợ chồng, cha con, tình bạn phi thường.

Ngoài ra, tác phẩm còn ngợi ca sự anh dũng, trí tuệ và nghị lực của con người với khát vọng chiến thắng thế giới, gắn liền với mơ ước về cuộc sống bình yên, hạnh phúc. 

Xem thêm: Uy-lít-xơ trở về (trích Ô - đi -xê)

Giả dạng làm người hành khất, Uy-lít-xơ đã vào được trong ngôi nhà của mình, được Pê-nê-lốp cho phép ở lại để kể cho nàng nghe những câu chuyện về chồng nàng mà anh ta biết. Pê-nê-lốp tổ chức cuộc thi bắn cung chọn chồng dựa vào đó hai cha con Uy-lít-xơ trù tính cách thức tiêu diệt kẻ thù. Bọn cầu hôn không ai thực hiện được yêu cầu của cuộc thi. Uy-lít-xơ dưới bộ áo hành khất xin tham dự và đã thắng. Vớ cây cung trong tay, Uy-lít-xơ tiêu diệt những tên cầu hôn đầu sỏ, đánh đuổi chúng ra khỏi nhà, trừng phạt lũ đầy tớ phản chủ. Đoạn dưới đây kể tiếp màn vợ chồng đoàn viên…

(Nhũ mẫu Ơ-ri-clê lên gác gọi Pê-nê-lốp dậy, báo cho nàng biết Uy-lít-xơ chồng nàng đã trở về, đã trừng trị bọn cầu hôn. Nhưng Pê-nê-lốp vẫn không tin...)

Pê-nê-lốp thận trọng nói:

- Già ơi, già hãy khoan hí hửng, reo cười. Già cũng biết, nếu chàng trở về thì mọi người trong nhà, nhất là tôi và con trai chúng tôi sinh ra kia sẽ sung sướng xiết bao! Nhưng câu chuyện già kể không hoàn toàn đúng sự thực. Đây là một vị thần đã giết bọn cầu hôn danh tiếng, một vị thần bất bình vì sự láo xược bất kham và những hành động nhuốc nhơ của chúng. Vì chúng chẳng kiêng nể một ai trên cõi đời này, dù là dân đen hay người quyền quý, hễ gặp chúng là bất cứ ai cũng bị chúng khinh miệt. Vì sự bất công điên rồ của chúng nên chúng phải đền tội đấy thôi. Còn về phần Uy-lít-xơ thì ở nơi đất khách quê người chàng cũng đã hết hi vọng trở lại đất A-cai, chính chàng cũng đã chết rồi.

Nhũ mẫu Ơ-ri-clê hiền thảo đáp:

- Con ơi! Sao con dám hé răng nói vậy? Chồng con đang ở đây, ngay tại nhà này, mà con lại không tin, nói rằng người sẽ không bao giờ về nữa! Vậy để già nói cho con biết một dấu hiệu khác nhé, một dấu hiệu không sao cãi được: đó là cái sẹo do răng nanh trắng của một con lợn lòi húc người ngày xưa để lại. Khi gì rửa chân cho người, già chợt nhận ra cái sẹo đó. Già đã toan mách bảo con, nhưng người đưa tay bịt miệng già lại, cấm nói, vì người đang có trong đầu óc một ý nghĩ rất khôn. Vậy con cứ đi với già. Già đem tính mệnh ra đánh cuộc với con: nếu già lừa dối con thì con cứ đem giết già đi bằng cách nào tàn ác nhất.

Pê-nê-lốp thận trọng đáp:

- Già ơi! Dù già sáng suốt đến đâu, già cũng không sao hiểu thấu những ý định huyền bí của thần kinh bất tử. Nhưng thôi, gác chuyện đó lại. Bây giờ ta hãy xuống nhà với Tê-lê-mác để xem xác chết của bọn cầu hôn và người giết chúng.

Nói xong, nàng bước xuống lầu. Lòng nàng rất đỗi phân vân: nàng không biết nên đứng xa xa hỏi chuyện người chồng yêu quý của mình hay nên lại gần, ôm lấy đầu, cầm lấy tay người mà hôn? Khi vào đến nhà, bước qua ngưỡng cửa bằng đá, nàng đến ngồi trước mặt Uy-lít-xơ, dưới ánh lửa hồng, dựa vào bức tường đối diện, còn Uy-lít-xơ thì ngồi tựa vào một cái cột cao, mắt nhìn xuống đất, đợi xem bây giờ tận mắt trông thấy mình rồi, người vợ cao quý của mình sẽ nói gì với mình. Nhưng nàng vẫn ngồi lặng thinh trên ghế hồi lâu, lòng sửng sốt, khi thì đăm đăm âu yếm nhìn chồng, khi lại không nhận ra chồng dưới bộ áo quần rách mướp.

Tê-lê-mác bèn cất lời trách mẹ gay gắt:

- Mẹ ơi, mẹ thật tàn nhẫn, và lòng mẹ độc ác quá chừng! Sao mẹ lại ngồi xa cha con như thế, sao mẹ không đến bên cha, vồn vã hỏi han cha? Không, không một người đàn bà nào sắt đá đến mức chồng đi biền biệt hai mươi năm nay, trải qua bao nỗi gian lao, bây giờ trở về xứ sở, mà lại có thể ngồi cách xa chồng như vậy. Nhưng mẹ thì bao giờ lòng dạ cứng rắn hơn cả đá.

Pê-nê-lốp thận trọng đáp:

- Con ạ, lòng mẹ kinh ngạc quá chừng, mẹ không sao nói được một lời, mẹ không thể hỏi han, cũng không thể nhìn thẳng mặt người. Nếu quả thực đây chính là Uy-lít-xơ, bây giờ đã trở về, thì con có thể tin chắc rằng thế nào cha con và mẹ cũng sẽ nhận được nhau một cách dễ dàng, vì cha và mẹ có những dấu hiệu riêng, chỉ hai người biết với nhau, còn người ngoài không ai biết hết.

Nghe nàng nói vậy, Uy-lít-xơ cao quý và nhẫn nại mỉm cười. Rồi người vội nói với Tê-lê-mác những lời có cánh như sau:

- Tê-lê-mác, con! Đừng làm rầy mẹ, mẹ còn muốn thử thách cha ở tại nhà này. Thế nào rồi mẹ con cũng sẽ nhận ra, chắc chắn như vậy. Hiện giờ cha còn bẩn thỉu, áo quần rách rưới, nên mẹ con khinh cha, chưa nói: “Đích thị là chàng rồi!”. Nhưng về phần cha con ta, ta hãy bàn xem nên xử trí thế nào cho ổn thỏa nhất. Nếu có ai giết chết một người trong xứ sở, chỉ một người thôi, và dù kẻ bị giết chẳng có ai báo thù cho nữa, thì người ấy cũng phải rời bỏ cha mẹ, đất nước, trốn đi. Huống hồ chúng ta đây, chúng ta đã hạ cả thành luỹ bảo vệ đô thị, giết các chàng trai của những gia đình quyền quý nhất; tình huống ấy, cha khuyên con nên suy nghĩ.

Tê-lê-mác chậm rãi đáp:

- Cha thân yêu, việc này xin cha để tuỳ cha định liệu, vì xưa nay cha vẫn là người nổi tiếng khôn ngoan, không một kẻ phàm trần nào sánh kịp.Về phần chúng con, chúng con sẽ hết lòng hăng hái phù tá cha, và xin cha tin rằng chỉ nói trong phạm vi sức lực của con, con cũng không phải là người kém gan dạ.

(Uy-lít-xơ bảo mọi người đi tắm rửa, rồi mặc quần áo đẹp, ca múa cho người ngoài lầm tưởng trong nhà làm lễ cưới, dặn ai nấy giữ kín chuyện cho đến khi cha con lui về trang trại của La-éc-tơ rồi sẽ bàn tính sau, Uy-lít-xơ cũng đi tắm.)

Khi Uy-lít-xơ từ phòng tắm bước ra, trông đẹp như một vị thần. Người lại trở về chỗ cũ, ngồi đối diện với Pê-nê-lốp, trên chiếc ghế bành ban nãy, rồi nói với nàng:

- Khốn khổ! Hẳn là các thần trên núi Ô-lem-pơ đã ban cho nàng một trái tim sắt đá hơn ai hết trong đám đàn bà yếu đuối, vì một người khác chắc không bao giờ có gan ngồi cách xa chồng như thế, khi chồng đi biền biệt hai mươi năm trời, trải qua bao nỗi gian truân, nay mới trở về xứ sở. Thôi, già ơi! Già hãy kê cho tôi một chiếc giường để tôi ngủ một mình, như bấy lâu nay, vì trái tim trong ngực nàng kia là sắt đá.

Pê-nê-lốp thận trọng đáp:

- Khốn khổ! Tôi không coi thường, coi khinh ngài, cũng không ngạc nhiên đến rối trí đâu. Tôi biết rất rõ ngài như thế nào khi ngài từ giã I-tác ra đi trên chiếc thuyền có mái chèo dài. Vậy thì, Ơ-ri-clê! Già hãy khiêng chiếc giường chắc chắn ra khỏi gian phòng vách tường kiên cố do chính tay Uy-lít-xơ xây nên, rồi lấy da cừu, chăn và vải đẹp trải lên giường.

Nàng nói vậy để thử chồng, nhưng Uy-lít-xơ bỗng giật mình nói với người vợ thận trọng:

- Nàng ơi, nàng vừa nói một điều làm cho tôi chột dạ. Ai đã xê dịch giường tôi đi chỗ khác cậy? Nếu không có thần linh giúp đỡ thì dù là người tài giỏi nhất cũng khó lòng làm được việc này. Nếu thần linh muốn xê dịch thì dễ thôi, nhưng người trần dù đang sức thanh niên cũng khó lòng lay chuyển được nó. Đây là một chiếc giường kì lạ, kiến trúc có điểm rất đặc biệt, do chính tay tôi làm lấy chứ chẳng phải ai. Nguyên trong sân nhà có một cây ô-liu lá dài; nó mọc lên, khoẻ, xanh tốt và to như cái cột. Tôi kẻ vạch gian phòng của vợ chồng mình quanh cây ô-liu ấy, rồi xây lên với đá tảng đặt khít nhau. Tôi lợp kĩ gian phòng, rồi lắp những cánh cửa bằng gỗ liền, đóng rất chắc. Sau đó tôi chặt hết cành lá của cây ô-liu lá dài, cố đẽo thân cây từ gốc cho thật vuông vắn rồi nảy đường mực, làm thành một cái chân giường và lấy khoan khoan lỗ khắp xung quanh. Tôi bào tất cả các bộ phận đặt trên chân giường đó, lấy vàng bạc và ngà nạm vào trang trí, và cuối cùng tôi căng lên mặt giường một tấm da màu đỏ rất đẹp. Đó là điểm đặc biệt mà tôi vừa nói với nàng. Nhưng nàng ơi, tôi muốn biết cái giường ấy hiện còn ở nguyên chỗ cũ, hay đã có người chặt gốc cây ô-liu mà dời nó đi nơi khác.

Người nói vậy, và Pê-nê-lốp bủn rủn cả chân tay, nàng thấy Uy-lít-xơ tả đúng mười mươi sự thật. Nàng bèn chạy ngay lại, nước mắt chan hoà, ôm lấy cổ chồng, hôn lên trán chồng và nói:

- Uy-lít-xơ! Xin chàng chớ giận thiếp, vì xưa nay chàng vẫn là người nổi tiếng khôn ngoan. Ôi! Thần linh đã dành cho hai ta một số phận xiết bao cay đắng vì người ghen ghét ta, không muốn cho ta được sống vui vẻ bên nhau, cùng nhau hưởng hạnh phúc của tuổi thanh xuân và cùng nhau đi đến tuổi già đầu bạc. Vậy giờ đây, xin chàng chớ giận thiếp, cũng đừng trách thiếp về nỗi gặp chàng mà thiếp không âu yếm chàng ngay. Thiếp luôn luôn lo sợ có người đến đây, dùng lời đường mật đánh lừa, vì đời chẳng thiếu gì người xảo quyệt, chỉ làm điều tai ác... Giờ đây, chàng đã đưa ra những chứng cứ rành rành, tả lại cái giường không ai biết rõ, ngoài chàng với thiếp và Ác-tô-rít, một người thị tì của cha thiếp cho khi thiếp về đây, và sau đó giữ cửa gian phòng vách tường kiên cố của chúng ta. Vì vậy chàng đã thuyết phục được thiếp và thiếp phải tin chàng, tuy lòng thiếp rất đa nghi.

Nàng nói vậy, khiến Uy-lít-xơ càng thêm muốn khóc. Người ôm lấy người vợ xiết bao thân yêu, người bạn đời chung thuỷ của mình mà khóc dầm dề.

Dịu hiền thay mặt đất, khi nó hiện lên trước mắt những người đi biển bị Pô-dê-i-đông đánh tan thuyền trong sóng cả gió to, họ bơi, nhưng rất ít người thoát khỏi biển khơi trắng xoá mà vào được đến bờ; mình đầy bọt nước, những người sống sót mừng rỡ bước lên đất liền mong đợi; Pê-nê-lốp cũng vậy, được gặp lại chồng, nàng sung sướng xiết bao, nàng nhìn chồng không chán mắt và hai cánh tay trắng muốt của nàng cứ ôm lấy cổ chồng không nỡ buông rời.

 

Sử thi là gì? Tổng hợp một số sử thi kinh điển của Việt Nam và thế giới 5

2.4 Sử thi Nga

Bắt đầu từ cuối thế kỷ XVII, ở vùng phía bắc của Nga đã xuất hiện một lượng lớn các tác phẩm sử thi dân gian. Chúng được gọi là bylina tức điều xảy ra trong quá khứ hay starinabylina mang nghĩa là chuyện thời xưa. Trong đó nội, dung chính của đề tài viết về anh hùng hoặc một tình huống nào đặc biệt nào đó trong lịch sử nước này. Chẳng hạn, những nhân vật thường xuất hiện trong tác phẩm như Svyatogor, Dunai, Volga, Potoka là hiện thân của các vị thần tự nhiên hay Dobrynia Nikitich - anh hùng diệt rắn, tráng sĩ Aliosha Popovich (đại diện cho các nhân vật anh hùng),...

Mặc khác, nhiều chứng cứ cho thấy các tác phẩm sử thi trên liên quan đến thời kỳ Kiev - gắn với đời quốc vương Vladimir. Thế nhưng đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất được nguồn gốc cụ thể của nó. Một số ít người bày tỏ bylina (sử thi) xuất hiện từ thời bộ lạc Đông Slav, trong khi đó phần lớn cho rằng nó được hình thành từ thế kỷ X - XI gắn với lịch sử của Kiev.

Về tác giả, theo V.F. Miller, sử thi ban đầu do các ca sĩ trong cung đình của vương quốc Nga sáng tác, sau đó được phổ biến và hoàn thiện bởi các nghệ sĩ lang thang biểu diễn múa, hát,...Phong cách ngôn ngữ của tác phẩm là thể thơ tự do có nhịp điệu đặc biệt nhưng không có vần, độ dài thay đổi tuỳ bài và độ dài ở khoảng 300 đến 400 câu thơ. 

Xem thêm: Chiến công diệt tên tướng cướp Họa Mi của tráng sĩ Ilya Muromets (sử thi Nga)

Hành trình đầu tiên của Ilya Moromets:

Ilya và tên Họa Mi-Tướng cướp

Chẳng phải cây sồi xanh nghiêng xuống đất

Cũng chẳng phải những trang giấy trải ra

Mà là đứa con trai quỳ phục trước cha

Cầu xin cha ban cho lời chúc phúc:

“Hãy ban cho con lời chúc phúc,

Ôi thưa cha, cha hết mực yêu thương!

Để cho con cất bước lên đường

Đến Kiev vinh quang, diễm lệ

Kinh đô nơi quốc vương Vladimir ngự trị

Với Người con thể hiện lòng trung

Phục vụ Người với tất cả tấm lòng

Bảo vệ đức tin Thiên Chúa giáo”

Ivan Timofeevich lão nông bèn bảo:

“Cha chúc phúc cho việc tốt con làm

Còn việc xấu thì cha phải khuyên can.

Con ra đi, dầu đường to, lối nhỏ

Lời của cha thì con hãy nhớ

Với người Tatar điều ác chớ đụng tay

Còn nông dân trên thửa ruộng cày

Con nhớ không bao giờ được giết”.

Ilya Muromets cúi chào cha sát đất

Rồi ngồi lên chú tuấn mã của mình

Phóng như bay ra đồng rộng mông mênh.

Chàng thúc mạnh hai bên sườn chú ngựa

Rách cả da, lòi cả thịt đen:

Chú ngựa hung hăng nổi khùng lên

Bèn phóng mình bật khỏi mặt đất

Nhảy cao hơn ngọn cây cao ngất

Suýt chạm tới tận những đám mây.

Ngựa và người phóng đi như bay

Mười lăm dặm nhảy trong một bước

Bước nhảy thứ hai, hiện ra giếng nước

Một cây sồi xanh mọc kề bên

Chàng chặt cây, nhà thờ nhỏ dựng lên

Trên nhà thờ tên của mình chàng ký:

“Từng qua đây một người tráng sĩ

Ilya Muramets oai hùng, con của Ivan”

Bước nhảy thứ ba, thành Chernigov ngay gần

Trước thành quân đông không kể xiết

Ba hoàng tử oai phong lẫm liệt

Mỗi người nắm giữ bốn vạn binh

Tim anh hùng hừng hực trào dâng

Nóng hơn lửa, nóng hơn băng đang cháy.

Ilya Muromets bèn cất lời như vậy

Với đạo quân đang đứng đằng kia:

“Trái ý cha ta chẳng mong gì

Cũng chẳng muốn sai lời người dạy bảo”.

Chàng bèn nắm trong tay ngọn giáo

Hiên ngang dạo bước giữa đoàn quân

Quay bên kia chàng tạo những quảng trường

Quay bên này chàng vạch ra đường phố

Xẻ đường đến trước ba hoàng tử,

Ilya Muromets cất lời:

“Hỡi ba hoàng tử của ta ơi!

Nên chăng cả ba ngươi ta bắt

Làm tù binh, hay đầu kia ta cắt?

Nếu bắt các ngươi làm tù binh,

Ta mở đường, dân mang bánh hoan nghênh

Còn đầu kia nếu ta đem cắt hết

Thì nòi giống các quốc vương tuyệt diệt .

Vậy hãy về nhà, loan tin khắp mọi nơi

Rằng đất Nga chẳng phải chỗ không người

Bởi đất Nga linh thiêng đã có

Những tráng sĩ oai hùng, uy vũ.”

Tướng thành Chernigov trông thấy chàng:

“Kìa sứ giả Chúa gửi đến cho ta!

Quân thù kia chàng quét đi sạch bóng

Thành Chernigov từ nay giải phóng.”

Rồi quay sang với các vương, quan

Vị tướng thành bèn ra lệnh rằng:

“Hãy ra gọi chàng trai trẻ tuổi

Đến chỗ ta ăn bánh mì và muối”.

Các vương, quan nghe lệnh tức thì,

Đến gặp tráng sĩ Muromets Ilya

“Hỡi chàng trai can trường, mạnh mẽ!

Chàng tên chi, tên chàng là gì thế?”

“Tên thân mật, Ileika giản đơn

Còn trang trọng Ilya con của Ivan”

Nghe vậy, các vương, quan bèn tiếp:

“Hỡi chàng, Ilya Muromets

Hãy đến với tướng của chúng tôi

Muối, bánh mì ông ấy chào mời.”

“Tướng các người ta không đi đến

Muối, bánh mì ta không muốn nếm

Hãy chỉ cho ta biết con đường

Thẳng tới kinh đô Kiev vinh quang”.

“Hỡi chàng, Ilya Muromets!

Con đường thẳng tới kinh đô Kiev

Chẳng dễ đâu, rừng Bryn chắn lối qua

Thêm con sông Samorodina

Chảy vắt ngang khó lòng vượt được.

Lại có tên Họa Mi – tướng cướp

Chiếm cứ trên hai mươi bảy cây sồi

Ba chục năm hắn ở đó ngồi 

Chẳng người, ngựa nào qua được hết”. 

Ilya nghiêng mình chào từ biệt 

Rồi vượt qua khu rừng Bryn 

Họa Mi nghe tiếng vó ngựa rung 

Bèn cất giọng hót vang cảnh báo 

Chú tuấn mã sẩy chân lảo đảo. 

Ilya bèn nói với ngựa thân thương: 

“Ôi tuấn mã, ơi chú ngựa can trường 

Lẽ nào rừng tối mi chưa vượt 

Tiếng chim hót mi chưa được nghe qua?” 

Rồi Ilya bèn rút tên ra 

Nhằm Họa Mi giương cung nhắm bắn 

Phát tên đầu đường bay quá ngắn 

Phát thứ hai lại phóng quá đà 

Và rồi chàng bắn phát thứ ba 

Trúng mắt phải tên Họa Mi- tướng cướp 

Khiến hắn rơi khỏi hai bảy cây sồi 

Chàng buộc hắn sau yên cương chàng ngồi 

Rồi thẳng tiến tới kinh đô Kiev. 

“Hỡi chàng, Ilya Muromets, 

Họa Mi – tướng cướp nói với chàng, 

Chàng đi đâu mà phải vội vàng 

Hãy về nhà của tôi làm khách” 

Con gái nhỏ của Họa Mi- tướng cướp 

Trông thấy chàng bèn vội báo tin: 

“Hãy trông kìa cha của chúng mình 

Bắt thằng chột về, cột sau yên ngựa”. 

Con gái lớn vội vàng ra ngó: 

“Đồ nhãi ranh ngu ngốc làm sao! 

Đó là chàng tuấn kiệt, anh hào 

Bắt cha ta về, cột sau yên ngựa” 

“Đừng bắng nhắng, mấy đứa con gái nhỏ, 

Họa Mi – tướng cướp nói với con, 

Đừng chọc tức chàng trai trẻ oai hùng” 

Ilya hỏi tên Họa Mi tướng cướp: 

“Các con ngươi sao giống nhau như đúc?” 

Họa Mi bèn đáp lời Ilya: 

“Sinh con trai, cho lấy gái trong nhà 

Còn sinh gái, gả cho con trai làm thê thiếp 

Để dòng giống Họa Mi đời đời nối tiếp” 

Lời Họa Mi chọc giận chàng Ilya 

Cây kiếm sắc ngọt chàng rút ra 

Cả đàn con của Họa Mi chém hết. 

Thế rồi chàng Ilya Muromets 

Tiến đến thành Kiev vinh quang 

Chàng cất lên tiếng gọi rền vang: 

“Ơi quốc vương anh minh người hỡi, 

Vladimir, cha của muôn dân 

Ngài có cần chăng đến chúng thần 

Những tráng sĩ oai hùng, uy vũ 

Kẻ sẽ mang cho ngài vinh quang, danh dự 

Giúp giữ thành Kiev quét sạch bọn Tatar?” 

Quốc vương Vladimir bèn đáp lời Ilya: 

“Sao không cần các ngươi cho được? 

Ta kiếm tìm các ngươi khắp nước, 

Mỗi người tới, ngựa tốt ta liền ban” 

Ilya Muramets bèn tâu với quốc vương: 

“Thần đã có đây rồi con tuấn mã 

Buổi sáng sớm thần cùng cha dùng bữa 

Buổi trưa thần muốn được ở cùng ngài, 

Nhưng gặp ba chướng ngại trên đường dài 

Giải phóng thành Chernigov trước nhất, 

Hai là sông Smorodina phải bắc 

Cây cầu dài mười lăm dặm ngang qua, 

Rồi bắt Họa Mi tướng cướp là ba”. 

Quốc vương Vladimir bèn nói: 

“Ôi tướng cướp Họa Mi ngươi hỡi! 

Hãy đến ngay điện đá trắng chỗ ta” 

Họa Mi tướng cướp đáp lời vua: 

“Thần không phải kẻ theo hầu bệ hạ 

Lệnh của ngài thần không tuân theo nữa. 

Giờ thần phải hầu hạ ân cần 

Ilya Muromets chủ nhân” 

Vladimir nói: “Ôi Muromets, 

Con trai Ivan, Ilya Muromets! 

Hãy bảo Họa Mi vào điện của ta” 

Ilya Muromets bèn ban lệnh ra 

Họa Mi nghe, điện của vua liền tới. 

Quốc vương Vladimir lại nói: 

“Hỡi Muromets, con trai của Ivan 

Hãy lệnh cho hắn cất giọng hót vang”. 

Và Ilya Muromets bèn nói: 

“Cha chúng thần, quốc vương Vladimir hỡi, 

Xin ngài đừng tức giận, nếu như 

Một tay thần cắp ngài khư khư 

Còn công chúa dưới tay kia thần dấu” 

Rồi quay sang Họa Mi chàng bảo:

“Hỡi Họa Mi, hãy hót nửa hơi thôi”

Nhưng Họa Mi lại hót hết cả hơi, 

Mái cung điện bay xuống ô cửa sổ 

Bản lề sắt gãy tung tất cả 

Các tráng sĩ mạnh mẽ oai hùng 

Cùng vương, quan đều ngã lăn đùng 

Chỉ riêng mình Ilya đứng đó 

Buông tay thả quốc vương cùng công chúa 

Quốc vương Vladimir cất lời: 

“Hay lắm, tướng cướp Họa Mi ơi! 

Làm sao Ilya tóm mi được vậy?” 

Lời quốc vương Họa Mi bèn đáp lại: 

“Thưa hôm đó lễ tên thánh con thần 

Thần túy lúy chẳng đứng nổi trên chân”. 

Nghe nói vậy, Ilya nổi đóa 

Tóm lấy đầu tên Họa Mi dối trá 

Lôi hắn ra tận ngoài phía sân chầu 

Ném hắn bay qua cả ngọn cây cao 

Suýt chạm tới đám mây trên trời thẳm 

Rồi quẳng xuống tận đất đen ướt ẩm 

Cứ như vậy, tóm lấy hắn nhiều lần 

Họa Mi kia xương cốt gãy nát tan. 

Rồi mọi người cùng quốc vương ăn tối.

Quốc vương Vladimir mới nói: 

“Hỡi Ilya Muromets, con của Ivan! 

Ta dành cho ngươi ba chỗ trên bàn 

Chỗ thứ nhất bên ta ngồi liền cạnh 

Chỗ thứ hai phía trước ta đối diện 

Chỗ thứ ba tùy ý muốn của ngươi”. 

Ilya đi quanh chào tất cả mọi người 

Bắt tay các vương quan quyền thế 

Các tráng sĩ oai phong mạnh mẽ 

Rồi ngồi xuống đối diện nhà vua 

Aliosha Popovich thấy vậy chẳng ưa 

Bèn vớ lấy con dao bằng thép 

Ném vào người Ilya Muromets 

Lưỡi dao bay, Ilya bắt được ngay 

Cắm nó xuống bàn gỗ sồi trước mặt.

Xem thêm: 

Sự khác biệt của nền văn minh phương Đông và phương Tây?
Điển tích điển cố: Thủ pháp nghệ thuật thường được sử dụng trong văn học
Phong trào văn hóa Phục Hưng có ý nghĩa gì với nền văn minh phương Tây

Sử thi là gì? Tổng hợp một số sử thi kinh điển của Việt Nam và thế giới 6

3. Khám phá 2 tác phẩm sử thi Việt Nam hay

Sử thi Việt Nam mang đậm nét văn hoá, lịch sử của người dân tộc ít người. Thông qua hình thức kể chuyện sử thi của người Tây Nguyên bạn sẽ dễ dàng thấy được điều đó. 

3.1 Sử thi Đăm Săn

Người Ê đê kể Khan (sử thi) bằng lối hát kể, hát lời kết hợp với nét diễn qua gương mặt, hành động để mô tả lại nhân vật chính. Một trong các tác phẩm nổi bật của họ chính là sử thi anh hùng Đăm Săn.

Sử thi Đăm Săn có tên gọi đầy đủ là “Bài ca chàng Đăm Săn”. Nội dung chính của nó xoay quanh người anh hùng Đăm Săn - người có công thuần phục voi dữ, giúp buôn làng giàu mạnh,...

Sử thi Đăm Săn mang đậm những nét truyền thống của người dân tộc Ê – đê, ca ngợi sự tài trí, thông minh, gan gốc của người dân. Qua đó thể hiện khát vọng sống tự do, phóng khoáng và niềm khát vọng chinh phục thiên nhiên của con người.

Xem thêm: Đăm Săn đi bắt nữ thần mặt trời về làm vợ

Đây là phần sau khi hai vợ Đăm Săn sống lại.

Đăm Săn nghỉ một ngày, ngơi một đêm, ở không thêm một chiều một sáng. Sau đó

Đăm Săn: Ơ Hơ Nhị, ơ Hơ Bhị! Đừng mong đợi tôi làm gì nhé.

Hơ Nhị: Ơ nuê, ơ nuê, nuê lại đi đâu nữa?

Đăm Săn: Tôi đi vào núi thẳm rừng sâu, tôi đi vào rừng âm u bịt bùng. Đêm tôi nghỉ, ngày tôi lại đi.

Hơ Nhị: Ơ nuê, nuê đi làm gì nữa? Nếu nuê cần chiêng thì nhà đã có chiêng. Nếu nuê cần chạ thì nhà đã có chạ rồi cơ mà.

Đăm Săn: Tôi đi nào phải để kiếm chiêng, kiếm chạ. Tôi chỉ đi chơi thôi, đi chơi không có việc gì.

Hơ Nhị: Ơ nuê, ơ nuê, nuê đã có chiêng đống voi đàn, bạn bè đông như nêm như xếp. Ai cũng nói nuê đã làm một tù trưởng giàu mạnh, đầu đội khăn nhiêu, vai mang nải hoa. Chiêng hàng trăm đã mua, knă hàng ngàn đã sắm, tôi trai tớ gái, voi đực voi cái đều đã có cả. Nồi bung đầy rừng, nồi bẩy đầy đầm; lợn dê đầy ắp gầm sàn, nuê cũng có. Danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi, đông tây đâu đâu cũng nói nuê là một dũng tướng, chắc chết mười mươi cũng không lùi bước rồi cơ mà.

Đăm Săn: Tôi đi đây là để bắt nữ Thần mặt trời. Có bắt được nàng tôi mới thật sự trở thành một tù trưởng giàu có, chiêng lắm chạ nhiều, mới thực sự đâu cũng phải khuất phục tôi. Từ người Radeh bên bờ sông, cho đến người Mnông ở dưới thấp, không còn một ai dám trái lời tôi. Tôi đi đến đâu ở đó tre le phải nghiêng mình, lồ ô phải cúi rạp. Tôi dậm chân là núi phải vỡ, sông phải tan. Không một tù trưởng nào sánh tày tôi nữa. Tôi đi làm gì ư? Tôi nghe danh vang đến thần tiếng lừng khắp núi, đông tây đâu đâu cũng nói Nữ Thần Mặt Trời là một cô gái xinh đẹp, đôi bắp chân nàng tròn trặn, váy nàng mặc tuyệt vời là đẹp. Vì vậy các cô đừng mong đợi tôi làm gì. Mười ngày tôi sẽ ngủ lại, sáu đêm tôi sẽ nằm lại dọc đường. Tôi sẽ đi hết tháng hết năm.

Thế là Đăm Săn ra đi. Chàng cưỡi một ngựa đực, mặc một áo blak rằn. Gươm giáo tuốt trần san sát bên người. Chàng Đăm Săn đi bắt nữ Thần Mặt Trời như vậy đó.

Tăng Măng: ơ anh, ơ anh, anh đi việc gì vậy?

Đăm Săn: Nào có việc gì đâu chú em. Đói rau tôi ghé xin nghỉ. Đói cơm tôi ghé xin ăn. Khát rượu tôi ghé xin uống. Thiếu bồ kết tôi ghé xin gội đầu. Thèm thịt bò thịt trâu tôi ghé xin ăn đó thôi.

Tăng Măng đi nấu cơm, đốt gà, đem rượu ra rồi hỏi chuyện Đăm Săn đi có việc gì.

Tăng Măng: Ơ anh, anh đi có việc gì vậy? Việc gấp lắm phải không anh?

Đăm Săn: Có việc gì gấp đâu chú em. Tôi muốn đi bắt nữ Thần Mặt Trời thôi. Vậy chú có biết đâu là rừng người ta đã vạch đường, đâu là lối vẫn dẫn

Người ta đi tới bãi thả trâu bò của nữ Thần Mặt Trời không? Chú biết chứ?

Tăng Măng: Ôi chao! Anh ơi, tôi quả là thằng đàn ông không biết rừng, là con đàn bà không biết đường, là con voi con tê giác không biết đâu là đường mình vẫn đi nữa, anh ạ.

Đăm Săn: Tôi hỏi chú, đinh ninh rằng chú biết, vì chú ở bìa rừng cuối xóm nên chú rõ đông tây. Đi, chú, chú đi với tôi chú nhé! Chú hãy làm con chim ngói dẫn đường, hãy làm con chim cút dẫn lối, tiễn chân tôi cho tận đến bãi thả trâu bò của nữ Thần Mặt Trời. Chú hãy đi cùng tôi! Vì tình anh em, chú hãy đi cùng tôi!

Hai người ra đi. Mười ngày họ ngủ lại. Sáu đêm họ nằm lại dọc đường. Họ đi suốt tháng suốt năm, lúc nghe sông suối rì rào, lúc nghe biển cả gào thét. Người cười ngựa đực, người cưỡi ngựa cái, ngựa thở hổn hà hổn hển.

Họ đến làng Dam Par Kvây. Bọn đàn ông con trai trong làng chạy ra tận bến nước để xem, còn bọn đàn bà con gái thì đứng nhìn từ các sàn sân. Ai ai cũng đã từng nghe đồn Đăm Săn là một tù trưởng giàu mạnh, đầu đội khăn nhiễu vai mang nải hoa.

Đăm Săn đến bãi ven làng rồi đến nhà Dam Par Kvây. Người trong nhà chạy xuống, kẻ giữ ngựa tháo yên, người đưa lời thăm hỏi. Chồm lên hai lần, chàng leo hết cầu thang. Chàng dậm chân lên sàn sân, hai làn sàn sân làm như vỗ cánh, bảy lần hàng cột nhà chao qua chao lại từ đông sang tây. Chàng dắt xagac lên mái nhà rồi ngồi xuống, trông nghênh ngang như con rắn trong hàng, ngang ngang như con cọp trong đầm, như con tê giác trong thung. Chàng nói nói cười cười, tiếng oang oang như sấm gầm sét dậy. Khắp các tù trưởng không một ai như chàng Đăm Săn.

Dam Par Kvây: Ơ các con, đem gối ra cho yiêng của ta nào. Đem chiếu đem chăn ra cho yiêng của ta nào!

Tôi tớ đem trải dưới một chiếu trắng, trải lên trên một chiếu đỏ làm chỗ ngồi cho nhà tù trưởng. Rồi họ đem ra thuốc sợi cả hòm đồng, thuốc lá cả sọt đại, trầu vỏ cả gùi to. Không còn sợ thiếu thuốc, thiếu trầu cho Đăm Săn ăn, hút. Họ đốt một gà mái ấp, giết một gà mái đẻ, giã gạo trắng như hoa êpang, sáng như ánh mặt trời, nấu cơm mời khách. Họ đi lấy rượu. Đem ra một ché tuk da lươn, một ché êbah Mnông, trên vẽ hoa kơ ŭ, dưới lượn hoa văn, tai ché hình mỏ vẹt xâu lỗ. Đó là những cái ché ngã giá phải ba voi. Ai đi lấy nước cứ đi lấy nước. Ai đánh chiêng cứ đánh chiêng, ai cắm cần cứ cắm cần. Cần cắm rồi người ta mời Đăm Săn ngồi vào uống. Vừa uống vừa nói chuyện

Dăm Par Kvây: Ơ yiêng, rượu tôi đã cột, gà tôi đã đốt, cơm tôi đã dọn trong mâm đồng chậu thau, xin mời yiêng đến ăn. Xin hỏi yiêng đi có việc gì? Phải chăng đã có kẻ đến đánh yiêng tại nhà, vây yiêng tại làng, bắt hết trai gái làng yiêng đi rồi sao?

Đăm Săn: Không phải thế đâu yiêng ơi. Tôi đi đây chẳng vì chuyện này, cũng không vì việc nọ. Tôi đến rủ yiêng, muốn cùng yiêng mặt giáp mặt bàn xem chúng ta đi bắt nữ Thần Mặt Trời có được hay không?

Dam Par Kvây: Ấy chết yiêng ơi. Rừng này nhiều cọp, đường này nhiều rắn. Không ai vào bắt nữ Thần Mặt Trời được đâu. Đường đi hái cà người ta trồng chông lớn. Đường đi hái ớt người ta trồng chông nhỏ. Người lớn đi chết đằng người lớn, nhà giàu đi chết đằng nhà giàu. Dũng tướng đi chết đằng dũng tướng.

Đăm Săn: Người dũng tướng chắc chết mười mươi vẫn không lùi bước, há cũng không vào đó được sao? (Ông Du, ông Diê nghe được liền quất cho Đăm Săn một roi vào người) Yiêng không cho tôi đi tôi cũng mặc. Tôi đã mang theo đây các thứ ngải đã từng giúp ông chúng tôi chiến thắng, những ngải cho sức mạnh, chém tê giác dưới vực, giết hùm beo trên rừng. Để xem tê giác, hùm beo có chết dưới mũi giáo lưỡi gươm của Đăm Săn này không? Dù yiêng có bảo đường đi lắm rết nhiều bọ cạp, núi rừng đầy tê giác, hùm beo, chưa từng có ai đi vào đó, tôi cũng không nghe yiêng đâu.

Dam Par Kvây: Ối chao! Chết thật đó yiêng ơi! Nước thì nhiều đỉa, rừng thì nhiều vắt, người ta chưa hề đem nhau đi vào đó bao giờ. Ven rừng đầy xương người. Trong rừng đầy xương bò xương trâu. Biết bao tù trưởng nhà giàu, biết bao dũng tướng anh hùng đã bỏ mạng nơi đây. Rừng Đen đất nhão là nơi đã chôn vùi nhiều tù trưởng nhà giàu. Tôi cột yiêng bằng thừng. Tôi trói yiêng bằng dây, Tôi không cho yiêng đi vào đấy đâu. Tôi xin cúng cầu phúc cho yiêng một lợn, tôi xin tiễn chân yiêng một trâu, tôi không cho yiêng đi vào rừng thiêng của nhà Trời đâu. Ở dấy, chông lớn nhiều như lông nhím, chông nhỏ nhiều như lông chó. Con sóc nhảy vào thân nó cũng khó mà vẹn toàn nữa là.

Đăm Săn: Mặc! Yiêng cứ để tôi làm bàn trang, tôi san đường tôi đi. Gặp cọp tôi sẽ giết cọp. Gặp tê giác tôi sẽ giết tê giác.

Dam Par Kvây: Giữ yiêng, yiêng không ở. Cầm yiêng, yiêng không dừng. Vậy yiêng định đốt đuốc ra đi trong đêm này ư?

Đăm Săn: Khắp vùng Êđê trên cao, Mnông dưới thấp, khắp tây đông, thử hỏi còn ai dám chống lại Đăm Săn này. Chống lại người tù trưởng giàu mạnh đầu đội khăn nhiều vai mang nải hoa này? Tôi không sợ đâu.

Dam Par Kvây: Cột không đừng, giữ không ở, đốt đuốc ra đi giữa canh khuya. Yiêng hãy coi chừng kẻo rơi vào rừng cỏ cằn đất nhão. Rừng bà Sun Y Rít đó yiêng ơi.

Đến đây Dam Par Kvây quay gót trở về. Trời đã nửa đêm gà đã từ từ gáy.       

Dam Par Kvây: Ơ Yiêng, ơ yiêng. Trời đã gần sáng, mặt trời đã ló lên rồi, yiêng hãy thúc ngựa chạy nhanh giữa lúc trời còn tối, đất còn cứng. Có ánh mặt trời chiếu xuống là đất sẽ nhão ra. Rừng bà Sun Y Rit sẽ bắt đầu động đấy.

Thế là Đăm Săn ra đi. Chàng đi hết rừng rậm đến núi xanh, cỏ tranh xé tay, gai mây đâm chân, không màng ăn uống. Chàng đi, đi mãi, rừng núi quạnh hiu, vắng như không, không như vắng. Nhưng rồi chàng cũng đến được bãi thả trâu bò, rồi bãi thả diều làng ông Du, ông Diê. Chàng thấy hầu như có bóng đàn ông một người, đàn bà một người. Sau đó là cảnh người đi lại như trong sương mù. Chàng liền đến bờ rào làng xem, thì thấy dưới giăng dây đồng, trên giăng dây sắt. Cảnh làng người anh giữ mặt trời, người em giữ mặt trăng quả là đẹp thật. Chỗ anh em họ ở là một cánh núi ngăn một dòng nước đục chảy cho đến nơi đất giáp với trời. Chàng đi đến nhà cô gái không chồng, nàng H’Kung của chàng Y Du. Nàng thì đã vào ở giữa mặt trăng, còn chàng thì đã vào ở giữ mặt trời. Ở đây sấm nổ ầm ầm. Mưa đổ ào ào, tiếng vó ngựa ngày đêm nghe rầm rập. Từ đây Đăm Săn đứng ngắm ngôi nhà của nữ Thần Mặt Trời. Cầu thang trông như cái cầu vồng. Cối giã gạo bằng vàng, chày cũng bằng vàng. Chày của tù trưởng giàu có này giã gạo trông cứ lấp la lấp lánh.

Đăm Săn xuống ngựa tháo yên. Khi chàng nhoài lên cầu thang thì trong nhà người ta đã nghe. Khi chàng dậm chân bước trên sàn hiên thì trong nhà người ta đã thấy. Chàng vào nhà. Toà nhà dài dằng dặc, voi vây chặt sàn sân, chiêng xếp đầy nhà ngoài, Knă chất đầy nhà trong. Tôi trai tớ gái như con ong đi lấy nước, như vò vẽ đi chuyển hoa. Các xà ngang xà dọc đều dát vàng. Khắp các nhà giàu có không thấy đâu có một ngôi nhà như vậy cả. 

Người đi ra đi vào nhà trong nhà ngoài đưa mắt nhìn chàng, thấy chàng oai như một vị thần. Tiếng xì xào ca ngợi chàng đã vọng tới tai nữ thần Mặt Trời. 

Nữ Thần: Ơ các con, ơ các con, khách nào ở ngoài ấy?

Người hầu: Thưa bà, chúng con không được quen. Khách này mặc một áo lụa đẹp, khoác ngoài một áo chiến cũng thật là đẹp. Lông chân như chải, lông đùi như chuốt. Tiếng nghe như chong chóng gõ mõ. Khắp các dân làng không có một ai như khách cả.

Nữ Thần bỏ váy cũ mặc váy mới. Chưa hài lòng với váy này nàng lấy váy khác. Nàng mặc một váy ánh như sét, loáng như chớp. Mái tóc nàng vén bên tai trông thật là đẹp. Nàng từ trong buồng đi ra, cửa buồng liền bừng sáng. Nàng đi trông như diều bay ó liệng, như nước lững lờ trôi cũng không bằng. Lỡ chân hụt bước chăng? Nàng liền tần ngần đứng lại hay ngồi xuống không một ai giống như nàng cả. Tiếng nàng lanh lảnh, người chưa tới mà tiếng đã vẳng lại. Thật không thấy có một ai như nàng cả. Trước mặt Đăm Săn là một cô gái thân hình như cái nụ hoa, cổ như cổ công. Nàng rõ ràng là con của thần Đất thần Trời rồi.      

Nữ Thần: Hỡi người con của trần thế, người muốn gì?

Đăm Săn: Vâng, tôi đã đến đây, tôi muốn có người nấu cơm canh tôi ăn, dệt khố áo tôi mặc.

Nữ Thần: Thế phải chăng người còn là lưỡi dao chưa tra cán? Còn là cái chốt chưa có lỗ cài? Là gái còn ở không, trai còn ở rỗi?

Đăm Săn: Tôi là lưỡi dao đã vướng cán, là lưỡi giáo đã có tay cầm. Dưới trần gian trai gái nào mà không có đôi có lứa.                                                                                                                                                  

Nữ Thần: Thế sao bây giờ đằng lưng người còn ưng, đằng bụng người còn nói nói cười cười với người khác? Người nghĩ gì vậy?

Đăm Săn: Tôi muốn có vợ lẽ thứ hai, muốn cả ba vợ tôi đều là những nàng tiên xinh đẹp. Tôi muốn đem nàng xuống trần làm juê, làm êngai, làm chị làm em với Hơ Nhị, Hơ Bhị.

Nữ Thần: Sao ta lại đi? Ông Trời đã định quê hương đất tổ của Mặt Trời, Mặt Trăng là nơi cuối đất chân trời này rồi cơ mà?

Đăm Săn: Nàng dù không đi thì tôi cũng đã rẽ đất đến đầu gối, lội bùn đến ngang hông, đem đất đem bùn đến nhà nàng rồi.

Nữ Thần: Nhưng nếu ta đi thì lợn dưới gà trên, cọp tê giác ngựa trâu sẽ chết hết. Chết cả người Kur, người Lào vì hết đất làm rẫy. Chết cả người Êđê Êga vì không còn nước uống. Chết cả gầm ghì cu xanh vì không còn trái ăn. Nếu ta đi, cây trong rừng sẽ tuyệt diệt, cây trên rú sẽ chết khô, lau lách sẽ ngừng đâm chồi, cỏ cây sẽ tàn lụi, đất đai sẽ nứt nẻ, sông suối sẽ cạn khô. Thôi, người hãy đi lấy gùi nước về đi! ta sắp ra đi đây.

Đăm Săn: Tôi không về! Với cây xagac phát rẫy này, tôi đã rạch rừng tôi đi. Tôi đã giết tê giác trong thung, giết cọp beo trên núi, giết kên kên quạ dữ trên cây, chém ma thiêng quỷ ác trên đường đi. Tôi thương nàng da diết. Lòng dạ tôi không nguôi, vì vậy tôi đã đến đây với nàng, muốn cùng nàng nên nghĩa vợ chồng, có lấy được nàng tôi mới về.

Nữ Thần: Từ cái sàn sân này, ngươi hãy về đi! Ngươi hãy đi khỏi cái nhà này đi! Ta là con của thần Trời, dù ngươi mới chỉ được ăn cơm, tắm nước lã, hương nghệ chưa vương cũng đành vậy.

Đăm Săn: Tôi nghĩ tôi thương nàng, hỡi người con của thần Trời. Nhưng cho đến bây giờ đằng lưng nàng đã không ưng, đằng bụng nàng cũng không ưa, cả tiếng nói tiếng cười với tôi nàng cũng tiếc. Tôi đành quay về làng hoang nhà cũ của tôi vậy. Tôi quay về ăn thịt trâu thịt bò của tôi vậy.

Nữ Thần: Ấy, người đừng ra về vội. Ta ra đi bây giờ đây, người chết mất thôi.

Đăm Săn: Sống được chết đành! Tôi về đây!

Thế là Đăm Săn ra về. Chàng nhảy lên ngựa ra đi.

Lúc này mặt trời mới ló lên ở đầu núi, ngựa của Đăm Săn vẫn còn kiệu được. Khi ngựa đến giữa rừng Đen thì mặt trời đã lên cao, ngựa bắt đầu bị dính ở chân. Mặt trời lên cao nữa, khi nó chấm ngang cây xà dọc phía đông thì đất loãng ra. Tuy nhiên ngựa vẫn còn chạy được, nó tiếp tục chạy những lún dần, cho đến khi bị dính ngang đầu gối. Từ đó nó phải đi bước một. Khi mặt trời lên quá cây xà dọc phía đông, ngựa đã lún đến sát bẹn, nhưng nó vẫn ráng bước tới. Cho đến khi mặt trời đứng bóng thì ngựa không sao bước được nữa. Nó bị ngập đến ngang lưng, đến mức cả ngựa, cả Đăm Săn đều chìm xuống. Trước hết Đăm Săn thấy một con bướm.

Đăm Săn: Ơ bướm, ơ bướm, cứu ta với

Bướm: Tôi làm sao mà cứu anh được?

Liền đó Đăm Săn thấy một con chuồn chuồn

Đăm Săn: Ơ chuồn, ơ chuồn! cứu ta với!

Chuồn Chuồn: Tôi thì làm sao mà cứu anh được, anh ơi!

Đăm Săn: Không cứu được thì hãy bay về làng báo cho vợ anh biết anh đã rơi vào vùng rừng hoang đầm vắng, vào vùng đất mềm rừng bà Sun Y Rít, vùng rừng tối như đêm rồi.

Chuồn chuồn bay đến nhà Hơ Nhị, Hơ Bhị.

Chuồn chuồn: Ơ chị Hơ Nhị, ơ chị Hơ Bhị, tôi đến báo cho các chị biết, chồng các chị anh Đăm Săn đã chết chìm trong Đất sáp Đen rồi.

Hơ Nhị: Anh ấy đi đâu về?

Chuồn chuồn: Đi bắt nữ Thần mặt Trời về, nên bị chìm trong rừng Sáp Đen đất nhão, nơi rừng bà Sun Y Rít rồi.

Hơ Nhị: Em không đùa chứ? Đúng như vậy hả em?

Chuồn chuồn: Sao tôi lại đùa được? Anh ấy chết trong vùng rừng hoang đầm vắng, ở nơi tận cùng của đất giáp với trời, ở vùng rừng cỏ cằn đất nhão. Đúng là Đăm Săn đã chết rồi. Đăm Săn, nhà tù trưởng giàu mạnh, đầu đội khăn nhiễu vai mang nải hoa đã chết rồi chị ạ! Trời nắng to làm chảy Đất Sáp Đen. Trời đã làm anh ấy rơi vào vùng đất non nước lạnh, vùng rừng tối như đêm, không được gặp một ai là anh em các chị cả.

Hơ Nhị: Ơ các con, ơ các con! hãy chạy đi báo cho các juk H’Âng, Hơ Lị, chị em của ông Đăm Săn biết, ông đã rơi vào vùng rừng cỏ cằn đất nhão, vùng rừng bà Sun Y Rit trên đường đi bắt nữ Thần Mặt Trời về rồi!

Bọn tôi tớ chạy đến nhà Hơ Âng.

Tôi tớ: bà ơi, chúng tôi đến báo bà biết ông Đăm Săn đã rơi vào vùng Đất Sáp Đen bùn dính, ở nơi cuối đất chân trời rồi!

Hơ Âng (nói với tôi tớ): Ơ các con, ơ các con, hãy đánh trâu đánh bò đi thui không cần đếm. Em ta đã chết trong vùng Đất Sáp Đen rồi.

Hơ Nhị, Hơ Bhị: Hỡi nghìn chim sẻ, hỡi vạn chim ngói! Hỡi tất cả tôi tớ của ta. Chúng ta hãy đi làm đám cho ông Đăm Săn chết trong rừng bà Sun Y Rit rồi! các con hãy đi mời người cả trăm, đi gọi người cả nghìn. Bạn bè tôi tớ của ta hãy rủ nhau đi rợp đất rợp trời làm đám cho ông. Hỡi những người giữ ngựa hãy đi bắt ngựa! Hỡi những người giữ trâu hãy đi bắt trâu!

Đoàn người ra đi cuồn cuộn như bày catong, nghìn nghịt như bày kên kên, tầng tầng lớp lớp đặc cả núi sông. Trong dòng người, có cả các tù trưởng người Bih đeo nanh cọp, có cả các tù trưởng người Mnông đeo răng rắn. Dòng người đi viếng Đăm Săn thật không sao kể xiết.

Đoàn người đã đến vùng cỏ cằn đất nhão, vùng rừng bà Sun Y Rit. Đến nơi rồi ai làm cột klao cứ làm cột klao ( 13). Ai làm cột kut cứ làm cột kút. Ai làm lán cứ làm lán. Ai thui trâu bò cứ thui trâu thui bò. Ai nấu cơm cứ nấu cơm. Ai cột rượu cứ cột rượu. Ai đánh chiêng cứ đánh chiêng.

Còn Hơ Nhị, Hơ Bhị. H’Âng, Hơ Lị cứ ngồi khóc, khóc cả ngày không biết có chiều, khóc cả đêm không biết có sáng. Nước mũi đầy đùi, nước mắt đầy tay.

Hơ Nhị: Ơ nuê ơi, thế là cây đã không còn nữa, cây klông đã đổ rồi. Khắp vùng Bih, vùng Mnông đâu còn một tù trưởng giàu mạnh, đầu đội khăn nhiễu, vai mang nải hoa như nuê nữa. Nuê giàu có voi đàn chiêng đống, tưởng đâu nuê được chết bia cao hòm tốt, mồ mả được thăm viếng tháng năm. Ngờ đâu nuê lại rơi vào vùng Đất Sáp Đen! Danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi, nghe đông tây đâu đâu cũng nói nuê có chiêng lắm, chạ nhiều. Thế mà nuê lại chết dọc sá dọc đường trong rừng Sáp Đen. Để cơm em khô trong bát, gà em quắt lại trong xiên, thịt xác ra như thịt con kên kên đực.

Hơ Bhị: Ơ anh ơi! Ới anh ơi! Em vẫn tưởng anh có chết thì chết trên bãi chiến trường khi đáng chiến đấu với quân thù, vây bắt tù binh, giày xéo đất đai của bọn tù trưởng nhà giàu. Ngờ đâu anh lại rơi vào Đất Sáp Đen, chết trong rừng đất nhão. Ới anh ơi! anh về mà ăn gan bò chúng ta trong mâm. Ăn gan trâu chúng ta trong thau, uống rượu ché tukc ché tang một mình một cần, ơ anh ơi!

Hơ Âng: Ới em ơi, ới em ơi. Trước kia khi em còn là một tù trưởng giàu mạnh đầu đội khăn nhiễu vai mang nải hoa, nếu em bị người Bih cầm tù thì chị nào để em bị giam giữ. Nếu em bị người Mnông bắt giam thì chị nào để em bị xích xiềng. Nếu em bị bọn tù trưởng nhà giàu bắt cầm tù thì dù chiêng cả trăm chị cũng cho, dù knă cả trăm chị cũng cho, dù tôi trai tớ gái phải bao nhiêu đi nữa thì chị cũng cho. Thế mà giờ đây chị em ta mặt không còn gặp mặt. Em mất đi mà không được gặp chị lại một lần.

Hơ Lị: Ơi anh ơi, mẹ dạy anh không nghe, cha bảo anh không vâng. Anh cầm sáo buốt anh thổi cho đến thiệt thân! Em khóc anh nước mũi đầy chén hoa, nước mắt đầy bát sứ. Em khóc anh! Người em nước mắt đầm đìa, anh ơi. Cơm em không còn muốn ăn, nước em không còn muốn uống. Bồ kết em cũng chẳng buồn lấy để gội đầu, thịt trâu thịt bò em cũng không sao nuốt nổi được nữa.

Hơ Âng: Ơ em ơi, gãy xagac này chị thay xagac khác. Gãy rìu này chị thay rìu khác, voi đực voi cái chết chị lại mua. Đằng này người chết thì làm sao chị có lại được nữa em ơi!

Vừa lúc đó một con ruồi bay vào miệng Hơ Âng

Đến đây Hơ Nhị cho chôn chiêng một trăm năm. Cũng xua bốn năm người, vài ba người nhảy vào vùng rừng cỏ cằn đất nhão, rừng bà Sun Y Rit

Hơ Nhị: Ơ juk, ơ juk. Đến đây mồ chúng ta đã đắp, mả chúng ta đã vun, cột gơng klao, gơng kut đã trồng. Trâu bò chúng ta đã thui không ngớt ngày đêm. Bây giờ chúng ta hãy ra về. (nói với tôi tớ) Ơ nghìn chim sẻ, ơ vạn chim ngói. Ơ tất cả tôi tớ của ta. Cho đến đây chúng ta đã làm đám ông xong. Bây giờ chúng ta hãy trở về nhà, làm lễ cáo thần, cáo tổ tiên, cáo linh hồn các tù trưởng xưa cũ. Cầu cho chúng ta được mãi mãi mạnh tay rìu, khỏe tay dao trong công việc nương rẫy.

Sáng dậy khi mặt trời vừa ló, người ta lấy rượu năm ché, trâu nâng một con làm lễ cầu yên cho mọi người.

Hơ Âng: Ơ juk, ơ juk. Đến đây rượu đã nhạt, ché đã phai, ai đã về nhà nấy. Chúng tôi cũng xin về juk ạ.

 

3.2 Sử thi Đẻ đất đẻ nước

Sử thi Đẻ đất đẻ nước là một bản trường ca của người Mường được kể dưới dạng văn vần. Đây là một bộ sử thi lớn, tập hợp các truyện kể thần thoại về sự hình thành của trời đất và thế giới.

Đẻ đất đẻ nước được dùng chủ yếu bởi các thầy mo trong các buổi diễn xướng lễ tang của dân tộc Mường. Hiện tại, tác phẩm được xem như một công trình văn hoá đậm chất văn hoá dân gian, triết học và lịch sử dân tộc.

Xem thêm: Trích đoạn trong “Đẻ đất đẻ nước”

Ngày xưa sinh đời trước

Dưới đất chưa có đất

Trên trời chưa có trời

Trên trời chưa có ngôi sao đỏ đỏ

Dưới đất chưa có ngọn cỏ xanh xanh

Chưa có nước sông Quanh, mó Vận

Chưa có mó Vận, Sông Sàng, mó Li

Không có đường đi lối lại

Chưa đẻ đồi cái, đồi con

Đất còn nên pạc lạc

Nước còn nên pời lời

Trên trời con nên puổng luổng

Ngó lên, trông xuống còn nên tịn vị

Móc muốn dậy nhưng chưa có lóng

Bứng muốn dậy nhưng chưa có buồng

Luồng muốn dậy nhưng chưa có ngảnh

Cau muốn dậy nhưng chưa có mo ne

Dây củ mài muốn dậy leo vắt leo vờ

Dây sắn muốn dậy néo vò

Dây sọ muốn dậy leo đất leo nước

Kim muốn dậy nhưng chưa có thép

Cờ hẹp muốn dậy nhưng chưa có cờ tường

Khiêng cơm muốn dậy nhưng chưa có khiêng rượu

Con thác muốn dậy nhưng chưa có con sao

Con sao muốn dậy nhưng chưa có ngày tháng

 

Bài viết trên cung cấp các thông tin cơ bản về sử thi và tham khảo một số tác phẩm sử thi nổi tiếng cùng những tác giả liên quan, hy vọng bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức thú vị. Hãy ghé thăm VOH mỗi ngày để sưu tầm cho mình những bài viết hay, bổ ích nhé!

(Nguồn ảnh: internet)

Bình luận